Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 22 tháng 01 năm 2025, 14h42
5 cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/5
Thanh Thuý - 22/05/2014 05:55
 
Đầu tư lược trích phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 22/5 của một số công ty chứng khoán.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
4 tháng, cổ phần hóa thêm 27 doanh nghiệp
Dòng tiền sẽ hướng tới nhóm cổ phiếu nào?
Top 10 cổ phiếu tăng, giảm mạnh nhất tuần qua
Dò mức giá của MIC khi niêm yết

1. DRC: P/E năm 2014 khoảng 9,9x

CTCK Maybak KimEng (MBKE)

5 cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/5

DRC công bố kết quả kinh doanh quý I/2014 với doanh thu tăng +11,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 678 tỷ đồng chủ yếu là do đóng góp của sản phẩm radian toàn thép mới. Trong quý I/2014, DRC tiêu thụ được khoảng 14.000 chiếc lốp radial toàn thép, trong đó xuất khẩu chiếm 20%. Lợi nhuận gộp biên nới rộng từ 24% quý I/2013 lên 25,6% quý I/2014 do giá cao su thiên nhiên đầu vào (chiếm khoảng 50% giá thành) đã giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý I/2014.

Tuy nhiên, chi phí tài chính ròng tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 32,9 tỷ đồng chủ yếu là do chi phí lãi vay từ dự án lốp radial toàn thép. Chi phí hoạt động tăng nhẹ với tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/Doanh thu tăng từ 4,7% lên 5,2% do công ty tăng cường chiết khấu thương mại và quảng bá sản phẩm lốp radial toàn thép. Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý I/2014 tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 85,8 tỷ đồng.

DRC cho biết trong tháng 1/2014, DRC đã chính thức nhận được chứng nhận chất lượng DOT của Hoa Kỳ. Đây là điều kiện bắt buộc để DRC thực hiện hợp đồng cung cấp 10.000 chiếc lốp radial toàn thép/tháng (tương đương với 120.000 chiếc lốp/năm) với Công ty Stamyord Tyres International Ptc. Ltd. Singapore.

ĐHCĐ của DRC đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2014 với doanh thu dự kiến đạt 3.485 tỷ đồng, tăng 20% so với 2013, trong đó xuất khẩu đạt 25 triệu USD, tăng 60% so với năm ngoái. DRC đặt kế hoạch tiêu thụ 135.000 chiếc lốp radial toàn thép trong năm 2014 (tương đương 11.250 chiếc/tháng).

Với lợi thế về giá bán (thấp hơn 20% so với hàng nhập khẩu), chúng tôi cho rằng DRC hoàn toàn có khả năng đạt được mục tiêu đã đề ra đối với tiêu thụ lốp radian toàn thép. Lợi nhuận trước thuế 2014 dự kiến giảm 15% so với năm ngoái, còn 425 tỷ đồng chủ yếu là do DRC dự tính chi phí khấu hao và chi phí lãi vay tăng mạnh trong năm.

DRC đang được giao dịch tại P/E 2014 khoảng 9,9x, tương đối cao hơn đối thủ có quy mô tương đương là CSM hiện tại ở mức 7,7x.

2. BCI: Khuyến nghị theo dõi

CTCK Vietcombank (VCBS)

CTCP Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCI - sàn HOSE) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2014 với doanh thu thuần tăng đột biến đạt 74 tỷ đồng (+124% so với cùng kỳ năm ngoái) , lợi nhuận gộp đạt 21,49 tỷ đồng (+51,5% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 21,06 tỷ đồng (+99,2% so với cùng kỳ năm ngoái).

Trong 3 tháng đầu năm, tỷ suất lợi nhuận gộp và tỷ suất lợi nhuận ròng giảm khá xuống còn 29% và 28,5% từ mức 42,7% và 32% năm 2013. Tỷ suất lợi nhuận giảm nhiều như vậy là do chi phí giá vốn hàng bán đã tăng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 52,47 tỷ đồng) trong khi doanh thu có mức tăng chậm hơn (chỉ +124% so với cùng kỳ năm ngoái).

Trong quý I/2014, doanh thu của BCI phần lớn đến từ hoạt động kinh doanh đất nền và căn hộ. Doanh thu của mảng này tăng đột biến lên mức 56,78 tỷ đồng (+240% so với cùng kỳ năm ngoái), chiếm 76,8% tổng doanh thu và chủ yếu đến từ dự án Nhất Lan 3 đã được chào bán gần hết trong năm 2013. Bên cạnh đó, hoạt động cung cấp nước và dịch vụ và hoạt động chuyển quyền sử dụng đất ở khu công nghiệp Lê Minh Xuân vẫn tiếp tục đem lại nguồn thu ổn định, đạt lần lượt 13,2 tỷ đồng (+3% so với cùng kỳ năm ngoái) và 3 tỷ đồng (+7% so với cùng kỳ năm ngoái) doanh thu.

Chúng tôi dự phóng, doanh thu năm 2014 của BCI có thể đạt 445 tỷ đồng (+27% so với năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 110 tỷ đồng, EPS forward đạt 1.522 đồng/cổ phiếu. Với mức giá 18.500 đồng/cổ phiếu tại ngày 20.05.2014, P/E forward vào khoảng 12,5 lần, tương đương với mức P/E trung bình ngành BĐS. Chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu BCI.

3. PET: Khuyến nghị mua vào

CTCK APEC (APS)

Công ty CP Tổng hợp dịch vụ dầu khí (PET) là một trong số những doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh linh hoạt khi gia nhập lĩnh vực phân phối sản phẩm công nghệ cao đúng thời điểm, và bước đầu đạt được những thành công nhất định. Công ty có những khó khăn khi phải cạnh tranh với những đối thủ mạnh như: Tập đoàn FPT, Viễn thông A, Thế giới di động. Tuy nhiên, với 1,700 đại lý độc lập, cùng thị phần còn lại tương đối lớn, PET vẫn có tiềm năng khai thác thị phần để đạt được mức tăng trưởng như dự kiến.

Đến hết năm 2013, PET đạt doanh thu hơn 11 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 280,4 tỷ. Trong đó, doanh số chủ yếu của PET đến từ hoạt động phân phối sản phẩm điện thoại Samsung, Sony Ericson, và LG. Hiện mảng kinh doanh điện thoại đóng góp khoảng 60% doanh thu và 60% lợi nhuận trước thuế của PET. Mảng phân phối điện thoại di động dự kiến sẽ còn được PET đẩy mạnh và sẽ đóng góp nhiều hơn vào cơ cấu doanh thu của PET trong những năm tiếp theo.

Bên cạnh hoạt động phân phối sản phẩm điện thoại di động và các sản phẩm công nghệ cao khác, PET còn cung cấp các dịch vụ dầu khí và quản lý bất động sản nhằm đa dạng hóa hoạt động đầu tư và giảm thiểu rủi ro hoạt động cho doanh nghiệp.

Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư mua vào PET với mức giá mục tiêu 25,000 đồng/cổ phiếu, thời gian nắm giữ từ 1 - 2 năm.

4. ANV: PE đang giao dịch ở 94,2x

CTCK Maybak KimEng (MBKE)

Doanh thu thuần quý I/2014 của ANV đạt 622 tỷ, tăng 27% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu xuất khẩu chiếm 83,6%, tăng 25%. Mặc dù tự chủ vùng nuôi riêng (đáp ứng gần 70% cá nguyên liệu) và sở hữu nhà máy sản xuất thức ăn cho cá (đáp ứng 100% nhu cầu cho vùng nuôi) nhưng do chi phí bánh đậu nành (50% chi phí vốn thức ăn cho cá) tăng từ đầu năm kéo theo giá thành sản xuất cá cũng tăng. Biên lợi nhuận gộp quý I giảm 1 điểm phần trăm, lợi nhuận gộp đạt 68,4 tỷ, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế quý I/2014 tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 7,3 tỷ.

Thị trường xuất cá tra chủ yếu của công ty là Châu Mỹ (35%), Châu Á (18%), Mỹ (16%), Trung Đông (15%), và EU (8%). Nam Việt gần như không xuất khẩu trực tiếp vào Mỹ mà thông qua công ty con là Biển Đông (Nam Việt nắm 90,08%) được áp thuế chống bán phá giá (CBPG) thấp 0% trong kỳ POR 8. Tuy nhiên, trong đợt xem xét POR 9, mức thuế của Biển Đông là 0,42 USD/kg. Cũng như các DN sản xuất cá tra khác, bằng cách nào đó ANV vẫn tiếp tục xuất khẩu vào thị trường Mỹ mà không bị thuế POR 9 ảnh hưởng.

Trong năm 2013, sản lượng xuất khẩu vào Châu Mỹ (bao gồm Mỹ) tăng 67% so với năm trước nhưng giá trị xuất khẩu và doanh thu thuần lại tăng ít hơn, chỉ đạt là 48% do giá xuất khẩu bình quân giảm dưới áp lực dư cung cá tra Việt Nam. Giá cá nguyên liệu theo đó cũng sụt giảm giúp biên lợi nhuận gộp cải thiện 1 điểm phần trăm. Tuy nhiên, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp biến động theo giá trị xuất khẩu (phần lớn là chi phí thuê tàu, bảo hiểm, thủ tục hải quan, thu nhập nhân viên bán hàng...), tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu tăng 2 điểm phần trăm.

Lợi nhuận từ HĐKD đạt 55,6 tỷ, giảm 14% n/n. Do công ty đẩy mạnh đầu tư vào vùng nuôi 150 ha và nhà máy thức ăn cá tra trong năm 2012 và 2013, tỷ trọng nợ ngắn hạn đã tăng dần trở lại trong 2012 - 2013. Công ty đã ghi nhận lỗ từ hoạt động tài chính 2013 là 50,6 tỷ, trong đó chi phí lãi vay là 68,5 tỷ. Lợi nhuận trước thuế 2013 là 6,8 tỷ, giảm 73% so với năm trước và chỉ đạt 6% kế hoạch năm.

ANV xin gia hạn tổ chức ĐHCĐ 2013 vào cuối tháng 5/2014 và vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về doanh thu và lợi nhuận trước thuế cho 2014. Trước dự báo cá tra thiếu hụt trầm trọng 2014, chúng tôi kì vọng doanh thu xuất khẩu cá tra của ANV sẽ tăng trưởng tốt nhờ có nguồn nguyên liệu tự chủ và giá cá tra xuất khẩu tăng trở lại. Tuy nhiên, áp lực về chi phí lãi vay vẫn là ghánh nặng cho doanh nghiệp. Với EPS 2013 là 96 đồng/cp, ANV đang giao dịch ở PE 94,2x và PB 0,4x.

5. GMD: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Vietcombank (VCBS)

Trong quý I/2014, CTCP Đại lý liên hiệp vận chuyển (GMD - sàn HOSE) có doanh thu thuần đạt 614 tỷ đồng (+8,6% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt gần 40 tỷ đồng (-73% so với cùng kỳ năm ngoái) do công ty không có khoản lợi nhuận đột biến như quý I/2013.

Chúng tôi cho rằng, triển vọng phát triển trong năm 2014 của GMD nằm ở mảng cảng biển và bất động sản và dự phóng doanh thu hoạt động kinh doanh năm 2014 có thể đạt 2.670 tỷ đồng (+5,6% so với năm ngoái), lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 738 tỷ đồng (+260% so với năm ngoái).

Theo đó, EPS forward có thể đạt 4.317 đồng/cp. Theo thị giá hiện tại thì P/E forward ở mức 6x, tương đối thấp. Đồng thời GMD có tiềm năng phát triển mạnh ở lĩnh vực cảng biển, khai thác cao su trong một vài năm tới và tiếp tục duy trì vị thế hàng đầu trong việc cung cấp các dịch vụ vận tải, 3PL Logistics. Do đó với các nhà đầu tư dài hạn chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu GMD.

Doanh nghiệp hướng tới nới room

Doanh nghiệp hướng tới nới room

Cho phép tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp là câu chuyện đã được nhắc tới từ lâu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư