Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
5 yếu tố tác động đến VN-Index
Chí Tín - 31/07/2013 09:09
 
Tuần này, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chính thức ứng dụng hệ thống giao dịch nâng cấp. Tuy nhiên, sức bật của thị trường còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Ông Hang Jin Yun, Giám đốc Khối phân tích thị trường mới nổi (Tập đoàn tài chính KIS, Hàn Quốc) nhận định về 5 yếu tố có thể tác động tới VN-Index thời điểm này.

Với hệ thống giao dịch nâng cấp, năng lực xử lý của hệ thống có thể đạt 20 - 30 triệu lệnh trong một phiên giao dịch, đảm bảo khả năng xử lý lệnh trong cùng một thời điểm đạt ngưỡng 15.000 – 20.000 lệnh/giây (gấp hơn 20 lần năng lực của hệ thống hiện nay).

Hệ thống giao dịch được cải thiện phần nào tạo thêm sức hấp dẫn cho thị trường. Ảnh: Đ.T

Tuy nhiên, theo giới phân tích, cho dù hạ tầng đã được đầu tư tốt, nhưng thị trường có thể phục hồi được hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác.

Ông Hang Jin Yun, Giám đốc Khối phân tích thị trường mới nổi thuộc Tập đoàn tài chính KIS (Hàn Quốc) cho biết, hiện có 5 yếu tố tác động đến VN-Index.

Đó là, động thái của nhà đầu tư nước ngoài, các chính sách vĩ mô của Chính phủ trong 6 tháng cuối năm, động thái tái cơ cấu nền kinh tế, lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết và dòng vốn của nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Theo ông Hang Jin Yun, nhà đầu tư nước ngoài đã có ảnh hưởng lớn đến xu hướng của VN-Index. Có thể thấy, từ tháng 1 đến tháng 5, việc khối ngoại mua ròng đã trở thành động lực chính, khiến chứng khoán Việt Nam đi lên. Ngược lại, từ tháng 6 đến nay, việc khối ngoại bán ròng đã đẩy VN-Index đi xuống.

Trên thực tế, việc khối ngoại “xả hàng” trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ tháng 6 đến nay không phải là tín hiệu quá bi quan, bởi đó cũng là động thái chung của các nhà đầu tư phương Tây tại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Cụ thể, tại thị trường chứng khoán Đài Loan, trong 5 tháng đầu năm 2013, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 3,73 tỷ USD, nhưng sang tháng 6, khối ngoại lại đảo chiều khi bán ròng tới hơn 4 tỷ USD chỉ trong vòng 1 tháng (tháng 6).

Một số thị trường chứng khoán khác ở châu Á cũng chịu tác động tương tự, nhưng ở mức độ nhẹ hơn. Chẳng hạn, thị trường chứng khoán Ấn Độ được khối ngoại mua ròng hơn 15,5 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, nhưng lại bị nhóm này xả hàng tới hơn 1,76 tỷ USD chỉ trong tháng 6…

Ngoài ra, diễn biến lãi suất vẫn đang là thông tin được giới đầu tư quan tâm khi nhìn nhận xu hướng của thị trường trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Lãi suất nếu tiếp tục giảm sẽ khiến dòng tiền có thể sẽ rút bớt khỏi ngân hàng để tìm kênh đầu tư khác. Mặc dù vậy, dòng tiền có tìm đến chứng khoán hay không còn phải phụ thuộc vào lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết.

Ông Nguyễn Xuân Nam, Giám đốc Khối Phân tích và Đầu tư thuộc Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, lãi suất giảm đã tác động khác nhau tới từng nhóm doanh nghiệp, trong đó, các doanh nghiệp sản xuất được hưởng lợi nhiều từ động thái giảm lãi suất do các đối tượng này tiết giảm được đáng kể chi phí tài chính từ việc vay vốn ngân hàng.

Trong thời gian tới, dòng tiền có chuyển dịch vào thị trường chứng khoán hay không còn phụ thuộc vào sự hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán so với các kênh khác.

Dự báo về thị trường chứng khoán thời gian tới, ông Hang Jin Yun nhận định, chỉ số P/E (giá trên thu nhập) bình quân cổ phiếu Việt Nam đang khoảng 12 - mức không cao cũng không thấp. Trong khi đó, các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản… vẫn rất khó sinh lợi nhuận trong bối cảnh hiện nay. Do vậy, giá chứng khoán có thể tăng khoảng 15% trong giai đoạn từ nay đến cuối năm.

VN-Index có thể tăng 15% trong 6 tháng cuối năm
Chiều 26/7, tại Hà Nội, Công ty Chứng khoán KIS và Công ty Tư vấn Đầu tư VietF vừa ra mắt điểm giao dịch trực tuyến tại Tòa nhà Lilama 10, đường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư