CTCK MB (MBS)

CTCP Đầu tư xây dựng 3-2 (C32) là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng, khai thác và chế biến đá xây dựng và ống cống bê tông. Với nhu cầu tiêu thụ các loại đá xây dựng cả nước dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới nhờ vào thị trường bất động sản và hoạt động xây dựng có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Đặc biệt, tại thị trường tiêu thụ chính của C32 là các tỉnh miền Đông Nam Bộ, nhu cầu tiêu thụ đá được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 35-40% từ nay đến năm 2020.

Với khả năng cao hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh 2017 thì mức EPS dự kiến 2017 đạt mức hơn gần 8.500 đ/cp. Hiện tại, cổ phiếu C32 đang giao dịch ở mức P/E là 5,6 lần, thấp hơn P/E của các doanh nghiệp cùng ngành trong nước ( P/E là 9 lần) và P/E thị trường (16 lần).

Chúng tôi sử dụng 3 phương pháp định giá là so sánh P/E, FCFE và FCFF với tỷ trọng 40% với phương pháp P/E, 30% với phương pháp FCFE và 30% với phương pháp FCFF để định giá cổ phiếu C32. Giá trị hợp lý đối cổ phiếu C32 năm 2017 là 68.000 đồng/cổ phiếu. Do đó, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu C32 tại vùng giá hiện tại.

2-3-4. VCB và CTG xu hướng giảm kết thúc, BID tiếp tục điều chỉnh

CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS)

VCB sau khi đạt đỉnh trung hạn 39.750 đồng/CP thì đã đi vào kênh điều chỉnh trung hạn từ đó đến nay và hiện tại cũng đang vận động trong kênh giảm ngắn hạn từ cuối tháng 3/2017. Giá đã chạm đường kênh 2 lần và dự kiến sẽ sớm chạm đường xu hướng cũng như đường kênh lần thứ 3 và sau đó phá kênh giảm ngắn hạn. Nếu điều đó xảy ra thì khả năng là xu hướng giảm trung hạn cũng sẽ kết thúc. Mức hỗ trợ mạnh để giá bật lại của VCB là vùng 34.000 đồng/CP.

CTG cũng đang ở trong đà điều chỉnh trung hạn sau khi đạt đỉnh trung hạn 19,000. Điều thú vị là trong đà điều chỉnh trung hạn này, cổ phiếu có vẻ đang tạo nên mô hình 2 đỉnh với đường viền cổ ở mức 17.900 đồng/CP. Như vậy thì có khả năng là cổ phiếu sẽ tạo đáy và chấm dứt điều chỉnh ngắn hạn ở mức 16,800. Trong trường hợp tụt khỏi mốc này thì 16.500 đồng/CP là một hỗ trợ khác của CTG.

BID nhìn chung vẫn đang ở trong kênh tăng giá trung hạn hình thành từ đầu năm 2017. Tuy nhiên, hiện tại thì cổ phiếu đang vận động trong kênh điều chỉnh ngắn hạn hình thành từ cuối tháng 3/2017. Đà điều chỉnh ngắn hạn dự kiến sẽ vẫn còn tiếp tục trước khi cổ phiếu bứt phá. 2 ngưỡng hỗ trợ mà chúng tôi cho là quan trọng là 16.000 và 15.800 đồng/CP.

SCIC đặt kế hoạch bán vốn tại 100 doanh nghiệp

CTCK Phú Hưng (PHS)

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách bán vốn trong năm 2017. Theo đó, nhiều doanh nghiệp lớn, tiềm năng trong diện thoái vốn khiến thị trường chứng khoán hứng khởi.

Cụ thể, SCIC sẽ bán vốn tại 100 doanh nghiệp với quy mô thoái vốn rất lớn trong năm nay. Trong danh sách thoái vốn có khoản 1.000 tỷ đồng đầu tư tại Gang thép Thái Nguyên. Theo thông báo của SCIC, chỉ đạo của Chính phủ, công ty phải rút ngay 1.000 tỷ đồng, tương ứng năm 35% vốn tại đây. Được biết, Gang thép Thái Nguyên sẽ tiến hành đại hội cổ đông vào ngày 23/4 tới.

Thời gian qua dư luận trái chiều về việc SCIC đầu tư vốn xây dựng tháp truyền hình Việt Nam song danh sách thoái vốn mới nhất, SCIC đã quyết định thoái nốt toàn bộ 49,5 tỷ đồng (8% vốn điều lệ) tại Công ty cổ phần Đầu tư Tháp truyền hình Việt Nam.

Đặc biệt, SCIC quyết định bán vốn hàng loạt tại các doanh nghiệp "gà đẻ trứng vàng" với khoản cổ tức lớn mỗi năm như Tập đoàn FPT (275 tỷ), Nhựa Bình Minh (134 tỷ), Nhựa Tiền Phong (275 tỷ đồng), Tổng công ty cổ phần Bảo Minh với quy mô thoái vốn là 463 tỷ đồng (51% vốn điều lệ),... Đây là các công ty đang niêm yết trên thị trường chứng khoán và các mã cổ phiếu này được nhà đầu tư rất quan tâm.

SCIC cũng quyết định thoái vốn tại loạt các nhiệt điện như: Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Quảng Ninh, Nhiệt điện Phả Lại. Khoản đầu tư còn lại của SCIC tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải cũng được thoái luôn.

Ngoài ra, danh sách thoái vốn còn có nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, xây lắp, mía đường, đầu tư, xi măng như, phim truyện, điện ảnh… Khoản đầu tư 2.552 tỷ đồng tại Vinaconex sau nhiều lùm xùm, công ty cũng lên kế hoạch thoái hết trong năm nay.

Năm 2017, SCIC đặt kế hoạch doanh thu 11.241 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 7.343 tỷ đồng. Kế hoạch là vậy, song kết thúc quý 1 công ty mới chỉ đạt doanh thu 639 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 503 tỷ, sụt giảm mạnh 69% so với cùng kỳ. So với kế hoạch năm của SCIC, kết quả kinh doanh quý 1 khá ảm đạm khi chỉ bán vốn được ở 7 doanh nghiệp.