1. VNM sẽ tăng giá trở lại trong trung hạn
CTCK BIDV (BSC)
Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (mã VNM) là công ty dẫn đầu ngành Sữa Việt Nam.
Hiện tại VNM đang trong xu hướng giảm giá dài hạn thể hiện qua giá cổ phiếu liên tục tạo những đỉnh mới thấp hơn đỉnh cũ và đáy mới thấp hơn đáy cũ. Chỉ báo RSI chạm đường Bollinger phía trên.
Tuy nhiên, khối lượng giao dịch trong đợt giảm giá này vẫn đang duy trì, kết hợp với những tín hiệu phân kỳ đảo chiều liên tục từ chỉ báo MACD cho thấy nếu giá phá lên vùng kháng cự tại mức giá 122 thì nhiều khả năng VNM sẽ tăng giá trở lại trong trung hạn.
2. Giá mục tiêu của POW là 19.600 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thưởng vào ngày 23/11/2018 nhằm bầu Tổng Giám đốc (TGĐ) mới khi nguyên TGĐ của công ty đã được bổ nhiệm giữ vai trò Phó TGĐ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (công ty mẹ của POW). Thông tin về các ứng cử viên cho vị trí này không được công bố.
POW cũng sẽ lấy ý kiến cổ đông thông qua điều chỉnh và bổ sinh Phụ lục 9 về hợp đồng cung cấp khí cho nhà máy điện khí Cà Mau (1.500 MW, chiếm 35,7% công suất hiện tại của POW). Các điều chỉnh bao gồm: 1) gia hạn thời gian cung cấp khí thêm 10 năm (giai đoạn 2018-2027), 2) bổ sung điều khoản về giá trị nhiệt lượng, sẽ giúp POW được chiết khấu nếu chất lượng khí thấp hơn cam kết của nhà cung cấp (điều này có lợi cho POW).
Chúng tôi hiện đang khuyến nghị giá mục tiêu 19.600 đồng/CP cho POW, tương ứng với tổng mức sinh lời 42% (bao gồm lợi suất cổ tức 2,2%) trong khi công ty hiện đang giao dịch với EV/EBITDA 6,1 lần và P/E 9,3 lần theo dự phóng 2019.
3. Khuyến nghị mua cổ phiếu TCB
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận 2018 và 2019 lần lượt 15 và 16% của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) còn 8,5 nghìn tỷ đồng (tăng 31,1%) và 10,2 nghìn tỷ đồng (tăng 20,2% so với năm trước). Mức điều chỉnh giảm này chủ yếu do giả định thu nhập phí thuần (NFI) thấp hơn lần lượt 20% và 22% cho năm 2018 và 2019, với mảng Ngân hàng Giao dịch và bancasurrance điều chỉnh giảm khoảng 20% cho cả năm 2018 và 2019.
Với điều chỉnh giảm dự báo và giảm P/B mục tiêu 2019 từ 2,4 lần còn 2,1 lần, chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 20% còn 34.600 đồng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn duy trì khuyến nghị MUA với tỷ lệ tăng dự phóng 31,3% theo giá mục tiêu điều chỉnh của chúng tôi.
Tăng trưởng thu nhập phí 25% trong 9 tháng 2018 thấp hơn so với mức tăng trưởng tại Sacombank (STB) là 36%, theo quan điểm của chúng tôi là mẫu so sánh hợp lý nhất. Chúng tôi cho rằng phần lớn sự chênh lệch đến từ diễn biến bancasurrance tốt hơn tại STB, được phản ánh thông qua thị phần tăng mạnh của Dai-ichi trong năm 2018.
TCB đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nới room tăng trưởng tín dụng lên 20% trong năm 2018, và chúng tôi dự phóng 10% tăng trưởng cho vay (đến từ cho vay BĐS, cụ thể là dự án VinCity), nhưng con số tăng trưởng cho vay chính thức sẽ phụ thuộc vào biến động trong lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ.
Trong khi tỷ lệ Chi phí/Thu nhập (CIR) trong 9 tháng 2018 đạt 28%, chúng tôi duy trì dự phóng tỷ lệ CIR cả năm 2018 đạt 30% do mức tăng cán bộ công nhân viên và vốn xây dựng cơ bản cho công nghệ thông tin thời gian qua, vẫn ở mức thấp nhất trong số các ngân hàng mà chúng tôi theo dõi.
4. Cổ phiếu FMC khá hấp dẫn
CTCK Bản Việt (VCSC)
CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) là một doanh nghiệp xuất khẩu tôm nhỏ với doanh thu xuất khẩu năm 2017 đạt 136 triệu USD, trong đó 88% doanh thu đến từ xuất khẩu tôm sang Châu Âu, Mỹ, và Nhật Bản.
Công ty dự kiến sẽ từng bước tăng tỷ lệ tự chủ nguyên liệu từ 7%-10% lên 20% thông qua việc mở rộng diện tích vùng nuôi từ 160ha lên 300ha giai đoạn 2017-2019.
Nhờ nhu cầu tại Châu Âu tăng và biên lợi nhuận tốt hơn từ việc mở rộng vùng nuôi, chúng tôi kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2018 sẽ tăng lần lượt 15,7% và 49% so với năm 2017.
Tại mức giá hiện nay, FMC giao dịch với mức P/E trượt 12 tháng 6,5 lần, khá hấp dẫn so với vùng giao dịch lịch sử 4-9 lần và trung vị các các công ty khác cùng ngành là 9,9 lần.