Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
4 dấu hiệu bộc lộ trước khi startup Ensogo thực sự sụp đổ
Tăng Khánh (DNSG) - 24/06/2016 09:56
 
Ensogo – một trong những nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) đầy hứa hẹn ở Đông Nam Á vừa “bỏ cuộc chơi” vào hôm 21/6, tuyên bố đóng cửa tất cả marketplace để cứu lấy bất cứ số tiền nào còn sót lại trong ngân hàng.
Văn phòng Ensogo tại Thái Lan đóng cửa
Văn phòng Ensogo tại Thái Lan đóng cửa

Trong khi một số người không thể tin rằng một công ty thuộc Catcha Group - công ty hàng đầu tại Đông Nam Á tập trung vào lĩnh vực công nghệ - có thể "đứt gánh giữa đường", thì một số người đã biết trước cái kết không có hậu này của Ensogo, Tech in Asia cho biết. Ensogo đã bộc lộ 4 dấu hiệu rõ ràng dẫn đến sự sụp đổ này:

1. Giảm giá kéo dài

Ra mắt tại Thái Lan vào năm 2010, Ensogo xây dựng chương trình flash sale – hình thức giảm giá một số mặt hàng trong một thời gian kéo dài, với hình thức cung cấp các voucher cho người dùng từ dịch vụ spa, tour du lịch đến những bữa ăn tại nhà hàng. Và cũng giống như những mô hình kinh doanh tương tự, Ensogo hay Groupon đều tạo được cơn sốt khi mới bắt đầu.

Năm 2011, Ensogo được chính đối thủ là Groupon mua lại khi đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, cạnh tranh trong ngành công nghiệp này ngày càng khắc nghiệt hơn, thị trường khó khăn khi người dùng trở nên “bội thực” với quá nhiều lời chào mời, ưu đãi, khuyến mãi được gửi vào email của họ mỗi ngày. Trong khi đó, số người dùng chuyển đổi từ người sử dụng voucher sang khách hàng trung thành và sẵn sàng trả tiền cho các dịch vụ spa, khách sạn, nhà hàng ngày càng ít đi.

Năm 2013, Ensogo bắt đầu rơi vào trạng thái “Deal fatigue” – tình trạng các bên tham gia đàm phán đều cảm thấy thất vọng, kiệt sức và chán nản, mất định hướng tại thị trường Mỹ. Và thực trạng không khả quan này bắt đầu lây lan sang thị trường Đông Nam Á – “quê nhà” của Ensogo.

Năm 2014, Công ty được mua lại bởi nền tảng flash sale của iBuy thuộc Catcha Group và vẫn cố gắng duy trì mô hình kinh doanh này trong một thời gian. Các sản phẩm được bán giảm giá gồm quần áo, giày dép và những sản phẩm vật chất khác. Nó có nghĩa là, công ty phải có cơ sở hạ tầng, kho bãi, vận chuyển, dịch vụ tồn kho, nhập và xuất kho.

Mãi đến năm 2015, công ty mới chuyển qua hình thức cửa hàng trực tuyến – nơi mà các doanh nghiệp sẽ bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng, và không đòi hỏi Ensogo đổ vốn vào việc xây dựng hạ tầng.

2. Chuyến hướng quá muộn

Quyết định chuyển hướng sang mô hình marketplace của Ensogo được đưa ra quá muộn màng. Lazada đã thay Ensogo thống lĩnh thị trường sau khi được Rocket Internet ra mắt. Và những markertplace startup khác như Carousell và Duriana cũng đã kịp tạo ra sức ảnh hưởng trước khi Ensogo gia nhập cuộc chơi.

Lazada bắt đầu hoạt động từ 2012 được xem như một Amazon của người Đức, ban đầu cũng có kho hàng riêng nhưng đã bắt đầu chuyển sang mô hình marketplace ngay vào năm 2013. Đó là thời điểm Ensogo vẫn còn say sưa với rất nhiều những giao dịch giảm giá hằng ngày.

Lazada thâm nhập thị trường nhiều nước, trong đó có Singapore là “đất lành” để phát triển TMĐT, bên cạnh những thị trường nhiều khó khăn hơn như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam – chủ yếu do trình độ công nghệ và rào cản về thanh toán trực tuyến. Lazada không phải là cửa hàng trực tuyến hàng đầu tại mỗi quốc gia nhưng Hãng đã thực sự trở thành nền tảng TMĐT phổ biến nhất toàn khu vực. Đó có thể là lý do để Lazada đủ hấp dẫn người khổng lồ Alibaba quyết định mua lại như một phương tiện đưa Alibaba đi khai thác các thị trường màu mỡ bên ngoài Trung Quốc.

Ensogo cũng đã nỗ lực đuổi theo sau khi là một trong số những nền tảng TMĐT phổ biến tại Philippines, Indonesia, Singapore.

Marketplace Ensogo khi còn hoạt động
Marketplace Ensogo khi còn hoạt động

3. "Đốt tiền"

Đông Nam Á là một thị trường 600 triệu dân và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Tuy nhiên đây vẫn là một thị trường còn non trẻ về công nghệ, mức tăng trưởng smartphone và mức độ tiếp cận internet của người dân không tăng trưởng mạnh như kỳ vọng. Và đó là lý do khiến Amazon cũng phải dè dặt với thị trường khu vực này.

Hay chính Lazada cũng đã dần đuối sức ngay trước khi được Alibaba mua lại. Rocket Internet là một gã khổng lồ, tiềm lực mạnh nhưng vẫn không thể mang lại lợi nhuận cho Lazada trong suốt thời gian qua. Bằng chứng là, trong năm 2013, doanh thu của Lazada là 310 triệu USD, nhưng thiệt hại của nó đã tăng gấp đôi, lên đến 334 triệu USD.

Ensogo từng "đốt tiền" để cố gắng thoát khỏi quá khứ của chính mình, nhưng cũng đã thua trong cuộc "đánh cược" tài chính năm 2015 với mực thiệt hại lên đến 59,5 triệu USD, tăng hơn 9 triệu USD so với năm 2014, theo báo cáo Công ty nộp cho Australian Securities Exchange (ASX).

Trong một ghi nhận khác, Ensogo có doanh thu 16,7 triệu USD từ khách hàng trong quý 1/2016. Sau khi trừ hết các chi phí, các khoản lỗ, số tiền Công ty còn lại vào khoảng 13 triệu USD - không đủ để duy trì hoạt động đến cuối năm nay. 

Ensogo đã rất cố gắng để gây quỹ, nhưng với quyết định đóng cửa toàn bộ doanh nghiệp vừa qua, Công ty cho thấy rằng các nhà đầu tư không còn muốn bơm thêm tiền cho những doanh nghiệp gặp khó khăn. Những nhà quản lý của Ensogo cũng muốn rút khỏi công ty để bảo vệ khoản tiền còn lại.

4. Mất uy tín

Một cách để Ensogo ngăn chặn sự thua lỗ là giảm bớt nhân sự và tập trung hoạt động tại Singapore. Nhưng thật không may, đó chính là “giọt nước tràn ly” khiến mọi nỗ lực trong suốt thời gian qua của công ty sụp đổ.

Tháng 4 vừa qua, Công ty đã dính vào một vụ rắc rối khi bị khiếu nại do thanh toán chậm. Những người bán hàng thông qua Ensogo Malaysia đã không nhận được một đồng nào sau 3 tuần bán được món hàng. Nguyên nhân được xác định là do Công ty đã sa thải hàng loạt nhân viên và ngừng hoạt động đường dây nóng chăm sóc khách hàng. Mọi khiếu nại của người bán hàng đều không có ai trả lời, thậm chí, khi tìm đến văn phòng, họ mới nhận ra Ensogo đã đóng cửa và chuyển mọi hoạt động về Singapore.

Công ty phá vỡ những cam kết với đối tác và đây là cách kinh điển nhất để đánh mất uy tín của chính mình. Mọi việc trở nên tệ hại hơn khi có 2 giám đốc của Ensogo từ chức và một nhà đầu tư lớn bán cổ phần. Công ty đóng cửa hoàn toàn vào 21/6/2016.

Ensogo cho biết sẽ sử dụng số tiền còn lại của mình cho “cơ hội đầu tư mới”. Điều này có thể hiểu là đội ngũ Ensogo đang "nuôi" một kế hoạch mới và khi mọi chuyện lắng xuống, họ sẽ tái xuất với một cái tên khác.

Nhóm "tứ đại gia" thương mại điện tử: Dấu hỏi về tương lai của Sendo.vn
Trong khi 3 trong top 4 doanh nghiệp thương mại điện tử có doanh thu cao nhất là Lazada.vn, Zalora.vn và mới đây là Tiki.vn đã được tiếp vốn hoặc có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư