Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
4 cổ phiếu cần quan tâm ngày 17/9
 
Đầu tư trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 17/9 của các công ty chứng khoán.
1. PVB: PE ước tính là 5,38x

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Theo ước tính từ CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB – sàn HNX), trong quý III và quý IV, công ty có thể ghi nhận doanh thu lần lượt là 160 tỷ đồng và 50 tỷ đồng. Đồng thời, lợi nhuận trước thuế trong nửa cuối năm 2015 ước đạt ghi nhận khoảng 11 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo tính toán từ chuyên viên ngành, giá trị dự án Nam Côn Sơn hiện tại còn khoảng 200 tỷ đồng và Tê Giác Trắng là 100 tỷ đồng, do đó, khả năng doanh thu và lợi nhuận ghi nhận được có thể cao hơn so với ước tính của doanh nghiệp.

Với kết quả 6 tháng đầu năm 2015, kế hoạch về lợi nhuận đã đạt được mặc dù doanh thu chỉ vào khoảng 68,06% kế hoạch. Theo ước tính của chúng tôi, trong nửa cuối năm nay PVB có thể ghi nhận 270,04 tỷ đồng doanh thu và 10,58 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 43,3% và 72,6% so với cùng kỳ.

Theo đánh giá của chúng tôi, PVB là doanh nghiệp có lợi thế chuyên sâu trong lĩnh vực bọc ống và sở hữu máy móc hiện đại. Đối với dự án thuộc tập đoàn như Dự án Nam Côn Sơn, PVB thường sẽ được giao thầu. Tuy nhiên đối với một số dự án của JOC (Joint operation company - Nhà thầu liên doanh) và có vốn đầu tư của nước ngoài, PVB sẽ phải chào giá và đấu thầu (như trường hợp dự án Tê Giác Trắng). Mặc dù vậy, khả năng nhận dự án khá cao do (1) PVB là doanh nghiệp duy nhất về mảng bọc ống trong nước, (2) Chi phí sẽ cạnh tranh so với các doanh nghiệp nước ngoài. Hiện tại, giá nguyên liệu đầu vào đang trong xu hướng giảm, do đó, đây cũng có thể là một nguyên nhân giúp doanh nghiệp cải thiện biên gộp. Dù là vậy, trong năm 2016, triển vọng dự án có thể được thực hiện của PVB không mấy tích cực, doanh nghiệp dự kiến lên kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu ước đạt 500 tỷ đồng, trong đó, biên lợi nhuận ròng của các dự án tối thiểu ở mức 5-6%.

Do đặc thù kinh doanh bọc ống mà PVB khá phụ thuộc trong việc tìm kiếm các dự án, theo đánh giá của chuyên viên ngành, PVB hiện chưa là cổ phiếu hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trung và dài hạn. Trong năm nay, chúng tôi ước tính PVB có thể hoàn thành kế hoạch về doanh thu, tương đương 951,53 tỷ đồng, giảm 5% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế ước đạt khoảng 117,58 tỷ đồng (giảm 20,3% so với cùng kỳ), tương đương EPS khoảng 5.444 đồng/CP. P/E forward ước tính là 5,38x. Ngoài ra, do triển vọng kinh doanh sắp tới không nhiều thuận lợi nên kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng được ĐHCĐ thông qua vào đầu năm nay sẽ không được triển khai.

2-3. HSG và NKG: PE đang ở mức khá rẻ

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Nhà máy sản xuất thép của Hoa Sen Group
Nhà máy sản xuất thép của Hoa Sen Group

HSG không chia sẻ lợi nhuận quý IV niên độ tài chính 2014-2015. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng công ty có thể đạt mức lợi nhuận 630 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong niên độ 2014-2015.

Lãnh đạo NKG cho biết, lợi nhuận sau thuế trong tháng 7 và 8 đạt khoảng 40 tỷ đồng, xấp xỉ gần bằng cả quý II. Ngoài ra, lợi nhuận tăng còn do NKG có một số đơn hàng xuất khẩu đã chốt giá trước 2 tháng (tại thời điểm giá CRC khoảng 420 USD/tấn). Trong khi giá CRC cuối quý giảm về khoảng 360 USD/tấn.

Lợi nhuận trong tháng 9 có thể không cao bằng tháng 7 và 8 do giá bán giảm. Chúng tôi ước tính lợi nhuận tháng 9 chỉ bằng 1/2 của hai tháng trước đó, khoảng 10 tỷ đồng. Lũy kế quý III/2015, NKG có thể đạt 50 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Một mức khá ấn tượng.

Chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế niên độ 2014-2015 của HSG vào khoảng 630 tỷ đồng, EPS khoảng 6.250 đồng/cổ phần, tương đương P/E ~ 6,56x, mức khá thấp. Chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế của NKG năm 2015 vào khoảng 140 tỷ, tương đương EPS khoảng 2.637 đồng/cổ phần, P/E ~ 5,01x, khá hấp dẫn.

PAC: Mảng pin tỏ ra bão hòa

CTCK MB (MBS)

Hoạt động kinh doanh của PAC trong 6 tháng đầu năm tương đối khả quan. Doanh thu đạt mức 1.126 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt mức 47,3 tỷ đồng, tăng 41,6% so với cùng kỳ.

Hai mảng sản xuất và kinh doanh cốt lõi của PAC là ắc quy (chiếm 87% doanh thu) và pin (chiếm 13% doanh thu). Trong đó doanh thu nội địa chiếm 80% và doanh thu xuất khẩu chiếm 20%. Trong các năm gần đây mảng ắc quy vẫn cho thấy sự tăng trưởng vững chắc với mức tăng trưởng 9,8% năm 2014 và 17% trong năm nay trong khi thị trường mảng pin tỏ ra bão hòa.

Các sản phẩm đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường đặc biệt là sản phẩm ắc quy dành cho ô tô và xe máy. Với việc ô tô tải được tiêu thụ mạnh trong năm nay (mức tăng trên 50%), nhu cầu các sản phẩm ắc quy của PAC sẽ tiếp tục khả quan. Hiện tại, Công ty cung cấp ắc quy cho các khách hàng lớn như: Mercedes, Hyundai, Trường Hải, Ford, Suzuki, Mazda.

Bên cạnh đó, do giá chì và kẽm, nguyên liệu đầu vào chính của Công ty chiếm 70% giá thành sản phẩm, vẫn đang trong xu hướng giảm giá. Cụ thể giá chì đã giảm khoảng 10% kể từ đầu năm, giúp tăng biên lợi nhuận gộp của Công ty thêm 2%. Công ty cũng tăng cường tiết kiệm chi phí với mức giảm hơn 8 tỷ đồng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, trong hai quý đầu năm.

HĐQT Công ty Cổ phần Pin Ắc quy miền Nam thống nhất sẽ tạm ứng cổ tức 8% đợt 1 năm 2015. Thời gian chi trả dự kiến vào tháng 9/2015.

Bán cổ phần theo lô: Số lượng cổ phần một lô không thấp hơn 5% vốn điều lệ
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định về việc bán cổ phần theo lô, trong đó quy định số lượng cổ phần của một lô không thấp hơn 5%...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư