Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Tiêu điểm đầu tư tuần qua:
2.540 tỷ đồng xây cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và Đà Nẵng tiến tới chọn nhà thầu qua mạng
Hạnh Nguyên (tổng hợp) - 16/02/2020 08:16
 
Chính phủ phê duyệt đầu tư 2.540 tỷ đồng xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; Đà Nẵng tiến tới đồng bộ hoạt động lựa chọn nhà thầu qua mạng; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị... là những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Chính phủ phê duyệt đầu tư 2.540 tỷ đồng xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2

Dự án cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 sẽ xây dựng một cây cầu nữa có quy mô và hình dáng giống như cây cầu giai đoạn 1, đáp ứng nhu cầu vận tải đang tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố Hà Nội.

Theo Quyết định 214/QĐ-TTg ngày 7/2/2020 vừa được Văn phòng Chính phủ công bố, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2.

Cầu Vĩnh Tuy
Cầu Vĩnh Tuy

Mục tiêu đầu tư xây dựng dự án cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 theo quy hoạch nhằm hoàn thiện toàn bộ đường vành đai 2 của thành phố Hà Nội; tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố Hà Nội.

Dự án sẽ góp phần cải thiện điều kiện khai thác, đảm bảo an toàn giao thông, kết nối hai bờ sông Hồng; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng quận Hai Bà Trưng, quận Long Biên nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung; tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi đô thị phía Bắc Thủ đô; từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch.

Về quy mô đầu tư, dự án cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 sẽ hoàn thiện toàn bộ mặt cắt (với một cây cầu nữa) với quy mô và hình dáng giống như cây cầu giai đoạn 1 (tim cầu giai đoạn 2 nằm song song và cách tim cầu giai đoạn 1 về phía hạ lưu sông Hồng 21,25m.

Cụ thể, cầu được thiết kế vĩnh cửu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực; điểm đầu dự án giao với đường Trần Quang Khải - Nguyễn Khoái - Minh Khai quận Hai Bà Trưng, điểm cuối giao với đường Long Biên - Thạch Bàn thuộc quận Long Biên; tổng chiều dài cầu và đường dẫn L = khoảng 3.504 m; chiều cao thông thuyền H = 10m; bề rộng thông thuyền B = 80m; mặt cắt ngang cầu B = 19,25 m (bao gồm: 4 làn xe; trong đó có 2 làn xe cơ giới, 1 làn xe buýt, 1 làn tổng hợp và dải đi bộ).

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chiếu sáng, tổ chức giao thông,... và hệ thống đường gom cũng được xây dựng đồng bộ, đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

Dự án thuộc nhóm A với tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.540 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố Hà Nội. Thời gian thực hiện dự án là 2020-2022.

Đà Nẵng tiến tới đồng bộ hoạt động lựa chọn nhà thầu qua mạng

Thông tin trên được đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng cho biết về việc triển khai lộ trình hoạt động đấu thầu qua mạng chính thức được áp dụng tại thành phố này từ ngày 1/2/2020.

Theo đơn vị này, UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư, điều hành dự án; UBND các quận, huyện; các sở, ban, ngành nghiêm túc triển khai thực hiện Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT (Thông tư 11) về quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2020.

Từ năm 2017 đến nay, TP. Đà Nẵng luôn nằm trong tốp đầu cả nước về tỷ lệ số gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng. Ảnh minh họa
Từ năm 2017 đến nay, TP. Đà Nẵng luôn nằm trong tốp đầu cả nước về tỷ lệ số gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng. Ảnh minh họa

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị khẩn trương chỉ đạo các phòng chuyên môn, cán bộ phụ trách, theo dõi lĩnh vực đấu thầu nghiên cứu và nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định tại Thông tư số 11; bảo đảm công tác lựa chọn nhà thầu qua mạng theo lộ trình quy định.

Năm 2020, tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ (100%) các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng và thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng, trừ trường hợp đối với các gói thầu chưa thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng hoặc các gói thầu có tính đặc thù.

Năm 2021, tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ (100%) các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng và thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng, trừ trường hợp đối với gói thầu chưa thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng hoặc các gói thầu có tính đặc thù. Giai đoạn từ năm 2022-2025, tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 70% các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu.

Tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng toàn bộ (100%) gói thầu sử dụng vốn Nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng toàn bộ (100%) gói thầu mua sắm tập trung.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước lãnh đạo UBND thành phố nếu trong năm đơn vị không đạt các tỷ lệ về lựa chọn nhà thầu qua mạng theo quy định tại Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT.

Tiếp nối những kết quả đạt được, năm 2019 công tác đấu thầu qua mạng ở Đà Nẵng có nhiều chuyển biến tích cực. Cùng với đó, mục tiêu “tăng cường minh bạch, hiệu quả và giảm thiểu tiêu cực” trong đấu thầu qua mạng đang dần được khẳng định.

Theo ông Trần Minh Thành, (thuộc phòng Đấu thầu, Thẩm định, giám sát đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư  Đà Nẵng), với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND thành phố, sự vào cuộc khẩn trương của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, việc thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng tăng mạnh so với cùng kỳ. Với mục tiêu tăng tỷ lệ gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng, Đà Nẵng chủ động đẩy mạnh công tác đào tạo, truyền thông về đấu thầu qua mạng, thay đổi thói quen và nhận thức của các bên liên quan, khuyến khích và thay đổi nhận thức cho nhà thầu trong quá trình chuyển đổi từ hình thức lựa chọn nhà thầu trực tiếp (truyền thống) sang lựa chọn nhà thầu qua mạng.

Được biết, UBND TP Đà Nẵng giữ quan điểm xuyên suốt là bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch trong đấu thầu, tạo cơ sở pháp lý trong việc tổ chức thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng, áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh trong nước.

Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng góp phần cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả kinh tế, giảm thiểu các vấn đề tiêu cực trong đấu thầu, tạo nhiều thuận lợi cho chủ đầu tư, nhà thầu, rút ngắn thời gian đấu thầu...

TP.HCM "chốt" hạn hoàn tất bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Metro Bến Thành - Tham Lương

Ngày 14/2, tại Hội nghị triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM (Metro Bến Thành-Tham Lương),  Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, cho biết dự án này chiều dài hơn 11km , có 10 nhà ga và đi qua địa bàn 6 quận: quận 1, 3, 10, Tân Bình, Tân Phú, quận 12 và kết nối các tuyến metro số 1, 5, 3b và 6. Dự án có tổng diện tích thu hồi là 251.136 m2 với 602 hộ bị ảnh hưởng.

Trong đó, quận Tân Bình có số lượng hộ bị ảnh hưởng bởi dự án nhiều nhất (356 hộ), tiếp đó là quận 3 (113 hộ). Đến nay mới chỉ có 108 hộ nhận tiền, 53 hộ bàn giao mặt bằng.

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang cho rằng công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm, đến tháng 10/2020 không giải ngân được vốn, sẽ ảnh hưởng đến hợp đồng tài trợ vốn của nhà tài trợ. Vì vậy ông Quang đề nghị, đến ngày 30/6 phải cơ bản hoàn tất bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường  khẩn trương triển khai những công việc liên quan đến cơ chế đền bù, giải phóng mặt bằng để đến 28/2 phải hoàn thành.

Trên cơ sở đó, các quận cam kết sẽ hoàn tất cơ bản công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong tháng 6/2020. Sở Xây dựng TP.HCM có văn bản hướng dẫn cho các quận, huyện về cấp phép xây dựng cho các công trình có liên quan đến hành lang bảo vệ an toàn dọc tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Tham Lương.

Được biết dự án metro số 2 có tổng mức đầu tư là 47.890 tỷ đồng (tương đương 2.093,59 triệu USD). Nguồn vốn ODA của các ngân hàng ADB, KfW, EIB và vốn đối ứng của TP. Thời gian hoàn thành dự án là năm 2026.

Sau khi hoàn thành, tuyến metro số 2 có khối lượng chuyên chở lên đến 140.000 hành khách/ ngày (giai đoạn 1 với tàu 3 toa) và 400.000 hành khách/ ngày (giai đoạn 2 với tàu 6 toa).

Phú Yên: Đông Hòa sắp đón đại dự án nghỉ dưỡng

UBND tỉnh Phú Yên vừa tổ chức cuộc họp để nghe và cho ý kiến về quy hoạch, dự án đầu tư Khu du lịch tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng Biển Hồ (huyện Đông Hòa).

Chủ trì lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến bao gồm ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy; ông Phạm Đại Dương, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Chí Hiến, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh.

Núi Đá Bia nằm trong tổng thể quy hoạch dự án Khu du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng sinh thái Biển Hồ do nhà đầu tư đề xuất
Núi Đá Bia nằm trong tổng thể quy hoạch dự án Khu du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng sinh thái Biển Hồ do nhà đầu tư đề xuất

Núi Đá Bia nằm trong tổng thể quy hoạch dự án Khu du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng sinh thái Biển Hồ do nhà đầu tư đề xuất.

Dự án đầu tư Khu du lịch tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng Biển Hồ do Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam đề xuất đầu tư. Theo trình bày phương án chi tiết, quy hoạch dự án tại xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa với quy mô 470 ha. Quy mô bao gồm khu du lịch tâm linh; khu dịch vụ thương mại du lịch nghỉ dưỡng biển, hồ sinh thái thân thiện với môi trường, tạo điểm đến du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; xây dựng khu sân gôn 18 lỗ mang tầm quốc tế và các tiện ích, hạ tầng kỹ thuật khác…

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết, là tỉnh đang trên đà phát triển mạnh mẽ, trong đó huyện Đông Hòa được xác định là một trong những khu vực phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh Phú Yên. “UBND tỉnh cũng đang hoàn thiện khung quy trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có năng lực, với mong muốn các dự án lớn, quy mô lớn, đặc biệt ở các lĩnh vực mũi nhọn trong đó ưu tiên đầu tư về du lịch, công nghiệp công nghệ cao được triển khai đầu tư tại tỉnh”- Chủ tịch Phạm Đại Dương chia sẻ.

Cũng tại buổi làm việc, các ý kiến của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành liên quan đánh giá cao ý tưởng đề xuất của nhà đầu tư, đồng thời đề xuất nhà đầu tư làm rõ một số vấn đề như: ý nghĩa, địa thế, cảnh quan, hệ sinh thái đặc biệt của khu vực núi Đá Bia; tiếp tục xem xét điều chỉnh một số nội dung trong ý tưởng của đề án liên quan cho phù hợp với thực tiễn; bám sát các quy định của pháp luật liên quan đến quy hoạch chi tiết từng khu chức năng của đề án; tính toán phương án xử lý vấn đề môi trường, cấp nước; làm rõ vấn đề xây dựng khu du lịch tâm linh.

Trong khi đó, ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao sự quyết tâm ý tưởng đề xuất của nhà đầu tư, cơ bản đồng tình với ý tưởng nghiên cứu quy hoạch, đầu tư của các nhà đầu tư và yêu cầu đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.

“Đề nghị nhà đầu tư, đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu tại buổi làm việc, hoàn chỉnh lại ý tưởng lập quy hoạch, đầu tư. Trong đó, lưu ý cần đồng bộ với quy hoạch của Thị xã Đông Hòa, quy hoạch chung của tỉnh Phú Yên và đảm bảo tuân thủ quy định liên quan đến vấn đề tâm linh, môi trường, sử dụng đất”

Đồng thời, để dự án sớm hình thành, ông Huỳnh Tấn Việt yêu cầu UBND tỉnh thành lập Tổ hỗ trợ nhà nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu, hoàn chỉnh lại phương án lập quy hoạch để dự án được phê duyệt và sớm được khởi công xây dựng.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị

Với các dự án trọng điểm tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị, nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện không những phải đảm bảo về mặt tiến độ mà còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, tránh ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng tại chuyến đi kiểm tra tình hình hình hoạt động, cũng như công tác quản lý, sử dụng đất đai đối với các dự án trọng điểm tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng kiểm tra tại dự án kho cảng xăng dầu Hải Hà - Quảng Trị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng kiểm tra tại dự án kho cảng xăng dầu Hải Hà - Quảng Trị.

Theo đó, Phó Chủ tịch Hà Sỹ Đồng và các sở ngành đã đi kiểm tra thực tế tại các dự án: Khu du lịch - nghỉ dưỡng Biển Vàng, Bến cảng CFG Nam Cửa Việt, Kho cảng xăng dầu Hải Hà - Quảng Trị.

Đối với dự án Khu du lịch - nghỉ dưỡng Biển Vàng tại Khu dịch vụ-du lịch Cửa Việt do Công ty cổ phần Phát triển quan hệ Việt - Nhật làm chủ đầu tư, dự án này được khởi công từ tháng 6/2019.

Mục tiêu của dự án nhằm kinh doanh khách sạn, nhà hàng, khu thể thao tập đánh golf, sân tenis, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí. Quy mô dự án là xây dựng khách sạn 96 buồng ngủ đạt tiêu chuẩn 4 sao và các khu ẩm thực, thể thao; trung tâm hội nghị, giải trí trên diện tích đất sử dụng là 2,2ha với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng.

Qua kiểm tra cho thấy, hiện chủ đầu tư đang triển khai đẩy nhanh tiến độ xây dựng để đưa dự án vào hoạt động trong năm 2020.

Đối với dự án Bến cảng CFG Nam Cửa Việt. Đây là dự án được khởi công từ tháng 12/2019 với diện tích 18,75 ha. Dự án được xây dựng tại thôn Phú Hội, xã Triệu An, huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị có quy mô 4 cầu cảng dài 510m, vốn đầu tư khoảng 640 tỷ đồng.

Mục tiêu của dự án Bến cảng CFG là đảm bảo cho tàu trên 5.000 DWT vào làm hàng, có đầy đủ kho bãi lưu trữ trung chuyển hàng hóa và trở thành đầu mối giao thương quan trọng, là hạ tầng dịch vụ quan trọng thu hút đầu tư và Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Với dự án kho cảng xăng dầu Hải Hà - Quảng Trị, dự án được khởi công từ tháng 6/2019 với tổng vốn đầu tư 268 tỷ đồng. Hiện nhà đầu tư đang xây dựng hệ thống đường ống, kho bồn bể chứa xăng dầu, tổng sức chứa 30.200 m3; đầu tư xây dựng cầu cảng xuất nhập xăng dầu tiếp nhận tàu có trọng tải 5.000 DWT; cung cấp nguồn xăng dầu ổn định, có chất lượng cho thị trường tỉnh Quảng Trị và phụ cận. Diện tích xây dựng công trình gần 32.000 m2, với tổng mức  đầu tư gần 270 tỷ đồng.

Tại chuyến kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng ghi nhận những cố gắng của nhà đầu tư trong khắc phục các khó khăn, đảm bảo thi công các dự án hoàn thành đúng tiến độ. Đồng thời nhấn mạnh, những dự án này được xác định là trọng tâm, trọng điểm, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Trị.

Phó Chủ tịch Hà Sỹ Đồng cũng yêu cầu các nhà đầu tư tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình một cách đảm bảo chất lượng. Trong quá trình thực hiện phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, tránh ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Trước các đề xuất, kiến nghị từ phía nhà đầu tư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ với những khó khăn của nhà đầu tư trong quá trình triển khai các dự án; lãnh đạo UBND tỉnh tiếp thu các kiến nghị và sẽ lên kế hoạch để khẩn trương chỉ đạo tháo gỡ kịp thời, hiệu quả, nhằm đảm bảo tiến độ công trình thi công đúng kế hoạch đề ra.

Phó Chủ tịch Hà Sỹ Đồng cũng lưu ý các Sở, ban ngành, địa phương quan tâm và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư để triển khai thực hiện dự án đạt kết quả tốt nhất, phát huy tiềm năng lợi thế khi hoạt động tại địa phương, đóng góp cho ngân sách cũng như tạo công ăn việc làm cho người lao động...

Thừa Thiên Huế kêu gọi đầu tư dự án khu dịch vụ cao cấp bên bờ sông Hương

Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cho biết, UBND tỉnh này vừa có Quyết định ban hành bổ sung Danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020, định hướng đến năm 2025 với dự án khu dịch vụ cao cấp bên bờ sông Hương tại số 05 Lê Lợi, thành phố Huế.

Theo đó, dự án khu dịch vụ cao cấp bên bờ sông Hương sẽ được thực hiện tại số 05 Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế. Dự án được đầu tư với mục tiêu nhằm chỉnh trang cảnh quan bên bờ sông Hương, xây dựng khu dịch vụ du lịch cao cấp với mật độ xây dựng thấp, hài hòa với khu vực lân cận, tạo điểm nhấn bên bờ Nam sông Hương.

Dự án khu dịch vụ cao cấp bên bờ sông Hương sẽ được thực hiện tại số 5 Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế
Dự án khu dịch vụ cao cấp bên bờ sông Hương sẽ được thực hiện tại số 5 Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế

Dự án khu dịch vụ cao cấp bên bờ sông Hương sẽ được thực hiện tại số 5 Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế

Dự án có diện tích khoảng 8.334 m2 với tổng mức đầu tư tối thiểu là 20 tỷ đồng (chưa kể tiền thuê đất và giá trị tài sản đã được đầu tư trên đất).

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế, khu đất thực hiện dự án là khu đất trung tâm thành phố, có vị trí địa lý đắc địa, bên bờ sông Hương, gần khu vực tập trung hệ thống các khách sạn cao cấp của thành phố Huế, nằm trên trục đường Lê Lợi, gần trường Quốc Học, Trung tâm Festival Huế. Dự án sẽ thông qua đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, hình thức đầu tư trong nước hoặc đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cho biết, hiện tại hiện trạng khu đất được kêu gọi đầu tư dự án đã được san ủi, giải phóng mặt bằng. Giá trị tài sản trên đất, chi phí đã đầu tư vào đất khoảng 3,6 tỷ đồng (theo Quyết định số 2209/QĐ-UBND ngày 10/9/2019 của UBND tỉnh) sẽ được xử lý theo quy định.

Nhà máy điện rác Xuân Sơn được bổ sung quy hoạch điện VII

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý với đề nghị của Bộ Công thương về việc bổ sung Dự án điện rác Xuân Sơn công suất 15,5 MW vào quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Dự án này được đặt tại khu xử lý chất thải Xuân Sơn, Ba Vì, Hà Nội và sẽ đấu nối vào hệ thống điện quốc gia qua cấp điện áp 22 kV.

Dự án Xử lý rác thu hồi điện Xuân Sơn có công suất 1.000 tấn/ngày-đêm, áp dụng công nghệ đốt rác phát điện, do chủ đầu tư là liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn T&T và Hitachi Zosen Corporation - Nhật Bản.

Hiện bãi rác Xuân Sơn đang tiếp nhận khoảng 1.200 tấn rác/ngày. Với lượng rác này, đến hết năm 2020, nơi đây sẽ không còn khả năng tiếp nhận thêm.

Đà Nẵng tiến tới đồng bộ hoạt động lựa chọn nhà thầu qua mạng
Thông tin trên được đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng cho biết về việc triển khai lộ trình hoạt động đấu thầu qua mạng chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư