Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
3,8 tỷ USD từ Pháp vào Việt Nam; Đầu tư 3.011 tỷ đồng để “nâng đời” đường Hồ Chí Minh
Hạnh Nguyên (tổng hợp ) - 19/11/2023 13:17
 
Doanh nghiệp Pháp đầu tư 3,8 tỷ USD vào Việt Nam; Đầu tư 3.011 tỷ đồng để “nâng đời” đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn - Hòa Liên… Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Doanh nghiệp Pháp đầu tư 3,8 tỷ USD vào Việt Nam

Pháp đứng thứ 16 trong tổng số 114 quốc gia và lãnh thổ đầu tư lớn vào Việt Nam, với 549 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,8 tỷ USD.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp tân Đại sứ Pháp tại Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên tiếp tân Đại sứ Pháp tại Việt Nam, chiều 13/11/2023.

Đây là thông tin được nêu tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và Tân Đại sứ Pháp tại Việt Nam, Olivier Brochet, chiều 13/11.

Năm 2023 đánh dấu dấu mốc đặc biệt trong quan hệ giữa Việt Nam và Pháp khi hai nước kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược.

Tính đến tháng 2/2023, Pháp đứng thứ 3 trong các nước châu Âu (sau Hà Lan và Anh) và đứng thứ 16 trong tổng số 114 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 549 Dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,8 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Pháp 09 dự án với tổng vốn đầu tư là 3 triệu USD.

Về thương mại, Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại EU và là thị trường chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu.

Theo Bộ Công thương, kim ngạch thương mại Việt Nam - Pháp đạt mức tăng trưởng tốt với tốc độ tăng trưởng bình quân 15,7%/năm trong giai đoạn năm 2011-2019.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay: "Đầu tư và thương mại Việt - Pháp đang được bổ trợ mạnh mẽ bởi EVFTA, đi vào thực thi từ tháng 8/2020. 

Hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang Pháp phong phú, đa dạng, bao gồm: giầy dép, dệt may, đồ gia dụng, hàng nông, lâm, thuỷ sản, mây tre đan... và nhập khẩu chủ yếu từ Pháp những mặt hàng có giá trị cao, hàm lượng chất xám và công nghệ lớn, trong đó dược phẩm, máy móc thiết bị và phương tiện vận tải.

Theo số liệu Hải quan Việt Nam, năm 2022, xuất nhập khẩu hai chiều đạt mức 5,3 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 3,7 tỷ USD, tăng 15,2% và nhập khẩu đạt 1,6 tỷ USD, tăng 2,8%.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, biến động khó lường, nhu cầu giảm sút và tốc độ lạm phát tăng cao tại EU khiến kim ngạch thương mại hai nước trong 9 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt hơn 3,5 tỷ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp đạt 2,4 tỷ USD và nhập khẩu đạt 1,1 tỷ USD.

Đại sứ Olivier Brochet cho biết: "Trong nhiệm kỳ công tác của mình, sẽ ưu tiên các vấn đề liên quan tới tăng cường hợp tác chống biến đổi khí hậu, duy trì sự đa dạng sinh học, hướng tới sự phát triển bền vững; hỗ trợ Việt Nam thích ứng, xây dựng tiêu chuẩn pháp lý, tận dụng hiệu quả EVFTA, nâng  mối quan hệ kinh tế giữa Pháp và Việt Nam".

"Doanh nghiệp Pháp sẽ mang tới Việt Nam sản phẩm có thế mạnh thuộc lĩnh vực dược phẩm, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, đồng thời hỗ trợ Việt Nam trong lộ trình phát triển bền vững, giảm phát thải", Đại sứ Olivier Brochet cam kết.

Đề xuất phê duyệt Dự án KCN Sông Công 2 giai đoạn 2 trị giá 3.958 tỷ đồng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Báo cáo số 9381/BC - BKHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả thẩm định Hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2, tỉnh Thái Nguyên.

1
Bản đồ sử dụng đất của Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2, tỉnh Thái Nguyên.

Trên cơ sở các nội dung thẩm định, căn cứ hồ sơ dự án, ý kiến thẩm định của 8 bộ và UBND tỉnh Thái Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng xem xét việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2, tỉnh Thái Nguyên.

Theo đó, Dự án có quy mô sử dụng đất là 296,24 ha với địa điểm thực hiện tại xã Bá Xuyên và xã Tân Quang, TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên (gồm Khu số 1 và Khu số 2), trong đó, Khu số 1 có quy mô 175,52 ha nằm trên địa giới hành chính của xã Tân Quang và một phần xã Bá Xuyên, Khu số 2 có quy mô 120,72 ha nằm trên địa phận của xã Bá Xuyên và một phần xã Tân Quang.

Tổng vốn đầu tư Dự án là 3.985,47 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 597,82 tỷ đồng và vốn huy động là 3.386,65 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện dự án là không quá 36 tháng kể từ ngày nhà đầu tư được Nhà nước bàn giao đất, cho thuê đất. Thời hạn hoạt động của Dự án là 50 năm kể từ ngày được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.

Công ty cổ phần Viglacera Thái Nguyên phải bố trí đủ số vốn cam kết và thực hiện ký quỹ hoặc có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Nhà đầu tư chỉ được thực hiện Dự án sau khi việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện Dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định; có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc sau khi hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế.

UBND tỉnh Thái Nguyên có trách nhiệm chỉ đạo Ban quản lý các KCN Thái Nguyên theo dõi, giám sát quá trình triển khai Dự án, trong đó có việc bố trí đủ số vốn chủ sở hữu theo cam kết; cụ thể hoá phương án huy động vốn vay bằng các hợp đồng tín dụng…

Được biết, Công ty cổ phần Viglacera Thái Nguyên được thành lập vào tháng 12/2022, là công ty con thuộc sở hữu 51% vốn của Tổng công ty Viglacera - CTCP.

Đơn vị này có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với vốn điều lệ là 600 tỷ đồng, trong đó có văn bản cam kết góp vốn của Tổng công ty Viglacera (306 tỷ đồng); Công ty cổ phần Đầu tư công nghiệp Viglacera (222 tỷ đồng); ông Nguyễn Quang Việt (60 tỷ đồng) và ông Phan Đức Khoa (12 tỷ đồng).

Quảng Ngãi chưa thu hồi được hơn 97 tỷ đồng ngân sách tỉnh tạm ứng

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa báo cáo HĐND tỉnh này về việc các khoản do ngân sách tỉnh tạm ứng, ứng trước phải thu hồi của các cơ quan, đơn vị đến thời điểm 31/12/2023 là hơn 97 tỷ đồng, gồm thu hồi từ các nhà đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất, thu hồi từ doanh nghiệp, thu hồi từ Ủy ban MTQTVN tỉnh, thu hồi từ ngân sách huyện Lý Sơn.

Cụ thể, tại Quyết định số 1303/QĐ-UBND ngày 19/7/2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi tạm ứng hơn 210 tỷ đồng để thực hiện công tác bồi thường tạo quỹ đất sạch Khu kinh tế Dung Quất. Hiện, tỉnh này đã thu hồi được hơn 164 tỷ đồng, còn lại hơn 46 tỷ đồng chưa thu hồi được.

Theo báo cáo của Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 30/10/2023, trong thời gian đến sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bình Sơn làm việc với nhà đầu tư để tiếp tục giao đất và hoàn trả lại kinh phí tạm ứng cho ngân sách.

Tại Quyết định số 2113/QĐ-UBND ngày 31/10/2016 của UBND tỉnh Quảng Ngãi, ngân sách tỉnh tạm ứng 12 tỷ đồng để thực hiện công tác bình ổn giá Tết Nguyên đán năm 2017, doanh nghiệp đã hoàn trả hơn 11 tỷ đồng, còn 0,98 tỷ đồng chưa thu hồi được. Theo báo cáo của Sở Công thương vào ngày 30/10/2023 thì cơ quan này sẽ tiếp tục theo dõi, phối hợp với Chi cục Thi hành án dân sự TP. Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan để thu hồi và hoàn trả ngân sách tỉnh.

Tại Quyết định số 1110/QĐ-UBND ngày 7/7/2015, UBND tỉnh ứng trước hơn 26 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng nhà hoàn thành, nhưng đến nay Ủy ban MTTQVN tỉnh vẫn chưa huy động được nguồn kinh phí để hoàn trả tạm ứng ngân sách tỉnh.

Tương tự, tại Quyết định số 1225/QĐ-UBND ngày 29/6/2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi ứng trước hơn 24 tỷ đồng để thực hiện Hạng mục cải tạo kè chắn, vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng, hệ thống camera thuộc Dự án Nâng cấp đường cơ động Lý Sơn.

Tuy nhiên, ngày 26/7/2023, UBND huyện Lý Sơn báo cáo do nguồn thu ngân sách trên địa bàn huyện còn hạn hẹp, đặc biệt là nguồn thu từ quỹ đất đạt rất thấp nên không đủ nguồn để hoàn trả tạm ứng ngân sách tỉnh.

UBND huyện này đang chờ Dự án Khu dân cư Đồng Rừng triển khai để có nguồn thu quỹ đất, hoàn trả tạm ứng ngân sách tỉnh và đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi kéo dài thời gian hoàn ứng đến khi Dự án này hoàn thành (dự kiến năm 2026).

Đà Nẵng thông qua Dự án KCN Hòa Ninh dự kiến thu hút 218 dự án thứ cấp

Sáng 15/11, HĐND TP. Đà Nẵng khai mạc kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề) khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tại kỳ họp này, HĐND TP. Đà Nẵng đã biểu quyết thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng 43,88 ha diện tích rừng trồng là rừng sản xuất để thực hiện Dự án Khu công nghiệp Hòa Ninh.

Dự án này do Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng làm chủ đầu tư, xây dựng tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang Đà Nẵng.

Việc đầu tư Dự án Khu công nghiệp Hòa Ninh là phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP. Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 6/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ; Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 30/10/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 555/TTg-CN ngày 18/4/2017 về Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thế phát triển các khu công nghiệp TP. Đà Nẵng và Công văn số 158/TTg-CN ngày 4/2/2021 về Đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

Về hiệu quả kinh tế xã hội, theo đánh giá của UBND TP. Đà Nẵng tại Tờ trình số 116/TTr-UBND ngày 9/10/2023, khi Dự án Khu công nghiệp Hòa Ninh đi vào hoạt động sẽ thu hút được khoảng 218 dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư 26.000 tỷ đồng, doanh thu hằng năm 26.700 tỷ đồng, nộp ngân sách 3.384 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hơn 47.700 lao động; có hiệu quả về mặt tài chính với tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) là 15,26%, giá trị hiện tại thuần là 180,4 tỷ đồng, thời gian thu hồi vốn khoảng 10 năm 2 tháng.

Tại Quyết định số 5383/QĐ-UBND ngày 25/11/2019, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Hòa Ninh. Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng cho biết, Khu công nghiệp Hòa Ninh là dự án trọng điểm của Đà Nẵng trong thời gian đến.

Đầu tư nâng cấp Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn giai đoạn 2

Sáng 15/11, tại kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề), HĐND TP. Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã biểu quyết thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng 4,95 ha diện tích rừng để thực hiện Dự án Đầu tư, nâng cấp, cải tạo một số hạng mục Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn giai đoạn 2 (hộp rác số 7 tại bãi rác Khánh Sơn) sau khi nghe Tờ trình số 135/TTr-UBND ngày 7/8/2023 của UBND TP. Đà Nẵng.

Theo đó, Dự án Đầu tư, nâng cấp, cải tạo một số hạng mục Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn giai đoạn 2 (hộp rác số 7 tại khu vực bãi rác Khánh Sơn) do Ban quản lý các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp và công nghệ cao Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Địa điểm thực hiện tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng. Tổng chi phí thực hiện hơn 405 tỷ đồng.

Theo đánh giá UBND TP. Đà Nẵng, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng Khu xử lý chất thải rắn Khánh Sơn để đủ công suất xử lý rác thải phát sinh trong giai đoạn sau năm 2025.

Đồng thời, khi xảy ra các tình huống bất lợi như việc đầu tư 2 nhà máy xử lý chất thải rắn bị chậm tiến độ hoặc Nhà máy bị sự cố phải tạm dừng hoạt động, chất thải rắn tăng cao bất thường do các tình huống bất khả kháng như bão lụt, thiên tai, dịch bệnh… thì Đà Nẵng vẫn có khu vực dự phòng để đảm bảo chôn lấp chất thải rắn không nguy hại hợp vệ sinh.

Do đó, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng, cải tại một số hạng mục Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn giai đoạn 2 (hộp rác số 7 tại khu vực bãi rác Khánh Sơn) là rất cần thiết. 

Đề xuất dùng vốn đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030 để nâng cấp Quốc lộ 14D

Bộ GTVT vừa có công văn gửi lãnh đạo Chính phủ báo cáo kết quả nghiên cứu phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14D, tỉnh Quảng Nam.

Một đoạn Quốc lộ 14D qua Quảng Nam. Ảnh: Bình Minh.
Một đoạn Quốc lộ 14D qua Quảng Nam. Ảnh: Bình Minh.

Theo đó, Quốc lộ 14D qua tỉnh Quảng Nam có điểm đầu giao với đường Hồ Chí Minh tại Km1332+610, điểm cuối tại cửa khẩu quốc tế Nam Giang với chiều dài khoảng 74 km, nền đường rộng 6,5-10m, mặt đường láng nhựa và bê tông xi măng rộng 6- 9 m. Sở GTVT Quảng Nam tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo trì.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quốc lộ 14D đạt tiêu chuẩn đường cấp III-IV, quy mô 2-4 làn xe.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Nam đã phối hợp nhà đầu tư quan tâm (Công ty cổ phần tập đoàn Trường Hải - Thaco) tiến hành khảo sát, nghiên cứu phương án đầu tư.

Theo Báo cáo số 232/BC-UBND, UBND tỉnh Quảng Nam đã xúc tiến, mời gọi đầu tư theo hình thức đầu tư không hoàn lại nhưng không có doanh nghiệp quan tâm.

Đối với phương án đầu tư theo hình thức PPP/hợp đồng BOT, có 2 phương án được nghiên cứu nhưng đều có vướng mắc về pháp lý do đầu tư trên đường hiện hữu, sử dụng nguồn thu phí trực tiếp từ người sử dụng không phù hợp quy định tại khoản 4 Điều 45 Luật PPP và Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội4; đồng thời, tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia Dự án đối với Phương án 1 vượt quá tỷ lệ quy định tại khoản 2 Điều 69 Luật PPP.

Cụ thể, với phương án 1 - đầu tư nâng cấp, mở rộng toàn tuyến theo quy hoạch; tổng mức đầu tư khoảng 2.640 tỷ đồng, trường hợp đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT với thời gian thu phí khoảng 20 năm thì phần vốn Nhà nước tham gia dự án cần thiết là 1.914 tỷ đồng, tương đương 72,5% tổng mức đầu tư.

Với phương án 2 - đầu tư nâng cấp, mở rộng các đoạn có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, một số đoạn xuống cấp; tổng mức đầu tư khoảng 730 tỷ đồng, trường hợp đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT với thời gian thu phí khoảng 20 năm thì phần vốn Nhà nước tham gia dự án cần thiết là 310 tỷ đồng, tương đương 42,5% tổng mức đầu tư.

Bộ GTVT cho rằng, dự án có khả năng hoàn vốn rất thấp, khả năng hấp dẫn nhà đầu tư không cao và có vướng mắc về pháp lý liên quan đến đầu tư trên đường hiện hữu, thu phí trực tiếp từ người sử dụng và tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án.

Trường hợp tiếp tục nghiên cứu đầu tư theo phương thức PPP/hợp đồng BOT, do phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt nên cần được Quốc hội chấp thuận chủ trương theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 12 Luật PPP.

Trong điều kiện tuyến đường có bề rộng hẹp, tồn tại nhiều vị trí đường cong có bán kính nhỏ, xe đầu kéo lưu thông rất khó khăn, đặc biệt khi hai xe tránh nhau, kết hợp lưu lượng xe tải nặng lưu thông qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang về cảng Tiên Sa, cảng Chân Mây hiện đang gia tăng, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14D cần được triển khai sớm.

“Vì vậy, việc UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất dừng nghiên cứu đầu tư theo phương thức PPP và chuyển sang hình thức đầu tư công là có thể xem xét, chấp thuận”, Bộ GTVT nêu quan điểm.

Đối với kiến nghị của UBND tỉnh Quảng Nam về việc bố trí nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 (khoảng 730 tỷ đồng) và 2026 - 2030 (khoảng 2.000 tỷ đồng) để đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14D, Bộ GTVT cho biết hiện dự án này chưa có trong danh mục dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021.

Đồng thời, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT được phân bổ hạn hẹp, ngoài điều chỉnh giảm phân bổ lại cho địa phương, nguồn lực còn lại tập trung cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ nên chưa thể cân đối để thực hiện thêm dự án mới.

Do vậy, Bộ GTVT kiến nghị ưu tiên đưa dự án này vào danh mục dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, trình cấp có thẩm quyền chấp thuận để triển khai thực hiện.

Đối với kiến nghị bố trí khoảng 145 tỷ đồng thực hiện trong kế hoạch bảo trì năm 2024 để sửa chữa, mở rộng nền, mặt đường, Bộ GTVT cho biết là đã giao Cục Đường bộ Việt Nam rà soát đánh giá, tổng hợp để đề xuất phương án bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ bền vững công trình phù hợp nguồn vốn được bố trí.

“Trong điều kiện nguồn vốn cho công tác bảo trì đường bộ còn hạn hẹp, những năm vừa qua, Bộ GTVT đã giao Cục Đường bộ Việt Nam thường xuyên thực hiện công tác bảo trì, sửa chữa để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 14D”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.

Quảng Nam thúc tiến độ 2 dự án xử lý rác thải

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có ý kiến về việc triển khai, đưa vào sử dụng 2 Dự án xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh này. Theo đó, đối với Dự án Khu xử lý chất thải rắn Nam Quảng Nam và Khu xử lý rác thải Tam Xuân 2, UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu tư vấn, lập hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định để phê duyệt trong Quý IV/2023 và kịp thời tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công, khởi công xây dựng hạng mục Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh của Dự án khu xử lý chất thải rắn Nam Quảng Nam trong Quý I/2024.

Đồng thời, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Núi Thành trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành công trình, đưa vào sử dụng vào Quý IV/2024; tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công, khởi công xây dựng công trình Đầu tư hệ thống thu gom nước mặt Khu xử lý rác thải Tam Xuân 2, huyện Núi Thành trong tháng 12/2023 và hoàn thành đưa vào sử dụng trong Quý III/2024.

UBND huyện Núi Thành tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng Tuyến đường vào Khu xử lý chất thải rắn Nam Quảng Nam để hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối Quý II/2024, phục vụ vận chuyển, xử lý rác thải tại Khu xử lý chất thải rắn Nam Quảng Nam; chỉ đạo xây dựng kế hoạch, kịch bản cụ thể để tổ chức đối thoại, vận động nhân dân ủng hộ việc kéo dài thời gian xử lý rác tại Khu xử lý rác Tam Xuân 2 trong thời gian chờ thi công xây dựng hoàn thành giai đoạn 1 dự án Khu xử lý chất thải rắn Nam Quảng Nam.

UBND thành phố Hội An kiểm tra, đôn đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng 579 đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Cẩm Hà, TP. Hội An để nghiệm thu, đưa vào hoạt động trong Quý I/2024, kịp thời phục vụ xử lý rác thải trên địa bàn địa phương.

UBND các huyện, thành phố có rác thải đang được xử lý tại Khu xử lý rác Tam Xuân 2, huyện Núi Thành phải chủ động, khẩn trương xây dựng phương án tự xử lý rác thải phát sinh trên địa bàn địa phương mình để phòng ngừa sự cố xử lý rác tại Khu xử lý rác thải Tam Xuân 2, báo cáo Phương án xử lý về UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/11/2023.

 Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, phối hợp với UBND thành phố Hội An đôn đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng 579 đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành việc lắp đặt máy móc, thiết bị và hoàn thiện các thủ tục liên quan về nghiệm thu xây dựng, cấp giấy phép môi trường, đưa vào hoạt động trong Quý I năm 2024; đôn đốc Công ty Cổ phần Môi trường Huy Hoàng ECO sớm hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu dự án, chứng nhận chất lượng sản phẩm sản xuất từ vật liệu thu hồi trong quá trình xử lý rác thải; hồ sơ cấp Giấy phép môi trường đối với công đoạn sản xuất phân bón, tái chế hạt nhựa,… tại Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bắc Quảng Nam.

Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản đôn đốc UBND các huyện, thị xã có nhu cầu đề xuất điều chỉnh vị trí quy hoạch Khu xử lý rác thải theo Đề án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1662/QĐ-UBND ngày 19/6/2020 phải khẩn trương khảo sát, lựa chọn vị trí khu xử lý rác thải thay thế đảm bảo phù hợp tiêu chuẩn về môi trường, kịp thời gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh và cập nhật vào Quy hoạch tỉnh; thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình xử lý rác thải ở các địa phương để kịp thời tham mưu UBND tỉnh có giải pháp xử lý khi có sự cố về rác thải xảy ra trên địa bàn tỉnh.

“Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng hướng dẫn, giải quyết kịp thời các hồ sơ, thủ tục về đầu tư xây dựng các khu xử lý, nhà máy xử lý chất thải rắn để các đơn vị chủ đầu tư kịp thời triển khai thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào hoạt động, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh”, UBND tỉnh yêu cầu.

Đồng Nai: Chủ đầu tư dự án đốt rác phát điện 2.286 tỷ đồng xin gia hạn

Thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, ngày 15/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi làm việc với nhà đầu tư Dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu.

Phối cảnh nhà máy đốt rác phát điện tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai do Công ty Ecotech đề xuất 

Dự án này được tỉnh Đồng Nai ký thỏa thuận với  liên danh Công ty cổ phần Thương mại và đầu tư công nghệ Ecotech Việt Nam và Công cổ phần Le Delta để thực hiện lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi từ tháng 5/2023. Tuy nhiên đến nay đã hết thời hạn 6 tháng nhưng liên danh chưa hoàn thành báo cáo.

Tại buổi làm việc liên danh nhà đầu tư nêu lý do chậm trễ do là dự án đặc thù, công tác lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực và hiểu biết về công nghệ xử lý rác sinh hoạt phát điện gặp khó khăn. Vì vậy, liên danh nhà đầu tư kiến nghị tỉnh Đồng Nai gia hạn thêm 2 tháng để doanh nghiệp hoàn thiện lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi.

Thông tin đến nhà đầu tư, ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, đây là dự án rất cấp thiết của tỉnh để xử lý rác thải sinh hoạt khu vực TP. Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu và các vùng lân cận nhằm góp phần giảm chôn lấp, giảm phát thải khí nhà kính.

Đến nay tiến độ lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án rất chậm và chưa có cơ sở gia hạn thỏa thuận hợp tác đã ký.

Để hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi, ông Phi giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cập nhật lại thỏa thuận hợp tác, kèm theo kế hoạch chi tiết cụ thể. Trong đó, yêu cầu liên danh nhà đầu tư báo cáo định kỳ 10 ngày/lần để theo dõi tiến độ và kịp thời tháo gỡ vướng mắc. Trường hợp liên danh tiếp tục chậm trễ sẽ có hình thức xử lý theo quy định.

Dự án nhà máy đốt rác phát điện tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu được HĐND tỉnh Đồng Nai thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 9/2022.

Dự án này được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với tổng mức đầu tư 2.286 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu và vốn huy động, không dùng vốn ngân sách.

Khi hoàn thành giai đoạn 1, công suất xử lý 800 tấn rác/ngày, công suất phát điện 20 MW. Đến giai đoạn 2 nâng công suất xử lý rác đạt 1.200 tấn/ngày, công suất phát điện đạt 30 MW.

Theo kế hoạch ban đầu dự án sẽ khởi công trong năm 2023, thời gian xây dựng khoảng 3 năm. Tuy nhiên, đến nay tiến độ bị chậm.

Đầu tư 3.011 tỷ đồng để “nâng đời” đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn - Hòa Liên

Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh vừa có tờ trình đề nghị Bộ GTVT tiến hành thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn – Hoà Liên.

Một đoạn đường La Sơn - Hoà Liên.
Một đoạn đường La Sơn - Hoà Liên.

Dự án có điểm đầu – Km0 (La Sơn), kết nối với điểm cuối của tuyến cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn, thuộc địa phận thị trấn La Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế; điểm cuối (Hoà Liên) - Km66 tại nút giao Hoà Liên, thuộc địa phận xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng.

Tổng chiều dự kiến Dự án khoảng 64,95 km (trong đó chiều dài tuyến qua tỉnh Thừa Thiên Huế khoảng 35,36 km; qua TP. Đà Nẵng khoảng 29,59 km).

Hiện nay phần lớn mặt đường thuộc Dự án đã được đầu tư xây dựng theo quy mô 2 làn xe rộng rộng 11 m, được xây dựng cơ bản trùng tim với giai đoạn 4 làn xe; một số đoạn tại vị trí cửa hầm, đường dẫn vào cầu lớn thì mặt đường đã xây dựng đi lệch sang phải hoặc trái của tim tuyến giai đoạn 4 làn xe. Nền đường đã được đầu tư xây dựng theo quy mô cao tốc 4 làn xe với chiều rộng nền đường 22 m.

Trên tuyến đang tổ chức giao thông theo tiêu chuẩn đường cấp III với vận tốc khai thác 80km/h, chỉ hạn chế vận tốc khai thác 60 km/h tại 18 đoạn/14,4 km); đồng thời chỉ cho phép xe cơ giới lưu thông, các phương tiện khác (như xe thô sơ, xe máy chuyên dùng có vận tốc thiết kế nhỏ hơn 70 km/h, xe máy, xe mô tô hai bánh, xe súc vật kéo, người đi bộ,...) không được phép lưu thông.

Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đề xuất giữ nguyên quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, tim tuyến hiện trạng đã được nghiên cứu và xây dựng trong Dự án phân kỳ đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan theo hình thức hợp đồng BT, thực hiện mở rộng mặt đường và các công trình cầu theo quy mô phân kỳ cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, mặt đường rộng 20,5 m, nền đường rộng 22 m.

Đây là phương án đầu tư tối ưu do ơ bản mái ta luy đã được xây dựng bền vững hóa theo quy mô nền đường 4 làn xe hoàn chỉnh, công trình cầu lớn hơn 50m lệch tim về 1 bên phù hợp cho việc mở rộng lên 4 làn xe. Kết cấu gia cố mái taluy cũng đã được phun phủ bê tông cốt thép; đường gom dân sinh 2 bên tuyến đã xây dựng theo quy mô tuyến cao tốc 4 làn xe.

Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án là khoảng 3.011,45 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 2.531 tỷ đồng; các khoản chi còn lại là tư vấn, quản lý dự án và dự phòng. Kinh phí đầu tư Dự án được huy động từ vốn ngân sách Nhà nước.

Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh sẽ bắt tay triển khai các bước tiếp theo để hoàn thành Dự án vào cuối năm 2025.

Xây dựng, phát triển đô thị Thủy Nguyên trở thành một đô thị văn minh, hiện đại

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1388/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị mới Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng đến năm 2045.

Mục tiêu phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị mới Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng đến năm 2045 nhằm cụ thể hoá những chiến lược, định hướng phát triển của quốc gia và của thành phố Hải Phòng; nâng tầm vị thế đô thị Thủy Nguyên trở thành trung tâm kinh tế đa ngành của thành phố Hải Phòng và của vùng đồng bằng sông Hồng; phát triển đô thị Thủy Nguyên trở thành thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng.

Đồng thời, xây dựng, phát triển đô thị Thủy Nguyên trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, hướng tới thành phố quốc tế, thành phố sinh thái thông minh; phát huy hiệu quả các giá trị lịch sử, cảnh quan, môi trường, văn hóa; đảm bảo quốc phòng, an ninh, thích ứng biến đổi khí hậu.

Năm 2035, Thủy Nguyên là đô thị loại II  

Đô thị mới Thủy Nguyên là đô thị loại III vào năm 2025 hướng tới đô thị loại II vào năm 2035 với mô hình thành phố thuộc thành phố Hải Phòng.

Thủy Nguyên là trung tâm hành chính, chính trị mới của thành phố Hải Phòng; là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch, văn hóa thể dục thể thao, y tế, giáo dục; là trung tâm nghề cá vùng duyên hải Bắc Bộ; là đô thị thông minh, sinh thái, thân thiện với môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh.

Dự báo về quy mô dân số đến năm 2035: khoảng 600.000 người; đến năm 2040: khoảng 645.000 người; đến năm 2045: khoảng 725.000 người.

Yêu cầu về phân tích đánh giá hiện trạng 

Một trong những yêu cầu chính về nội dung quy hoạch là yêu cầu về phân tích đánh giá hiện trạng. Trong đó, phân tích vị trí, đánh giá điều kiện tự nhiên. Tập trung đánh giá phân tích về vị trí vai trò của Thủy Nguyên trong toàn thành phố và các mối liên hệ của Thủy Nguyên với vùng đô thị hiện hữu Nam sông Cấm cũng như với các vùng phụ cận thuộc địa bàn tỉnh Hải Dương và tỉnh Quảng Ninh từ đó tìm ra các lợi thế so sánh, các hạn chế trong bối cảnh cạnh tranh và hợp tác phát triển giữa các đô thị.

Phân tích đánh giá về hiện trạng dân số, sử dụng đất, kiến trúc cảnh quan, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và môi trường. Tập trung đánh giá quá trình tăng trưởng dân số, cơ cấu dân số, lao động trong đó lưu ý sự tăng trưởng cơ học gắn với sản xuất công nghiệp, dịch vụ từ khi phát triển Khu công nghiệp đô thị VSIP, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Khu công nghiệp Bến Rừng...

Đánh giá hiện trạng đô thị theo các tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại đô thị. Rà soát đánh giá chất lượng đô thị và đối chiếu theo các tiêu chí, tiêu chuẩn, chỉ tiêu của đô thị loại III và hướng tới loại II để tìm ra hướng đầu tư trọng điểm sớm đưa Thủy Nguyên lên đô thị loại III giai đoạn trước mắt và hướng tới đô thị loại II trong tương lai.

Yêu cầu về tiền đề và dự báo phát triển  

Yêu cầu cụ thể về tiền đề và dự báo phát triển là phân tích vai trò vị thế, tiềm năng, động lực phát triển:

Phân tích, làm rõ các Nghị quyết, Quyết định, văn bản pháp lý, các chủ trương và chính sách của: Đảng, Quốc hội, Chính phủ liên quan đến phát triển thành phố Hải Phòng; phân tích các tác động của Quy hoạch vùng, các quy hoạch ngành mới, mang lại những động lực, tiềm năng mới cho thành phố Thủy Nguyên.

Phân tích và làm rõ vị thế, vai trò của thành phố Thủy Nguyên trong định hướng tổng thể thành phố Hải Phòng, cũng như trong vùng đồng bằng sông Hồng; đồng thời làm rõ các kết nối chia sẻ hạ tầng kinh tế - xã hội và hạ tầng kỹ thuật.

Đánh giá được động lực, tiềm năng chính, cơ chế chính sách, quỹ đất, tính đa dạng văn hóa, lịch sử và các đặc trưng về địa lý, kinh tế, cảnh quan, môi trường.

Xác định tính chất, chức năng đô thị, tính chất, chức năng cần phù hợp với các định hướng phát triển được xác định trên cơ sở các Nghị quyết, Quyết định, văn bản pháp lý, các chủ trương và chính sách của: Đảng, Quốc hội, Chính phủ liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh đối với thành phố Hải Phòng và vùng đồng bằng sông Hồng.

Tính chất, chức năng của thành phố Thủy Nguyên cần nghiên cứu và bổ sung so với đồ án Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng được duyệt năm 2023 để đảm bảo thành phố phát huy được tối đa các lợi thế về vị trí, vị thế, vai trò của một đô thị cửa ngõ...

Quảng Bình: Đầu tư khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá gần 350 tỷ đồng

Ngày 17/11, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Quyết định số 4895/QĐ-BNN-TS về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá Bắc Sông Gianh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, dự án sẽ được xây dựng tại phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn với tổng mức đầu tư gần 350 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương hơn 333 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương (do UBND tỉnh quản lý) 16 tỷ đồng.

Dự án được thực hiện nhằm mục đích xây dựng các hạng mục của Khu neo đậu tránh trú bão và cảng cá Bắc sông Gianh, quy mô từ 800 - 1.000 tàu thuyền có công suất đến 1.000CV vào neo trú bão an toàn, cập cảng lên xuống hàng hóa, phục vụ phát triển nghề cá tỉnh Quảng Bình và các tỉnh lân cận vùng Duyên hải Trung bộ.

Quy mô đầu tư dự án bao gồm khu neo đậu, tránh trú bão cho hơn 800 tàu thuyền nghề cá có công suất đến 1.000CV (chiều dài dưới 35m); đầu tư các hạng mục trụ neo, kè bờ, phao neo, nạo vét khu nước, hệ thống báo hiệu và công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ khu neo đậu.

Theo UBND tỉnh Quảng Bình, dự án sẽ được thực hiện 4 năm, kể từ năm khởi công. Dự án sẽ giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Dự án được thực hiện nhằm giải quyết bài toán thiếu nơi neo đậu an toàn cho ngư dân, hình thành cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại phục vụ phát triển ngành Thủy sản nói riêng, kinh tế xã hội địa phương nói chung.

Được biết, dự án này trước đó đã được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào ngày 25/5/2021.

Theo quy hoạch, Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá Bắc Sông Gianh có diện tích 582.832m2 bao gồm khu đất hành chính, dịch vụ và hạ tầng kỹ thuật bố trí khu vực phía Tây khu quy hoạch, công trình xây dựng cao đến 5 tầng; khu vực kho bãi, dịch vụ hậu cần và dự trữ phát triển, cây xanh thể thao bố trí khu vực phía Đông khu quy hoạch, tiếp giáp phía Bắc tuyến đường ven bờ sông quy hoạch rộng 19m.

Các công trình xây dựng bố trí khoảng lùi tối thiểu từ 3 - 5m so với các tuyến đường giao thông nội bộ, tuyến giao thông đô thị; bố trí các khu vực sân đường giao thông, cây xanh, bãi đỗ xe để tạo không gian cảnh quan, kết nối các chức năng…

Bình Định tiếp tục tìm nhà đầu tư Dự án Night Paradise Nhơn Hội hơn 460 tỷ đồng

Ông Đặng Vĩnh Sơn, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị vừa có thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án Khu vui chơi giải trí Night Paradise Nhơn Hội. Dự án được thực hiện tại thôn Hội Tân, xã Nhơn Hội, TP. Quy Nhơn thuộc Phân khu 04, Khu kinh tế Nhơn Hội.

Đây là lần thứ 2, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định ban hành thông báo mời nhà đầu tư quan tâm Dự án này.

So với thông báo đầu tư lần đầu vào ngày 26/6/2023, Dự án Khu vui chơi giải trí Night Paradise Nhơn Hội không thay đổi về quy mô, tổng vốn đầu tư, tiến độ thực hiện dự án…

Cụ thể, Dự án vẫn có diện tích đất sử dụng khoảng 7,69 ha; tiến độ hoàn thành dự án không quá 48 tháng; chi phí thực hiện dự án hơn 423 tỷ đồng, chi phí tạm tính bồi thường, tái định cư khoảng hơn 41 tỷ đồng.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định, Dự án Khu vui chơi giải trí Night Paradise Nhơn Hội được thực hiện nhằm đầu tư phát triển khu du lịch với các loại hình vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch, biệt thự và khách sạn du lịch. Theo quy hoạch, khu trò chơi trong nhà có diện tích 0,7 ha (diện tích xây dựng 1.739 m2); công viên nước có diện tích 1,66 ha (diện tích xây dựng 3.321,8 m2); khách sạn 3 sao có diện tích 1,04 ha (diện tích xây dựng 3.648 m2)…

Nhà đầu tư quan tâm, có nhu cầu đăng ký thực hiện dự án phải thực hiện các thủ tục để được cấp chứng thư số và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trước 17h00, ngày 14/12/2023.

Trước đó, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định đã công bố danh mục dự án trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Kết quả có 1 nhà đầu tư đăng ký nhưng không đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực kinh nghiệm.

Do vậy, ngày 24/10/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã giao Ban Quản lý Khu kinh tế tiếp tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu vui chơi giải trí Night Paradise Nhơn Hội trong tháng 11/2023.

Theo tìm hiểu, nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ là Công ty cổ phần Golden City – CKV (trụ sở tại tỉnh Nghệ An).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư