Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
4 cổ phiếu cần quan tâm ngày 10/4
Thanh Thuý - 10/04/2015 06:19
 
Đầu tư trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 10/4 của các công ty chứng khoán.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Đại hội Vinaconex 9: Quyết 'săn' thêm dự án bất động sản
PVX ra khỏi diện bị kiểm soát từ 8/4
Hơn 21 triệu cổ phần Licogi sắp bung hàng

1. NKG: Cổ phiếu nên theo dõi

CTCK Rồng Việt (VDSC)

CTCP Thép Nam Kim (NKG – sàn HOSE) là Công ty đứng vị trí thứ 2 trong ngành tôn mạ với thị phần ~12,8% trong năm 2014. Với kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2014 và nhiều kế hoạch mở rộng sản xuất trong các năm tới, chúng tôi cho rằng NKG là một cổ phiếu nên theo dõi.

Các chỉ tiêu kinh doanh của NKG trong năm 2014 đều đạt kết quả rất ấn tượng với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 5.835 tỷ đồng (+25% so với năm trước và vượt 19% kế hoạch) và 76,6 tỷ đồng (+48% so với năm trước và vượt 18% kế hoạch).

Dựa trên những kết quả đạt được trong năm 2014, Ban lãnh đạo NKG có cơ sở cho việc đặt ra một kế hoạch kinh doanh được xem là tham vọng cho năm 2015 với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 7.800 tỷ đồng và 120-150 tỷ đồng, tăng khá mạnh tương ứng 29% và 33% so với con số thực hiện 2014.

Đánh giá về mức độ khả thi trong thực hiện kế hoạch kinh doanh 2015, nếu thị trường tiêu thụ tiếp tục ổn định và mở rộng thì việc tăng thêm 02 dây chuyền sản xuất mới sẽ tạo ra dư địa cho NKG tăng trưởng sản lượng cũng như doanh thu trong năm 2015. Ngoài ra, chúng tôi cũng lưu ý là Công ty xây dựng kế hoạch năm 2015 dựa trên giả định giá HRC (nguyên liệu đầu vào) là 520 USD/tấn. Trong quý I/2015, giá HRC giảm mạnh (>20%), trong khi đó giá bán giảm khoảng 5% so với cuối năm 2014. Đây là cơ sở để chúng tôi kỳ vọng biên lợi nhuận được cải thiện trong năm 2015 trong bối cảnh khó khăn của ngành thép hiện nay.

Cụ thể, KQKD quý I/2015 rất khả quan với Doanh thu đạt 1.158 tỷ đồng (giảm 21% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 25 tỷ đồng (tăng 147% so với cùng kỳ). Với kết quả này NKG đã thực hiện được lần lượt 15% và 19% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế cho năm 2015. Ngoài ra, sự cải thiện đáng kể của biên lợi nhuận trong quý I/2015 so với cùng kỳ và quý IV/2014 là một điểm sáng khác.

Trong năm 2015, công ty dự kiến sẽ chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 8% và phát hành ESOP với tỷ lệ 2%. Dựa trên kế hoạch lợi nhuận sau thuế thận trọng nhất, sau khi phát hành thêm, EPS của Công ty khoảng ~2.700 đồng/CP, P/E tương ứng là 5,4x và thấp hơn P/E của công ty đầu ngành tôn mạ là HSG khoảng 46%. Rủi ro pha loãng có thể gia tăng trong trường hợp công ty phát hành thành công 20 triệu cp (dự kiến sẽ được thực hiện vào nửa cuối năm 2015). Khi đó, chúng tôi cho rằng định giá của cổ phiếu NKG có thể sẽ không còn hấp dẫn.

2. DRC: P/E giao dịch tương đối cao ở mức 11,4 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

DRC, cổ phiếu cần quan tâm

ĐHĐCĐ đã thông qua kết quả kinh doanh 2014 với doanh thu thuần 2014 đạt 3.251 tỷ đồng, tăng 16% so với năm ngoái chủ yếu là do đóng góp từ lốp radian toàn thép. Năm 2014, DRC tiêu thụ được 111.000 lốp radian toàn thép, giá bán khoảng 4,9 triệu đồng/chiếc. Biên lãi gộp thu hẹp từ 25,6% trong 2013 xuống còn 24,7% trong 2014 chủ yếu là do chi phí khấu hao nhà máy mới tăng. Chi phí tài chính ròng tăng 78,8% so với năm trước lên 133 tỷ đồng chủ yếu là do chi phí lãi vay từ dự án lốp radian toàn thép và dự án di dời nhà máy lốp ôtô vào KCN Liên Chiểu. Tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu tăng từ 5,2% lên 7,1% chủ yếu là do DRC đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm mới. Lợi nhuận sau thuế giảm 6,2% so với năm trước, còn 352,7 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ cũng đã thông qua phương án chia cổ tức cho năm tài chính 2014 với cổ tức bằng tiền mặt là 30% mệnh giá (tương ứng lợi tức cổ tức 5%, tỷ lệ cổ tức/EPS là 71%) và cổ tức bằng cổ phiếu là 10% VĐL. Tính đến thời điểm cuối quý IV/2014, DRC duy trì tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn là 380,5 tỷ đồng, tương đương (xấp xỉ 10.000 đồng/CP). Riêng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối quý IV/2014 là 494 tỷ đồng (xấp xỉ 5.950 đồng/CP).

Tiêu thụ lốp radian đang tăng trưởng khá tốt. Cụ thể trong quý IV/2014, công ty ước tính tiêu thụ bình quân khoảng 12.000 lốp/tháng, tăng từ 4.700 chiếc lốp/tháng trong quý I/2014. Trung bình trong năm 2014, DRC tiêu thụ xấp xỉ gần 10.000 chiếc lốp radian/tháng (111.000 lốp/năm). DRC tự tin có thể tiêu thụ được xấp xỉ 20.000 chiếc lốp/tháng (240.000 lốp/năm).

ĐHCĐ đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2015 với Doanh thu tiêu thụ 3.910 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước. Trong đó, doanh thu xuất khẩu ước đạt 25 triệu USD, tăng 40% so với năm ngoái. Đáng lưu ý, DRC lên kế hoạch tiêu thụ 240.000 chiếc lốp radial toàn thép trong năm 2015 (Bình quân 20.000 chiếc lốp/tháng), tăng 109% so với cùng kỳ 2014; lốp Bias ước tiêu thụ được 800.000 chiếc tăng 3% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế ước tính đạt 455 tỷ đồng, chỉ tăng 1% so với năm trước. Theo giải thích của ban giám đốc về lý do lợi nhuận tăng chậm hơn doanh thu, lốp radian toàn thép vẫn còn đang lỗ do chi phí khấu hao và lãi vay (điểm hòa vốn lên đến 287.000 lốp trong khi tiêu thụ 2015 ước chỉ khoảng 240.000 lốp).

DRC dự kiến tiêu thụ được khoảng 35.600 lốp radian toàn thép. Lưu ý sản lượng tiêu thụ lốp trong quý I/2015 chỉ xấp xỉ quý IV/2014 là do có các kỳ nghỉ lễ trong kỳ. Theo Nghị quyết HĐQT gần nhất, doanh thu thuần quý I/2015 xấp xỉ khoảng 750 tỷ đồng, tăng 12 % so với cùng kỳ 2014. Lợi nhuận trước thuế quý I/2015 ước đạt 102 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước (DRC chưa công bố BCTC chi tiết). Trong quý II/2015, công ty đặt kế hoạch doanh thu 990 tỷ đồng, tăng 14% cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế 128 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cùng kỳ.

DRC đang được giao dịch tại P/E 2015 là 11,4 lần, tương đối cao hơn công ty cùng quy mô là CSM (7 lần). Tuy nhiên, cần lưu ý tiêu thụ lốp radian toàn thép của DRC đang có phần thuận lợi hơn của CSM.

3. VTV: Biên lợi nhuận khó được cải thiện

CTCK BIDV (BSC)

ĐHĐCĐ thường niên của Công ty Cổ phần VICEM Vật tư Vận tải Xi măng (VTV – sàn HNX) đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2015 với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 2015 chỉ tăng 2,52% so với năm ngoái và dự kiến đạt 48,49 tỷ đồng, tương đương mức EPS 2015 là 2.425 đồng/CP (nếu chưa thực hiện phát hành cổ phiếu thưởng).

Các dự án đầu tư trong năm 2015: (1) Tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng tòa nhà Comatce: dự án được khởi công ngày 17/06/2014, tổng mức đầu tư là 804 tỷ đồng, tổng giá trị đã thực hiện là 135,6 tỷ đồng (giá trị đã thanh quyết toán là 98,9 tỷ đồng, trong đó nộp tiền sử dụng đất 52,89 tỷ đồng). Trong giai đoạn vừa rồi, VTV đã thực hiện đấu thầu 4 gói thầu với giá thắng thầu nhỏ hơn giá dự toán khoảng 10 tỷ đồng. VTV cân đối việc sử dụng vốn trung hạn và ngắn hạn cho việc đầu tư. Chúng tôi nhận định VTV đang sử dụng vốn vay ngắn hạn để đầu tư xây dựng tòa nhà Comatce nhằm tiết giảm tối đa chi phí lãi vay. Dự kiến VTV sẽ ra phương án kinh doanh căn hộ trong quý II và có thể ghi nhận doanh thu bán căn hộ trong năm nay. (2) Ngoài ra, VTV sẽ đầu tư đóng mới 2 đoàn xà lan trọng tải 2.000 tấn/đoàn với giá trị theo sát giá thị trường.

Hiện VTV đóng vai trò là nhà cung cấp than cho các công ty xi măng thuộc Vicem tại miền Bắc, tổng sản lượng bán ra dự kiến trong năm nay là 1,67 triệu tấn. Hiện VTV đã ký hợp đồng dài hạn đến năm 2020 với TKV, đảm bảo đủ than cho sản xuất xi măng. Trong tháng 5/2015, VTV sẽ bắt đầu nhập khẩu lô than đầu tiên từ Nga với số lượng không đáng kể để cung cấp thử nghiệm tại Vicem Bỉm Sơn.

VTV sẽ sử dụng số dư Thặng dư vốn cổ phần, các quỹ đầu tư phát triển và quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu để phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông theo 2 đợt, mỗi đợt phát hành 7,8 triệu cổ phiếu, để tăng vốn điều lệ từ 156 tỷ đồng lên thành 312 tỷ đồng. Thời gian thực hiện sau khi có chấp thuận của Ủy ban chứng khoán Nhà nước.

Chúng tôi đánh giá biên lợi nhuận của VTV sẽ khó được cải thiện do có thêm một số chi phí phát sinh, mặc dù giá trị tài sản cố định hữu hình chưa khấu hao của VTV chỉ còn lại 40,6 tỷ đồng (năm 2014, giá trị hao mòn là 64 tỷ đồng), nhưng trong năm 2015, VTV sẽ tiến hành sửa chữa lớn tàu Comatce Star với giá trị dự toán là 14,7 tỷ đồng và sửa chữa thường xuyên 02 tàu biển với chi phí dự toán là 968 triệu đồng.

4. HVG: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

ĐHCĐ HVG vừa thông qua kế hoạch 2015 với mục tiêu tổng doanh thu là 20.000 tỷ đồng, tăng 33% so với năm ngoái và lợi nhuận trước thuế là 800 tỷ đồng, tăng 60% so với 2014. Cổ tức dự kiến 2015 sẽ là 30%, trong đó 10% tiền mặt và 20% cổ phiếu.

Doanh thu 2014 của HVG đạt 15.044 tỷ đồng, tăng 35% so với năm ngoái nhờ các mảng kinh doanh chính đều có mức tăng tốt như xuất khẩu cá tra +10%, thức ăn chăn nuôi +18%, bánh dầu đậu nành +94% và bán cá nội địa +100%. Bốn mảng kinh doanh này đóng góp lần lượt 29%, 27%, 27% và 12% vào tổng doanh thu. Biên lợi nhuận gộp 2014 giảm 1ppt do biên lợi nhuận gộp của HĐ xuất khẩu giảm 1ppt. Nguyên nhân do thị trường Mỹ bị thu hẹp vì thuế chống bán phá giá (CBPG) POR9 cao. Lợi nhuận gộp 2014 chỉ tăng 19% so với năm ngoái. Nhờ tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 1ppt và doanh thu từ tài chính tăng 37% so với năm trước nhờ (1) khoảng bất lợi thương mại từ việc tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP thủy sản An Giang với giá mua thấp hơn giá trị sổ sách và (2) lãi từ thanh lý công ty con nên lỗ ròng TC chính giảm 58% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 352 tỷ đồng, tăng 42% so với năm trước.

HVG đang chào mua công khai FMC, dự kiến hoàn tất nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% trong tháng 5/2015, theo đó BCTC của FMC sẽ hợp nhất vào HVG trong quý II và là cơ sở để DT 2015 có mức tăng trưởng 33% so với năm trước. PE 2015 là 8,4 lần, tương đương trung bình ngành.

Nhiều doanh nghiệp báo lãi quý I/2015

Thông tin kết quả kinh doanh quý I/2015 của các doanh nghiệp đang dần được hé mở, là một trong những cơ sở quan trọng để dòng tiền đánh giá và chọn lọc cơ hội đầu tư.

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư