Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải
55 lượt đại biểu phát biểu với gần 200 nội dung tại 5 tổ thảo luận
Hạnh Nguyên - 08/12/2022 22:37
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, ngày 7/12/2022, đã có 55 lượt đại biểu phát biểu với gần 200 nội dung tại 5 tổ thảo luận.

Tiếp tục Chương trình tại Kỳ họp thứ 10 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, ngày 8/12/2022, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải tiếp thu, giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu HĐND Thành phố nêu.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho biết, đã có 55 lượt đại biểu phát biểu với gần 200 nội dung tại 5 tổ thảo luận. Về cơ bản, các đại biểu đều thống nhất với các báo cáo, tờ trình của UBND Thành phố Hà Nội, trong đó thống nhất nhận định mặc dù bối cảnh năm 2022 phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động tiêu cực từ diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới cũng như hậu quả của dịch bệnh Covid-19, song với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Thành phố đã đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực.

Hoàn thành 22/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó cả 4 chỉ tiêu kinh tế đều vượt kế hoạch. Kinh tế phục hồi với mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước, đạt cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; các cân đối lớn về kinh tế được đảm bảo. Thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả nổi bật.

UBND Thành phố đã chủ động, quyết liệt, tiếp tục đổi mới trong chỉ đạo, điều hành, xác định và giải quyết công việc có trọng tâm, trọng điểm; đã sớm ban hành và triển khai một số chủ trương, chính sách, văn bản chỉ đạo quan trọng không chỉ cho năm 2022 mà còn triển khai cho cả trung và dài hạn.

Về chỉ tiêu tăng trưởng 7,0% năm 2023, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, căn cứ bối cảnh dự báo tình hình quốc tế còn diễn biến phức tạp và mục tiêu tăng trưởng của cả nước đặt ra là 6,5%, Thành phố xây dựng 3 kịch bản và chọn kịch bản tăng trưởng 7% (gấp 1,08 lần cả nước) là phù hợp bối cảnh và có tính phấn đấu.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải. (Ảnh: Thanh Hải)

Về dự báo nguồn thu của năm 2023, UBND Thành phố Hà Nội đã xây dựng dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2023 theo đúng chính sách, chế độ hiện hành, diễn biến phục hồi của nền kinh tế, đảm bảo thu đúng, thu đủ các nguồn thu của ngân sách Nhà nước, đi đôi với nuôi dưỡng nguồn thu và tập trung phân tích, đánh giá khả năng thực hiện thu ngân sách Nhà nước năm 2022, những tác động ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2023 theo từng địa bàn, từng lĩnh vực thu, từng khoản thu, sắc thuế.

Đối với ý kiến nguồn thu từ đất năm năm 2023, dự kiến còn tiếp tục khó khăn. Phó Chủ tịch Hà Minh Hải cho biết, Thành phố chỉ đạo các quận, huyện, thị xã có giải pháp cụ thể đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất trên địa bàn để tạo nguồn thu, đảm bảo nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. 

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị: cần phải thực hiện nghiêm, khi có nguồn thu mới tổ chức đấu thầu, triển khai thực hiện dự án để tránh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Tiếp tục khai thác nguồn thu, mở rộng cơ sở thu như tập trung vào rà soát lại các hộ kinh doanh, đặc biệt là hộ khoán; quỹ đất, tài sản công, rà soát 404 dự án đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất sau Nghị quyết số 04 của HĐND Thành phố,...

Thành phố tập trung phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông kết nối liên vùng, các tuyến đường vành đai để tạo ra không gian phát triển mới, bố trí sắp xếp lại không gian phát triển mới và tạo ra nguồn lực mới. 

Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng sản xuất kinh doanh: các khu, cụm công nghiệp; trung tâm thương mại, dịch vụ; khách sạn cao cấp; các trung tâm dịch vụ tài chính ngân hàng...

Có nhiều ý kiến của các đại biểu tham gia đều thống nhất đánh giá, nhận định để tăng trưởng nhanh bền vững cần dựa vào khoa học công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với Khoa học công nghệ là lực lượng sản xuất chính; 3 trụ cột gồm chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. 

Đồng thời, chọn chuyển đổi số là động lực phát triển, là một phương thức phát triển mới; Dựa vào nguồn nhân lực chất lượng cao với tư duy, kỹ năng và phương pháp làm việc chuyên nghiệp, khoa học.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị rà soát, bổ sung thêm các chỉ tiêu làm động lực đột phá, để lượng hóa các nhiệm vụ, giải pháp; đặc biệt là các chỉ tiêu thống kê về: hạ tầng số , công nghiệp văn hoá; các chỉ tiêu về văn hóa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… chính quyền đô thị, chính quyền số, Thành phố thông minh…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư