Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
30% doanh nghiệp FDI bỏ Trung Quốc chọn Việt Nam
Khánh An - 31/03/2016 09:05
 
Kết quả điều tra doanh nghiệp nước ngoài của PCI cho thấy, khoảng nửa số doanh nghiệp FDI đang đầu tư tại Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào nước khác.

27,9% doanh nghiệp FDI đã bỏ Trung Quốc để chọn Việt Nam. Tương tự, 21,2% doanh nghiệp FDI cũng đã từ chối Thái Lan, 12,6% từ chối Indonesia.Những con số này đều tăng so với năm trước và gần gấp đôi so với lần khảo sát năm 2013.

Đặc biệt, tỷ lệ nhà đầu tư có ý định đầu tư vào Campuchia thay vì Việt Nam đã giảm từ 20% trong năm trước xuống còn 2,5% vào năm 2015. Năm ngoái, đây là con số được cảnh báo cần chú ý.

Như vậy, các đối thủ truyền thống về cạnh tranh thu hút FDI trong khu vực tiếp tục là Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia  và một số quốc gia mới nổi như Philippine và Lào.

Sự gia tăng này là một chỉ báo quan trọng về thứ hạng phát triển của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư quốc tế.

Đánh giá về môi trường kinh doanh, thì bốn điểm mạnh của Việt Nam trong tương quan với các quốc gia cạnh tranh được nhắc đến là  mức thuế, rủi ro thu hồi tài sản, khả năng tác động chính sách và ổn định chính trị.

Đặc biệt, doanh nghiệp FDI tham gia khảo sát cho rằng tại Việt Nam, họ có “tiếng nói” hơn trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật liên quan đến hoạt động của mình so với các quốc gia cạnh tranh, đặc biệt là hai nước láng giềng Campuchia và Lào. 

Điều này phản ánh hoạt động vận động chính sách mạnh mẽ của các nhóm nhà đầu tư nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và sự sẵn có của nhiều diễn đàn đã mở ra cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đối thoại trực tiếp với những nhà hoạch định chính sách của Việt Nam.

Tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy điều đáng lưu ý, trong số nhà đầu tư từng cân nhắc địa điểm đầu tư, 83% đã chọn Việt Nam thay vì chọn các quốc gia khác, trong khi chỉ có 17% đầu tư vào Việt Nam như một phần của chiếnlược đầu tư đa quốc gia – yếu tố thúc đẩy vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Các điểm kém hấp dẫn của môi trường kinh doanh Việt Nam là tham nhũng,gánh nặng quy định pháp luật, chất lượng dịch vụ công (như giáo dục, y tế và dịch vụ công ích) và chất lượng cũng như độ tin cậy của cơ sở hạ tầng.

Một lần nữa, các nhà đầu tư xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam chỉ ngang bằng với các nước láng giềng Campuchia và Lào. Đây luôn là chủ đề chính trong các cuộc thảo luận chính sách ở Việt Nam.

Rủi ro chính sách là dạng rủi ro lớn khác của các nhà đầu tư nước ngoài. 20,5% trong số họ đã lựa chọn đây là rủi ro chính trong hoạt động kinh doanh. Con số này đã tăng theo thời gian. Năm 2012 và 2013, chỉ có khoảng 15% số lượng các nhà đầu tư nước ngoài nhắc đến rủi ro này đầu tiên.

Đây là là điều đáng ngạc nhiên khi Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong việc cải thiện thủ tục hành chính và thủ tục đăng ký kinh doanh.  Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho rằng, chi phí gia nhập thị trường giảm nhưng họ vẫn gặp phải rất nhiều quy định trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Tới 70% số lượng doanh nghiệp than phiền phải bỏ ra từ 5% trở lên thời gian của mình cho các thủ tục hành chính, đồng nghĩa là họ đã bỏ phí thời gian quản lý và phát triển doanh nghiệp. Thực tế là con số này đã có giảm nhẹ so với năm trước và giảm đáng kể so với năm 2013. Trong năm 2013, gần 80% doanhnghiệp ghi nhận họ đã phải bỏ ra 5% thời gian của mình hoặc nhiều hơn cho các thủ tục. Mặc dù vậy, số liệu của các năm vẫn cao hơn con số 56% của năm 2010 vốn được ghi nhận là thấp trong lịch sử điều tra PCI.

Lãnh đạo Hà Nội nói gì khi chỉ số PCI thấp?
Tại phiên chất vấn của kỳ họp lần thứ 14 HĐND TP. Hà Nội, trả lời câu hỏi của đại biểu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư