Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
5 cổ phiếu cần quan tâm ngày 18/11
Thanh Thuý - 18/11/2014 07:00
 
Đầu tư trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 18/11 của các công ty chứng khoán.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Phiên 17/11: Cổ phiếu đầu cơ lên ngôi
VietinBank nỗ lực cán đích
Dòng tiền dài hạn vẫn đứng ngoài thị trường

1. SVC: Khuyến nghị mua vào

CTCK FPT (FPTS)

CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (SVC - sàn HOSE) cho biết, tổng doanh thu 9 tháng đạt được là 5.417 tỷ đồng đạt 77% kế hoạch năm và tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 59,4 tỷ đồng, đạt 91% kế hoạch năm và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng mảng phân phối ô tô đạt 4.953 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước tình hình tiêu thụ xe ô tô tăng trưởng tốt của toàn thị trường hiện nay (sản lượng tiêu thụ 9 tháng đầu năm 2014 tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái) cùng với đó là xu hướng nhập khẩu xe ô tô tăng nhanh nhờ vào lộ trình giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (CBU), mảng kinh doanh phân phối ô tô sẽ hết sức sôi động trong thời gian tới. Là doanh nghiệp phân phối ô tô và cung cấp dịch vụ sửa chữa ô tô hàng đầu tại Việt Nam, hoạt động kinh doanh của Savico hứa hẹn sẽ đạt tăng trưởng cao trong năm nay và các năm sau. Cụ thể lợi nhuận trước thuế năm 2014 ước đạt khoảng 100 tỷ đồng (tăng 17% so với năm ngoái) và lợi nhuận trước thuế năm 2015 ước tính đạt 134 - 160 tỷ đồng (tăng 37-60% so với 2014). EPS 2014 dự kiến đạt 1.872 đồng/CP, EPS 2015 ước đạt 2.602 đồng. Giá mục tiêu cuối năm nay và 12 tháng tới theo phương pháp PE lần lượt là 18.000 đồng và 22.700 đồng, cao hơn 9,1% và 37,6% so với giá thị trường ngày 14/11/2014 (16.500 đồng/CP). Chúng tôi khuyến nghị MUA với mục tiêu đầu tư trung - dài hạn.

2. CII: Năm 2016 sẽ ghi nhận doanh thu tăng đột biến

CTCK MB (MBS)

Gần đây, CII đã tổ chức một cuộc họp trao đổi tình hình kinh doanh với các chuyên viên phân tích; Trong đó, ban lãnh đạo đã có những chia sẻ đáng chú ý về chiến lược kinh doanh của công ty và triển vọng của doanh nghiệp này trong năm 2015.

Theo đại diện của phía công ty, CII không dự định sẽ phát hành thêm cổ phiếu trong vòng 2 năm tới. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, khi chủ sở hữu của các trái phiếu chuyển đổi được phát hành gần đây quyết định thực hiện quyền của mình thì dự kiến sẽ có thêm khoảng 30 triệu cổ phiếu được giao dịch trên thị trường.

Trong năm 2015, Công ty dự kiến phát hành trái phiếu doanh nghiệp trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng, có kỳ hạn 15 năm với lãi suất cố định từ 9 - 10%. Ngoài ra, Công ty dự kiến phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu cho các nhà đầu tư cá nhân thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.

Mục tiêu lợi nhuận đặt ra cho năm 2015 đã được được điều chỉnh xuống thấp hơn so với mức được đề xuất ban đầu là 600 tỷ đồng mặc dù dòng tiền ước tính từ các dự án BOT đã xác nhận tính khả thi của con số này. Nguyên nhân lý giải cho quyết định này là nhằm đảm bảo công ty có thể duy trì mức tăng trưởng trên 20% trong các năm tiếp theo.

Năm 2016 dự kiến sẽ ghi nhận doanh thu tăng đột biến từ việc tăng phí thu từ các dự án BOT theo như các điều khoản đã được ký trước đó. Ví dụ, phí thu từ dự án Xa Lộ Hà Nội sẽ tăng gấp 2 trong khi phí thu từ dự án mở rộng Quốc Lộ 1A sẽ tăng gấp 3,5 lần.

3. KDC: PE kỳ vọng ở mức 24,3 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

KDC, Kinh Đô, cổ phiếu cần quan tâm

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014 của CTCP Tập đoàn Kinh Đô (KDC – sàn HOSE) đạt 3.668,8 tỷ doanh thu và 451,6 tỷ đồng lợi nhuận ròng, hoàn thành được 71,2% và 82,3% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đề ra.

Điểm đáng chú ý là chi phí quản lý  và bán hàng trong quý III/2014 cải thiện rõ rệt nhưng tỷ lệ này trong 9 tháng đầu năm 2014 vẫn đang ở mức cao 31,5%. Nếu KDC vẫn tiếp tục duy trì hiệu quả trong việc kiểm soát tốt chi phí này trong quý IV/2014 sẽ giúp lợi nhuận cả năm tăng mạnh so với kế hoạch.

Việc KDC bán 80% mảng bánh kẹo cho đối tác, thu về khoảng 7.800 tỷ đồng, tương đương P/E 24,3 lần, gần như ngang với giá thị trường. Việc này cũng đồng nghĩa, KDC phải có chiến lược kinh doanh mới để bù đắp cho khoản trống doanh thu và lợi nhuận từ mảng bánh kẹo đã bán.

Cổ phiếu KDC đang được giao dịch ở mức PE kỳ vọng 2014 là 24,3 lần, so với P/E thị trường đang ở mưc khoảng 14 lần.

4. DQC: PE đang giao dịch ở mức thấp, khoảng 6,4 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Bóng đèn Điện quang (DQC - sàn HOSE) công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014 hết sức khả quan khi cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, đạt 995,7 tỷ đồng và 174,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 61% và 2,9x so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái của doanh thu nhờ cải thiện về doanh số từ thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong đó, các sản phẩm đèn tiết kiệm điện mới bao gồm đèn LED, đèn compact, đèn Doublewings, đã được tung ra thị trường trong 2013 để đáp ứng xu hướng sử dụng sản phẩm đèn tiết kiệm điện vẫn tiếp tục tăng mạnh và đang được tiêu thụ tốt trên thị trường nội địa. Thêm vào đó, việc mở rộng thị phần sang các nước chưa có thương hiệu nội địa hoặc thương hiệu nội địa không mạnh như Châu Mỹ La Tinh, Trung Á, Nam Á đang được triển khai tốt giúp mảng xuất khẩu tăng mạnh.

Sự thay đổi trong cơ cấu doanh thu (tỷ trọng doanh thu xuất khẩu tăng từ 49% trong 9 tháng đầu năm 2013 lên 51% trong 9 tháng đầu năm 2014) đã giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp. Biên lợi nhuận của mảng xuất khẩu cao hơn nhiều so với nội địa. Hơn nữa chúng tôi cho rằng DQC đã thanh lý thành công lô hàng cũ compact 115V (đây là số sản phẩm đèn Compact 115V từ hợp đồng với Cuba năm 2007 với chi phí giá vốn thấp). Biên lợi nhuận gộp tăng thêm 3 điểm phần trăm lên 35%. Lợi nhuận gộp tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản nợ từ Cuba được thu hồi tốt (khoản lãi chênh lệch tỷ giá và lãi trả chậm) nên lợi nhuận từ tài chính tăng 82% so với cùng kỳ năm ngoái so với cùng kỳ năm ngoái còn 18% và thuế TNDN giảm còn 22% nên lợi nhuận sau thuế tăng 2,9x và vượt 180% kế hoạch.

Theo dữ liệu lịch sử, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng mạnh vào các tháng cuối năm. Chúng tôi dự báo doanh thu trong quý IV/2014 sẽ tăng tốt so với cùng kỳ và so với quý III. Chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2014 của DQC lần lượt đạt 1.432 tỷ, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái và 234 tỷ đồng, tăng 92% so với cùng kỳ năm ngoái. EPS 2014 vào khoảng 10.693 đồng/CP, tương đương PE 2014 là 6,4 lần, thấp hơn trung bình ngành là 8 lần

5. CSM: Khuyến nghị trung lập

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu 2014 không có nhiều biến động: Tổng doanh thu 9 tháng đạt 2.270 tỷ đồng (-2,7% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó tiêu thụ Radial vẫn còn khá chậm, ước tính chỉ mới đóng góp 60 tỷ đồng, tương ứng với 12.000 lốp. Lợi nhuận sau thuế sau 3 quý đạt 248 tỷ đồng (-3,9% so với cùng kỳ năm ngoái) và hoàn thành 106% kế hoạch năm; EPS đạt 3.680 đồng/CP.

Tiêu thụ lốp Radial còn khiêm tốn ở giai đoạn đầu: CSM đã giới thiệu ra thị trường đợt sản phẩm Radial mẫu đầu tiên trong quý II/2014 và chính thức đưa nhà máy vào sản xuất kể từ đầu quý III/2014 với kỳ vọng sẽ tiêu thụ được 50.000 lốp trong năm nay. Tuy nhiên, tình hình bán hàng vẫn còn tương tối chậm khi sản lượng trong Radial quý III ước tính chỉ ở mức 12.000 lốp, trung bình khoảng 3.000 lốp/tháng. Do dòng sản phẩm mới của CSM cần có thêm thời gian để thâm nhập thị trường, BVSC cho rằng tiêu thụ trong quý IV vẫn chưa có cải thiện đáng kể và giả định tiếp tục ở mức tương đương quý III.

Lợi nhuận quý IV có thể tăng mạnh nhờ chuyển nhượng dự án bất động sản: BVSC dự báo doanh thu thuần đạt 809 tỷ đồng (+1,0% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 126 tỷ đồng (+22,9% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó bao gồm cả phần lợi nhuận bất thường 70 tỷ đồng trước thuế nếu CSM hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan để thương vụ chuyển nhượng quyền sử dụng đất của dự án số 9 Nguyễn Khoái trong quý IV/2014. Như vậy, lợi nhuận cả năm 2014 có thể đạt 375 tỷ đồng (+3,9% so với cùng kỳ năm ngoái), EPS dự phóng 5.600 đồng/CP tương ứng với P/E 8 lần.

Lợi nhuận 2015 dự báo giảm mạnh: BVSC dự phóng tổng doanh thu của CSM năm tới đạt 3.786 tỷ đồng (+19,1% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 297 tỷ đồng (-20,8% so với năm trước), phần lớn là do áp lực lãi vay và chi phí khấu hao lớn từ nhà máy Radial. EPS 2015 đạt 4.420 đồng/CP tương ứng với P/E 10,2 lần. Dự báo của chúng tôi chủ yếu dựa trên giả định tiêu thụ Radial đạt 105.000 lốp và giá cao su tự nhiên đầu vào tăng nhẹ 5% trong năm 2015.

Khuyến nghị đầu tư: CSM là một trong những doanh nghiệp săm lốp hàng đầu trong nước với hoạt động kinh doanh cốt lõi vững chắc và ổn định nhờ vào thương hiệu mạnh và hệ thống phân phối có độ bao phủ cao. Ngoài ra, BVSC cũng đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng dài hạn của công ty với việc đầu tư vào nhà máy mới, nắm bắt xu hướng Radial hoá tất yếu của ngành săm lốp Việt Nam. Tuy nhiên, do phải chịu chi phí lãi vay và khấu hao lớn từ nhà máy Radial trong khi sản lượng nhiều khả năng vẫn chưa đạt mức hoà vốn, triển vọng kết quả kinh doanh năm 2015 là tương đối kém khả quan. Dựa trên cơ sở đó, chúng tôi tạm thời đưa ra khuyến nghị NEUTRAL đối với cổ phiếu CSM, giá mục tiêu 52.500 đồng/CP bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF. Các nhà đầu tư cũng cần lưu ý về rủi ro biến động giá cao su tự nhiên.

Giảm được lãi vay VCG tăng lãi ròng Giảm được lãi vay VCG tăng lãi ròng

Theo BCTC hợp nhất quý III của Tổng công ty Vinaconex (VCG), doanh thu thuần đạt hơn 2.350 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư