Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
5 cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/5
Thanh Thúy - Thanh Huyền - 13/05/2014 05:55
 
 Đầu tư lược trích phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 13/5 của một số công ty chứng khoán.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Phiên 12/5: Giảm sâu mở đầu tuần mới
Dò mức giá của MIC khi niêm yết
Tâm lý nhà đầu tư tạm ổn sau cú sốc
Giai đoạn cuối của bong bóng tài sản đã tới?

1. NBB: Khuyến nghị mua trong dài hạn

(CTCK Rồng Việt – VDSC)

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/5

Kết quả kinh doanh của NBB năm 2013 giảm mạnh so với năm 2012 một phần do ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản đóng băng và một phần do kết quả năm 2012 có tính chất đột biến từ việc hạch toán hồi tố doanh thu tại Carina Plaza.

Năm 2014, hoạt động kinh doanh bất động sản được kỳ vọng sẽ có cải thiện nhờ sự đóng góp của dự án KDC Sơn Tịnh, Quảng Ngãi với giá trị doanh thu chưa ghi nhận khá lớn. Ngoài ra, NBB đang cố gắng hoàn tất bán hàng tại hai dự án Carina Plaza và KDC phường 2 Bạc Liêu cũng như điều chỉnh thiết kế của NBB I và City Gate Towers để tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm.

Liên quan đến hoạt động đầu tư, trong quý I, NBB đã hoàn tất chuyển nhượng dự án BOT cầu Rạch Miễu, thu về gần 42 tỷ đồng đồng thời tìm được đối tác hợp tác đầu tư vào dự án City Gate Towers. Cộng với việc phát hành thêm cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi, NBB dự kiến thu được gần 700 tỷ đồng để chi trả các khoản vay lớn và đầu tư cho các dự án bất động sản trong năm nay. Cũng theo đó, hoạt động tài chính dự kiến sẽ đóng góp chính vào lợi nhuận năm 2014. Với các luận điểm trên và không có thay đổi quan trọng trong phương pháp định giá NAV (Báo cáo phân tích lần đầu ngày 06/02/2014), chúng tôi vẫn cho rằng nhà đầu tư có ý định tăng tỷ trọng cổ phiếu BĐS có thể cân nhắc MUA cổ phiếu NBB trong DÀI HẠN.

2,3. BSH, HAG: Xuất khẩu đường sang Trung Quốc sẽ khó khăn hơn

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Trung Quốc, quốc gia đứng thứ 2 về sản lượng nhập khẩu và đứng 3 về sản lượng tiêu thụ đường, từng có nhiều chính sách hỗ trợ thị trường đường như tăng dự trữ đường, trả giá cao hơn giá thị trường. Điều này đã làm tồn tại một lượng tồn kho đường Trung Quốc rất lớn, theo Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) ước tính, lên đến 8,39 triệu tấn vào cuối vụ 2013/2014. Do đó, Chính phủ Trung Quốc đã từ bỏ chính sách hỗ trợ trong khi thị trường đường vẫn còn yếu, đã làm giá đường sụt giảm. Giá đường Trung Quốc đã chạm mức 4.000 CNY/tấn (13.500 VND/kg), mức thấp nhất kể từ năm 2009 và giảm 17,5% từ đầu năm 2014 đến nay.

Việc giá đường Trung Quốc liên tục xuống thấp khiến các doanh nghiệp sản xuất đường bị sụt giảm lợi nhuận và nợ tiền mía người nông dân. Do vậy, nông dân Trung Quốc trồng mía có khuynh hướng chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có nhiều lợi nhuận hơn như gạo, dưa hấu, rau.

Theo báo cáo của USDA, dự báo nhập khẩu đường của Trung Quốc sẽ giảm 500.000 tấn so với năm trước nhằm khuyến khích doanh nghiệp sản xuất sử dụng đường trong nước để giảm lượng tồn kho. Kết hợp với cắt giảm các gói hỗ trợ khiến giá đường tiếp tục sụt giảm, từ đó, việc mua đường ngoài hạn ngạch sẽ không mang nhiều lợi nhuận. Ngoài ra, USDA cũng cắt giảm dự báo sản lượng đường Trung Quốc trong vụ 2013/2014 xuống 465.000 tấn và chỉ đạt 13,54 triệu tấn đường, giảm khoảng 1 triệu tấn so với niên vụ trước.

Đối với ngành đường Việt Nam, đây sẽ là bất lợi cho các doanh nghiệp đường Việt Nam khi xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Đến đầu tháng 4/2014, các nhà máy đường trong nước tồn kho gần 600.000 tấn đường. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn lên kế hoạch, kiến nghị Bộ Công thương cấp phép xuất khẩu 400.000 tấn đường qua biên giới Trung Quốc để giải phóng đường tồn kho. Trong thực tế, Bộ Công Thương đã cấp phép xuất khẩu 200.000 tấn đường, nhưng tới nay các doanh nghiệp mới chỉ xuất khẩu được hơn 100.000 tấn đường sang Trung Quốc.

Đối với công ty Đường Biên Hòa (BHS), cuối năm 2013, Công ty đã được Bộ Công thương cấp phép nhập đường thô của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) sản xuất tại Lào với điều kiện lượng đường sản xuất này phải được xuất sang Trung Quốc. Trước chính sách mới của Chính phủ Trung Quốc, việc tiêu thụ lượng đường trên sẽ là một khó khăn đối với BHS. 

4. PGS: P/E đang được giao dịch tại 6,2x

PGS vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2014 với doanh thu thuần tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.702,8 tỷ đồng. Trong đó, mảng CNG, chiếm 30,3% tổng doanh thu, tăng 18,5% so với cùng kỳ của năm trước, đạt 517,1 tỷ đồng. Mảng kinh doanh khí hóa lỏng, chiếm 66,6% tổng doanh thu, tăng 11,5% so với cùng kỳ của năm trước, đạt 1.116,9 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp quý I/2014 giảm hơn 2,5 điểm % so với cùng kỳ 2013 còn 15,4% nguyên nhân chủ yếu là do trong quý I/2014, giá khí đầu vào tăng (khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái) nhanh hơn giá khí đầu ra.

Trong quý I/2014, PGS vẫn kiểm soát chi phí hoạt động khá tốt với tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu ở mức 12,4% xấp xỉ quý I/2013. Lợi nhuận ròng giảm 45,5% so với cùng kỳ của năm trước còn 27,9 tỷ đồng.

PGS đặt mục tiêu 2014 với doanh thu đạt 6.785 tỷ đồng, giảm 1,6% so với năm trước. PGS dự kiến sản lượng tiêu thụ khí LPG tăng nhẹ 2,5% so với cùng kỳ của năm trước nhưng sản lượng CNG giảm 2% so với cùng kỳ của năm trước. PGS cho biết giá bán khí trong năm 2014 có thể giảm do gặp áp lực cạnh tranh từ các nguồn nguyên liệu khác. PGS thận trọng đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 163 tỷ đồng, giảm 31,2% so với cùng kỳ của năm trước do công ty dự phòng trường hợp giá khí đầu vào có thể tiếp tục tăng theo lộ trình tăng giá bán khí của chính phủ. Lưu ý, PGS lần lượt vượt 11,5% và 30,6% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong 2013. ĐHCĐ PGS đã thông qua phương án chia cổ tức 2014 bằng tiền mặt với tỷ lệ 12%. Ngoài ra, PGS cũng sẽ chia thêm cổ phiếu thưởng. Tỷ lệ chia thưởng cổ phiếu sẽ được HĐQT quyết định ngay khi có. Chúng tôi dự kiến tỷ lệ chia thưởng vào khoảng 1:1.

Trong năm 2014, PGS có kế hoạch mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh miền Tây như Long An, Tiền Giang và Cần Thơ. Thị trường miền Tây vẫn còn khá mới và vẫn chưa được khai thác đúng mức và chúng tôi kỳ vọng việc tiếp cận thị trường mới này sẽ tạo động lực cho PGS tăng trưởng sản lượng đầu ra trong năm 2014.

PGS đang được giao dịch tại P/E 2014 là 6,2x, thấp hơn trung bình ngành trong khu vực được dự báo là 10,9x.

5. FPT: Khuyến nghị nắm giữ

Kết quả kinh doanh quý I/2014 của FPT: Doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận tăng nhẹ. Cụ thể, doanh thu đạt 7.361 tỷ đồng (+30% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 23% kế hoạch), lợi nhuận sau thuế đạt 480 tỷ đồng (+1% so với cùng kỳ năm trước), lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ đạt 361 tỷ đồng (+1% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 20% kế hoạch), EPS đạt 1.312 đồng/CP.

Đáng lưu ý, hai trong ba hoạt động lớn là viễn thông và phân phối bán lẻ có mức tăng trưởng tốt, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế lần lượt là 16% yoy và 13% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt bán lẻ tiếp tục tăng trưởng tốt với doanh thu (+ 89% so với cùng kỳ năm trước), bắt đầu có lãi và số cửa hàng tiếp tục tăng. Tuy nhiên hoạt động phát triển phần mềm có kết quả kinh doanh thấp hơn kỳ vọng khi doanh thu vẫn tăng trưởng 6% so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.

Chúng tôi cho rằng Kết quả kinh doanh quý II sẽ cao hơn quý I do (1) Kết quả kinh doanh quý I thường thấp hơn các quý khác trong năm (2) hoạt động phân phối bán lẻ tiếp tục tăng mạnh và (3) hoạt động phát triển phần mềm tăng trưởng tốt hơn nhờ tổng giá trị hợp đồng thắng thầu, các hợp đồng đã ký tăng trưởng mạnh trong quý I.

FPT là doanh nghiệp đầu ngành có các chỉ tiêu cơ bản tốt và còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ sẽ tăng trưởng 10% như kế hoạch, EPS forward đạt khoảng 5.140 đồng/CP. Tuy nhiên với mức giá 43.100 đồng/CP ngày 12/5/2014 thì PE forward là 9,2x – mức không quá hấp dẫn trong khi thị trường đang đi ngang do đó chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu FPT.

Cân đo 4 kênh đầu tư nóng nhất năm 2014

Cân đo 4 kênh đầu tư nóng nhất năm 2014

Lựa chọn kênh đầu tư phù hợp trong năm 2014 không phải dễ, khi thị trường chứng khoán chưa bền vững; bất động sản ấm dần, song giá khó tăng; thị trường vàng thế giới hạ nhiệt, mặc dù cầu trong nước được dự báo tăng…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư