Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hậu quả mưa lũ kỷ lục tại Quảng Ninh
5 tháng để khôi phục sản xuất mỏ than Mông Dương
Hoàng Nam - 03/08/2015 08:36
 
Mông Dương là mỏ hầm lò chịu tổn thất nặng nề nhất của ngành than trong đợt mưa lũ đang diễn biến phức tạp ở Quảng Ninh,

Theo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Công ty than Mông Dương là mỏ hầm lò chịu tổn thất nặng nề nhất của Tập đoàn trong đợt mưa lũ vừa qua.

Toàn bộ khu mặt bằng cửa lò +50 bị bùn đất kín; khu vực kho than, đường mỏ, tầng 1 Nhà điều hành số 1 bị bùn đất lấp kín từ 1 đến 1,6m. Mặc dù được trang bị 3 máy bơm với công suất bơm 6.000m3/h, có đủ khả năng bơm nước khỏi mỏ nhưng lũ về lớn đã làm hỏng một máy bơm từ ngày 29/7.

Được chi viện 2 máy bơm công suất 1.200m3/chiếc để bơm nước ở độ sâu -79,5m từ mỏ Khe Chèm nhưng do nước lũ dồn về lò với lưu lượng lên tới 7.100m3/h nên các máy bơm đã làm việc hết công suất để bảo vệ tầng khai thác từ -79,5m đến -250m. 

Công ty cũng đang tập trung tối đa các phương tiện, thiết bị và nhân lực để cứu mỏ, đặc biệt là bổ sung các máy  bơm, hút tại các khu vực đường lò ngay khi tiếp cận được nhằm đẩy nhanh tiến độ bơm thoát nước, sớm ổn định để tiếp tục sản xuất.

Tuy nhiên do qui mô và mức độ thiệt hại quá lớn, dự kiến phải từ 5 - 6 tháng nữa mỏ than Mông Dương mới có thể khôi phục sản xuất.

Tại Công ty than Hòn Gai, theo dự kiến có thể mất cỡ 1 tháng để hoàn tất việc khắc phục thiệt hại của trận mưa lũ lịch sử.

Tại moong lộ thiên của Công ty than Hòn Gai, lũ đã cuốn một khối lượng đất đá khổng lồ vùi lấp lòng moong; khu vực cửa lò +65 bị bùn đất vùi lấp gây đình trệ sản xuất. Trên các tuyến đường giao thông nội bộ khu vực mỏ 917 , nước lũ đã gây sạt lở nhiều đoạn, khiến việc vận chuyển máy móc, thiết bị cứu hộ hết sức khó khăn. Ngoài ra, hệ thống kè, cống, mặt bằng công nghiệp bị bùn đất vùi lấp đến trên 1m.

Mưa lũ đã làm thiệt hại nặng nề đến sản xuất, đời sống của người lao động và người dân gần khu vực khai trường. Nhiều tuyến đường nội bộ mỏ, tuyến đường chuyên dụng vận chuyển than bị sạt lở, nhiều công trường, đường lò bị ngập cục bộ như moong 917, công trường Cái Đá; mặt bằng công trường Giáp Khẩu, Bắc Bàng Danh. Đặc biệt, tuyến đường vận chuyển than chuyên dụng liên mỏ từ Than Hòn Gai, Hà Lầm ra cảng Làng Khánh,  cấp cho Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh đã bị mưa lũ cuốn trôi toàn bộ hệ thống cống thoát nước dẫn từ suối Hà Lầm làm đứt đoạn 40m đường từ ngày 28/7.

Mặt bằng công nghiệp công trường Giáp Khẩu bị nước, đất đá trôi lấp vào khu vực nhà tắm giặt, sấy, nhà để đồ dùng, dụng cụ, để xe của công nhân. Cũng có khoảng 80 chiếc xe máy bị đất đá vùi lấp.

Để khắc phục, hiện công ty đã tập trung thi công đoạn đường vận chuyển than ra cảng Làng Khánh, huy động thiết bị, nhân công khôi phục đoạn đường cũng như xúc dọn đất đá khu vực mặt bằng công trường Giáp Khẩu.

Tại Công ty than Núi Béo, mưa lớn cũng đã gây sập 150m khoan tại công trường vỉa 14 và 136m khoan tại công trường vỉa 11; sập nhà để máy công cụ; tụt sân bê tông diện tích 100m2; trôi lấp cụm bơm môi trường 30m3/h; sạt lở nghiêm trọng tuyến đường vận chuyển than liên mỏ Hà Lầm, Núi Béo ra ga Lộ Phong; sạt lở bãi thải, tuyến đê chắn chân bãi thải Chính Bắc. Tại một số vị trí bãi thải, ta luy mặt bằng +63 có dấu hiệu tiếp tục sạt trượt, ảnh hưởng đến 18 hộ dân sinh sống phía dưới.

Lãnh đạo Vinacomin cho hay, Tập đoàn đã chỉ đạo các ban liên quan phối hợp với Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam làm việc với Công ty than Mông Dương và các công ty trong vùng để lên phương án sắp xếp bố trí việc làm cho cán bộ công nhân của Mông Dương trong thời gian khắc phục sự cố ngập mỏ, ngừng việc do mưa lũ.

Theo đó, các công ty sẽ phối hợp bố trí lịch khai thác phù hợp để đảm bảo việc làm, đời sống cho người lao động, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng khi mỏ hoạt động trở lại. Tập đoàn cùng các đơn vị đang xây dựng, triển khai phương án hỗ trợ tài chính đối với các đơn vị ngập mỏ, đơn vị bị ảnh hưởng nặng do mưa lũ bị ngừng sản xuất tạm thời chưa có sản phẩm, doanh thu.

Với dự báo, Quảng Ninh tiếp tục có mưa to, mưa rất to cho đến ngày 03/8/2015 và để ứng phó với các đợt mưa lũ trong những ngày tới, từng bước khôi phục sản xuất, Vinacomin đang tăng tốc triển khai các giải pháp.

Đó là giải quyết các điểm nóng có nguy cơ xảy ra sự cố (đập chắn suối 9.8 Đông Cao Sơn, các mỏ hầm lò bị ngập nặng); đối với mỏ than Mông Dương, tăng cường bơm thoát nước, tổ chức ứng cứu không để ngập trở lại mức -100; tiếp tục bơm thoát nước các khu vực mỏ khác để sớm khôi phục sản xuất khi điều kiện cho phép,...

Tranh thủ điều kiện thời tiết khi ngớt mưa tiếp tục sửa chữa các tuyến đường ô tô, đường sắt vận chuyển than và hệ thống tiêu thụ để cấp than trở lại cho các hộ tiêu thụ, nhất là các nhà máy điện; các mỏ than hầm lò tăng cường bơm thoát nước, củng cố đường lò; các mỏ than lộ thiên khôi phục các tầng khai thác, sửa chữa đường giao thông nội mỏ; tiến hành thu dọn mặt bằng sản xuất, sửa chữa thiết bị và các công trình xây dựng, khôi phục sản xuất trong thời gian ngắn nhất.

Tăng cường che phủ bạt, củng cố đê bao các kho than không để trôi than; củng cố kè đập, khơi thông suối thoát nước không để xảy ra sự cố vỡ đê đập chắn đất đá, sạt lở bãi thải; bố trí lực lượng thường trực sẵn sàng ứng phó với các đợt mưa lũ tiếp theo, không để tăng thêm thiệt hại.

Hiện nay, các đơn vị thành viên Vinacomin đang tiếp tục bố trí thiết bị, nhân lực khắc phục hậu quả với tinh thần cao nhất; 24/24 ứng trực tại các vị trí xung yếu đề phòng mưa to tiếp theo; phối hợp với địa phương sẵn sàng di dời dân cư tại các vị trí có nguy cơ cao. 

500 hộ dân ở Uông Bí (Quảng Ninh) tiếp tục bị mưa lũ nhấn chìm
Đêm 1/8, rạng sáng hôm nay, 2/8, trận mưa lớn kéo dài nhiều giờ lại đổ xuống, lũ lớn tiếp tục nhấn chìm 500 hộ dân tại TP Uống Bí.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư