Đúng là thị trường tiếp tục có phiên giảm phiên giảm điểm, nhưng diễn biến đầy kịch tính, đưa nhà đầu tư từ cảm xúc này đến cảm xúc khác.
Ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều, lực cầu bắt đáy bất ngờ gia tăng, trong khi lực bán giá thấp tạm thời được tiết giảm, giúp cả VN-Index và HNX-Index tiến dần tới tham chiếu, trong đó, VN-Index đã vượt qua được ngưỡng tham chiếu.
Tuy nhiên, trong khi nhiều nhà đầu tư đang khấp khởi mừng về việc thị trường có phiên đảo chiều tăng trở lại, thì bất ngờ lực cung gia tăng mạnh, trong khi bên mua rụt tay khiến cả 2 chỉ số lao dốc. Trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa, lực cung tiếp tục được tung mạnh vào, đẩy cả 2 chỉ số xuống mức thấp nhất ngày khi đóng cửa, VN-Index mất luôn mốc hỗ trợ 710 điểm.
Cụ thể, chốt phiên đầu tuần, VN-Index giảm 3,02 điểm (-0,42%), xuống 709,39 điểm với 102 mã tăng và 165 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 154,88 triệu đơn vị, giá trị 3.308,4 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 25 triệu đơn vị, giá trị 600 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 24/4 |
HNX-Index cũng mất 0,46 điểm (-0,51%), xuống 88,42 điểm với 15 mã tăng, trong khi có 40 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 42,9 triệu đơn vị, giá trị 446,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,6 triệu đơn vị, giá trị 30 tỷ đồng.
Trái ngược với 2 sàn niêm yết, chỉ số UPCoM-Index chỉ dao động trong sắc xanh trong suốt thời gian chiều và chốt phiên tăng 0,23 điểm (+0,4%), lên 57,54 điểm với 32 mã tăng 46 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 4,45 triệu đơn vị, giá trị 69,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 19,1 triệu đơn vị, giá trị 361,5 tỷ đồng, đến chủ yếu từ 10,4 triệu cổ phiếu VOC, giá trị 212,8 tỷ đồng.
Không chỉ kích tính ở diễn biến của các chỉ số, diễn biến tại một số mã cũng kịch tính không kém, nhất là tại 2 mã ngân hàng STB và EIB.
Trong phiên giao dịch sáng, STB giằng co quanh tham chiếu, trong khi EIB chủ yếu dao động dưới tham chiếu, có lúc giảm hơn 3,6%. Tuy nhiên, đột biến đã xảy ra trong phiên chiều, đặc biệt là trong đợt ATC.
Trong khi nhà đầu tư ồ ạt bán ra STB, đẩy cổ phiếu này xuống mức giá sàn 10.500 đồng với gần 5 triệu đơn vị được khớp, trong đó riêng đợt ATC được khớp 1,75 triệu đơn vị ở mức sàn. Chốt phiên, mà này còn dư bán sàn hơn 200.000 đơn vị.
Trong khi đó, dù chủ yếu đi dưới mức tham chiếu, nhưng EIB bất ngờ nhận được lực cầu giá cao vừa đủ trong đợt ATC để kéo mã này lên thẳng mức giá trần 11.700 đồng với 460.920 đơn vị được khớp trong đợt này, bằng hơn 50% tổng khối lượng khớp của EIB trong ngày hôm nay.
Điểm đặc biệt là EIB dù không cò dư mua giá trần, nhưng bên dư bán chỉ ở mức giá dưới tham chiếu.
Eximbank hiện đang nắm giữ 165 triệu cổ phiếu Sacombank (tương đương 8,76% vốn Sacombank) và ngân hàng này đang có kế hoạch thoái toàn bộ số cổ phiếu này. Tuy nhiên, trong đại hội đồng cổ đông Eximbank vừa tổ chức cuối tuần qua, nội dung này đã không được đưa ra thảo luận.
Eximbank cho biết, muốn bán toàn bộ vốn càng nhanh càng tốt, song còn phụ thuộc vào tình hình tái cơ cấu tại Sacombank.
Trong khi đó, Sacombank cuối tuần trước bất ngờ xin dời ngày tổ chức đại hội đồng cổ đông thêm 1 tháng, sang ngày 26/5 thay vì ngày 28/4 như thông báo ban đầu. Lý do, theo thông tin Đầu tư Chứng khoán có được là do ngân hàng này chưa chốt song phương án tái cơ cấu.
Trong các mã khác, FLC sau khi tăng điểm trong phiên sáng khi đại hội đồng cổ đông diễn ra, đã đảo chiều giảm trở lại trong phiên chiều, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày 7.500 đồng (-1,83%) với 11,75 triệu đơn vị được khớp.
Ngoài FLC, hàng loạt mã cổ phiếu thị trường khác như DLG, HQC, OCG, HAR, SCR, FIT, TTF… đều giảm giá.
Trong khi đó, ROS đã hồi phục và đóng cửa ở mức tham chiếu 163.000 đồng với 4,9 triệu đơn vị được khớp, thậm chí có lúc đã chớm xanh.
HID đã không thể duy trì được sắc tím khi áp lực bán lớn dần vào cuối phiên, trong khi do lực cung không có nhiều, QCG vẫn giữ được phiên tăng trần đầu tuần.
Trên SHB vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 14 triệu đơn vị được khớp và đóng cửa đúng ở mức giá của phiên sáng 7.500 đồng, giảm 1,3%.
Các mã bluechip khác như ACB, CEO, VCG, VCS, VGS, LAS cũng đều giữ sắc đỏ đến khi chốt phiên. Trong khi các mã có diễn biến giá tích cực là PIV, VIX, DST, đặc biệt là C69 tăng trần lên 15.400 đồng.
Trên UPCoM, VOC ngoài giao dịch thỏa thuận lớn, cũng bất ngờ nhảy vọt lên mức giá trần 27.700 đồng trong phiên khớp. Ngoài ra, đà tăng mạnh còn xuất hiện tại QNS, NTC, SSN, SWC… Trong khi đó, HVN, SDI, FOX, MCH, GEX.
SWC vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất sàn này với 940.200 đơn vị được chuyển nhượng, đóng cửa tăng 3,24%, lên 22.300 đồng. Tiếp đến là HVN với 694.500 đơn vị, đóng cửa giảm 4,15%, xuống 25.400 đồng.