Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
3 cổ phiếu quan tâm ngày 2/12
Thanh Thuý - 02/12/2014 07:00
 
Đầu tư trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 2/12 của các công ty chứng khoán.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán đang “xanh lòng đỏ vỏ”?
Sắp khai tử chỉ số HNX - Index
PVcomBank “tiếp sức” Đạm Cà Mau cổ phần hóa

1. SFG: Khuyến nghị mua vào

CTCK FPT (FPTS)

Công ty Cổ phần Phân bón Miền Nam (SFG) đã tạo được thương hiệu mạnh, với tỷ lệ thị phần ở tầm trung tại thị trường cung cấp phân bón cho các tỉnh miền Trung và miền Nam. Theo thống kê của Công ty thì sản phẩm NPK của Công ty chiếm khoảng 10% thị phần cả nước, thị trường Phân lân chiếm 11% thị phần cả nước.

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014 chưa tích cực. 9 tháng đầu năm 2014, doanh thu thuần của Công ty đạt 1.780 tỷ đồng, chỉ đạt 51,6% kế hoạch cả năm 2014 đặt ra. Tuy nhiên LNST Công ty đạt 81 tỷ đồng, đạt hơn 80,2% kế hoạch cả năm đặt ra, với kết quả tương ứng EPS 9 tháng đầu năm 2014 đạt 1.870 đồng/CP. Mặc dù lợi nhuận đạt kế hoạch cao nhưng so với cùng kỳ đã giảm 24,84% do chi phí vận chuyển tăng cao trong khi xu hướng giá các loại phân bón trên thị trường đều giảm.

Dự phóng kết quả kinh doanh cả năm 2014: Chúng tôi dự phóng trong năm 2014 Công ty đạt 2.332 tỷ đồng doanh thu thuần và 132 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm lần lượt là 11,6% (so với cùng kỳ năm ngoái) và 10,2% (so với cùng kỳ năm ngoái), tương ứng hoàn thành 101,5% kế hoạch lợi nhuận và nhưng chỉ đạt 67,6% kế hoạch doanh thu.

Kế hoạch chi trả cổ tức: Dòng tiền ổn định từ hoạt động kinh doanh mang lại cho SFG khả năng chi trả cổ tức cao. Đây là điểm đáng lưu ý khi đầu tư vào Công ty. Trong năm 2013, công ty trả cổ tức 20%, tuy nhiên, kế hoạch năm nay Công ty đặt kế hoạch ở mức 15%.

Triển vọng từ năm 2014 trở đi. Từ năm 2014 trở đi, SFG sẽ tiếp tục hoàn thiện chuỗi sản xuất kinh doanh với các kế hoạch: 1/Hoàn thiện các sản phẩm, đưa ra tối thiểu 6-10 sản phẩm mới cho các vùng miền và xuất khẩu; 2/Ưu tiên giữ vững thị phần và điều chỉnh giá bán hợp lý đủ sức cạnh tranh với các đối thủ; 3/Chuẩn bị sẵn sàng khi có cơ hội tiếp tục đầu tư mở rộng dây chuyền NPK 100.000 tấn tại Nhà máy Hiệp Phước.

Công ty Cổ phần Phân bón Miền Nam hoạt động về lĩnh vực sản xuất phân bón (supe lân, NPK, phân bón lá Yogen…), hóa chất. Hiện nay, Công ty sản xuất hơn 600.000 tấn phân bón các loại với doanh thu mỗi năm trung bình khoảng 3.000 tỷ đồng và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng khoảng 9% mỗi năm trong giai đoạn 2011-2013. Chúng tôi dự phóng trong năm 2014, Công ty đạt 2.332 tỷ đồng doanh thu thuần và đạt 104 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng với mức EPS(F) là 2.385 đồng/CP, mức P/E trung bình của các công ty phân bón trong khu vực là 8,1 lần. Chúng tôi đưa ra khuyến nghị MUA với SFG với giá mục tiêu 19.429 đồng/CP.

2. Đạm Cà Mau: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Đạm Cà Mau, cổ phiếu cần quan tâm

Sau khi đi vào hoạt động năm 2012, Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) trở thành một trong hai nhà cung cấp urea hàng đầu Việt Nam. Với công suất 800.000/tấn năm và công nghệ sản xuất urea hạt đục tiên tiến nhất hiện nay, Đạm Cà Mau đang dần vươn lên vị trí hàng đầu về sản xuất và cung cấp phân urea tại thị trường Việt Nam cùng với Đạm Phú Mỹ (DPM).

Xét về lợi thế, Đạm Cà Mau hiện đang được nhận rất nhiều ưu đãi và hỗ trợ từ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). PVN cam kết sẽ hỗ trợ giá khí đầu vào, đảm bảo tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu ổn định ở mức bình quân 12%/năm cho Đạm Cà Mau. Trong khi các ưu đãi và trợ giá cho Đạm Phú Mỹ (DPM) đã kết thúc từ năm 2014. Ngoài ra, mức thuế TNDN áp dụng cho Đạm Cà Mau cũng đang ở mức rất ưu đãi (0% tới hết 2015 và 5% tới hết 2024).

Về hiệu quả hoạt động, Đạm Cà Mau liên tục có lãi kể từ khi đi vào sản xuất, với mức ROE trung bình đạt gần 20% trong 2 năm qua. Thị phần của công ty liên tục phát triển. Đạm Cà Mau hiện đang chiếm ưu thế tại các thị trường sản xuất lúa gạo lớn như ĐBSCL (Việt Nam) và Campuchia.

Đối với các rủi ro gặp phải, công ty hiện vẫn đang phải gánh chi phí lãi vay và rủi ro biến động tỷ giá từ dư nợ vay ngoại tệ khoảng 380 triệu USD trong quá trình xây dựng nhà máy.

Cổ phiếu Đạm Cà Mau được IPO với giá khởi điểm 12.000 đồng/cổ phần, thấp hơn 25,8% so với định giá của chúng tôi. Được biết Đạm Cà Mau hiện đang song song thực hiện các thủ tục IPO cũng như niêm yết cổ phiếu với lộ trình niêm yết khoảng 90 ngày sau khi IPO. Sau khi niêm yết, Đạm Cà Mau có tiềm năng trở thành một bluechip trên sàn chứng khoán với mức vốn hóa kỳ vọng ước khoảng 6.350 tỷ đồng. Chúng tôi đánh giá OUTPERFORM với cổ phiếu Đạm Cà Mau nhờ định giá hấp dẫn và cơ hội niêm yết rất sớm sau IPO.

3. PHR: Năng suất vườn cây cao và sức khỏe tài chính lành mạnh

CTCK MB (MBS)

PHR công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014. Doanh thu đạt mức 1.126 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ; lợi nhuận ròng đạt mức 159,4 tỷ đồng, giảm 20,6% so với cùng kỳ.

Mặc dù sản lượng mủ cao su tiêu thụ trong 9 tháng đầu năm tăng 2,8% so với cùng kỳ song kết quả kinh doanh của PHR vẫn gây thất vọng. Nguyên nhân là do giá bán mủ cao su bình quân giảm mạnh trên 23% so với cùng kỳ làm doanh thu và biên lợi nhuận giảm mạnh. Giá bán mủ cao su bình quân trong 9 tháng của PHR chỉ đạt mức 42,6 triệu USD/tấn.

PHR đã có văn bản trình DHCĐ xin ý kiến về việc giảm kế hoạch lợi nhuận xuống mức 164,4 tỷ đồng và giảm cổ tức xuống mức 2.000 đồng/CP. Lợi suất cổ tức của PHR đang ở mức khá cao là 7,4%.

Chúng tôi vẫn đáng giá cao PHR là một công ty được quản trị tốt với năng suất vườn cây đạt mức cao (hơn 2 tấn/ha) và sức khỏe tài chính lành mạnh. Tuy nhiên, diễn biến giá cao su bất lợi vẫn sẽ gây áp lực lên triển vọng lợi nhuận của Công ty trong thời gian tới.

Chủ tịch UBCK bác tin đồn thất thiệt Chủ tịch UBCK bác tin đồn thất thiệt

Theo Chủ tịch UBCK Vũ Bằng, thông tin UBCK sẽ vào cuộc thanh, kiểm tra giao dịch tại các mã chứng khoán có giao dịch lớn thời gian vừa qua là thông tin thất thiệt.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư