Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
2.916 doanh nghiệp FDI yên tâm làm ăn
Mạnh Bôn - 29/05/2013 07:58
 
Cho ý kiến đối với Dự thảo Luật sửa đổi Điều 170 Luật Doanh nghiệp vào hôm qua (ngày 28/5), hầu hết đại biểu Quốc hội đồng tình với đề xuất của Chính phủ.
TIN LIÊN QUAN

Khối doanh nghiệp FDI có đóng góp to lớn vào phát triển
kinh tế đất nước. (Ảnh: Lê Toàn)

Như vậy, nếu không có gì thay đổi, vào ngày 20/6/2013, Quốc hội sẽ “ấn nút” thông qua Luật sửa đổi Điều 170 Luật Doanh nghiệp, tạo điều kiện cho hơn 2.900 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 31/5/2013, cả nước có 2.916/6.000 doanh nghiệp FDI (với tổng vốn đăng ký 18,5 tỷ USD, sử dụng 446.000 lao động) chưa thực hiện thủ tục đăng ký lại để hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, nếu không sửa Điều 170 Luật Doanh nghiệp, sẽ có hàng loạt doanh nghiệp FDI phải ngừng hoạt động, kéo theo hàng loạt hệ quả, đặc biệt là việc giải quyết việc làm cho gần nửa triệu lao động.

Trước thực tế đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội sửa Điều 170 Luật Doanh nghiệp theo hướng, kể từ ngày 1/8/2013, doanh nghiệp FDI thành lập trước ngày 1/7/2006 được đăng ký lại để tổ chức quản lý, hoạt động theo quy định hoặc không đăng ký lại. Trong trường hợp không đăng ký lại, doanh nghiệp tổ chức quản lý và hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Điều lệ doanh nghiệp. Doanh nghiệp FDI được thành lập trước ngày 1/7/2006, đã hết thời hạn hoạt động sau ngày 1/7/2006 và chưa thực hiện thủ tục giải thể, được thực hiện thủ tục đăng ký lại để tiếp tục hoạt động.

“Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn và một số giải pháp hỗ trợ của Chính phủ cần có thêm thời gian để thực hiện, thì việc xem xét sửa đổi Luật Doanh nghiệp như trên là hết sức cần thiết và cấp bách”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu.

Vẫn theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp như trên không chỉ nhằm tháo gỡ khó khăn, mà còn tạo điều kiện để doanh nghiệp FDI tiếp tục duy trì hoạt động, đặc biệt là doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định, có lực lượng lao động gắn bó lâu dài, đóng góp cho xã hội và ngân sách nhà nước.

“Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp, ngoài việc tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích doanh nghiệp FDI chưa đăng ký lại thực hiện dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng tại Việt Nam, còn nhằm mục đích khuyến khích thu hút nguồn vốn FDI”, ông Vinh nói thêm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư