Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 05 năm 2024,
6 chiến thuật phòng ngự - phản công cho doanh nghiệp trong mùa dịch
Nhã Nam - 24/03/2020 21:22
 
Ông Nguyễn Hùng Sơn, Tổng giám đốc FSI đã chia sẻ 6 chiến thuật phòng ngự - phản công cho doanh nghiệp trong mùa dịch, nhằm giúp các doanh nghiệp biến nguy thành cơ.
Ông Nguyễn Hùng Sơn: chủ động hỗ trợ khách hàng chính là hỗ trợ chính mình.
Ông Nguyễn Hùng Sơn: chủ động hỗ trợ khách hàng chính là hỗ trợ chính mình.

Dịch bệnh COVID-19 kéo dài và diễn biến ngày càng phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp lâm cảnh khó khăn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hùng Hơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Phát triển công nghệ FSI cho rằng, nếu biết áp dụng 6 chiến thuật phòng ngự - phản công nhuần nhuyễn, các doanh nghiệp sẽ “biến nguy thành cơ”.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Hùng Sơn, chiến thuật thứ nhất mà doanh nghiệp phải áp dụng là rà soát khối lượng công việc để điều chỉnh nhân sự, chi phí về mức tinh gọn và tối ưu nhất, ít nhất là trong quý tiếp theo.

Ông Sơn cho rằng, trong giai đoạn này, doanh nghiệp có thể xem xét điều chỉnh, cắt giảm, tạm dừng chi phí phát triển thị trường, quảng cáo, tiếp cận khách hàng mới, để đầu tư cho các hoạt động chăm sóc khách hàng chiến lược. 

Thậm chí, chi phí thuê văn phòng nếu thấy không cần thiết vì có thể làm việc online thì cắt luôn. Chi phí hỗ trợ nào mà tạo ra doanh thu thì ưu tiên, còn chi phí dành cho tài sản cố định như ô tô, trang thiết bị cho văn phòng thì tạm thời gác lại.

Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm mỗi doanh nghiệp cần rà soát và tối ưu bộ máy tổ chức, đánh giá nghiêm túc về nhân sự, hiệu quả lao động. 

“Doanh nghiệp có thể tinh giảm những nhân sự làm việc không hiệu quả, thiếu trách nhiệm, không phù hợp văn hoá tổ chức, đồng thời, có thể điều chuyển nhân sự giữa các bộ phận để đảm bảo cân bằng về công việc cho các vị trí, có chính sách để giữ chân nhân tài phù hợp”, ông Nguyễn Hùng Sơn bày tỏ quan điểm.

Chiến thuật thứ hai, đó là tập trung chăm sóc tốt khách hàng hiện có theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, củng cố gắn kết giữa doanh nghiệp và khách hàng.

Theo ông Nguyễn Hùng Sơn, thì một nghiên cứu của Cục Quản lý các doanh nghiệp nhỏ được thực hiện cùng với Phòng Thương mại Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng, chi phí để có được một khách hàng mới tốn gấp 5-7 lần so với chi phí duy trì khách hàng hiện có. 

Trong khi đó, Trường Kinh doanh (Harvard School of Business) cũng đã công bố, cứ tăng tỷ lệ duy trì khách hàng lên 5% thì có thể tăng lợi nhuận lên đến 25% -95%. 

Vì thế, ông Sơn cho rằng, nếu doanh nghiệp có thể ra mắt một sản phẩm mới phù hợp mở rộng khách hàng mới trong thời điểm này, như các gói bảo hiểm sức khỏe chống COVID-19, các sản phẩm khám bệnh online, các sản phẩm giao hàng online…, thì hẵng nghĩ đến việc đẩy mạnh quảng cáo, nếu không hãy tập trung vào việc hoàn thiện các sản phẩm hiện có và chăm sóc tốt tập khách hàng cũ của doanh nghiệp bạn.

“Đây là thời điểm quan trọng để củng cố mối quan hệ giữa doanh nghiệp với khách hàng. Mỗi nhân viên là một đại sứ thương hiệu của công ty”, ông Hùng Sơn nói. 

Bày kế cho doanh nghiệp, ông Sơn cho rằng, thông qua nhân viên của mình, doanh nghiệp hãy thể hiện sự quan tâm, chăm sóc tốt nhất đến khách hàng. Đồng thời, chủ động đưa ra các đề xuất, giải pháp hỗ trợ khách hàng trong khả năng của mình, như chia sẻ kinh nghiệm chống dịch của doanh nghiệp mình, gia hạn thêm một số tiện ích của dịch vụ khách hàng cần mà không tính phí trong giai đoạn này…

Theo ông Sơn, tinh thần làm việc, nỗ lực hết mình vì khách hàng là cơ sở để duy trì lượng đơn đặt hàng tối thiểu trong thời kỳ suy thoái. 

Chiến thuật thứ ba, theo ông Sơn, là liên hệ ngay với các nhà cung cấp, đối tác, thầu phụ trong cùng chuỗi cung xem dịch bệnh làm ảnh hưởng đến luồng giao dịch giữa doanh nghiệp và họ như thế nào để tìm cách ứng phó.

Chiến thuật thứ tư, là tập trung cho đào tạo, huấn luyện nhân sự nâng cao tính chuyên nghiệp và kỷ luật. 

Theo ông Sơn, thì thời điểm này, doanh nghiệp có nhiều thời gian hơn cho hoạt động hoàn thiện bộ máy nội bộ. Do đó, hãy đầu tư nhiều thời gian, công sức cho việc nâng cao chất lượng nhân sự để nhân sự nâng cao kỹ năng, chuyên môn, trình độ, tính chuyên nghiệp và kỷ luật. 

Chiến thuật thứ năm, là lập quỹ tích lũy, dự phòng rủi ro cho doanh nghiệp. Các quỹ dự phòng có thể tham khảo là quỹ dự phòng tiền lương, quỹ dự phòng tiền mặt cho hoạt động kinh doanh trong vòng 6 tháng…

“Tất cả các doanh nghiệp trong lúc phát triển cao nhất đều nắm được về những rủi ro luôn rình rập. Đừng phụ thuộc vào bất kỳ bên thứ ba nào khi khủng hoảng xảy ra. Vì vậy, hãy luôn chuẩn bị các quỹ dự phòng”, ông Nguyễn Hùng Sơn bày tỏ.

Và chiến thuật thứ sáu, chiến thuật cuối cùng, đó là lập ra kịch bản xấu nhất với doanh nghiệp mình và diễn tập cho kịch bản đó.

Theo ông Sơn, thì doanh nghiệp hãy tiến hành phân tích đầy đủ, kỹ lưỡng thách thức, cơ hội, thuận lợi khó khăn của doanh nghiệp mình để đưa ra các kịch bản kinh doanh tương ứng với các kịch bản dịch có thể xảy ra. 

“Mỗi doanh nghiệp nên chuẩn bị cho mình nhiều hơn 3 kịch bản để chủ động ứng phó với dịch bệnh. Và hãy nghĩ đến kịch bản tiêu cực nhất có thể xảy ra, ví dụ như dịch bệnh bùng phát, lây lan mạnh, các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh không có hiệu quả, dẫn đến hệ lụy rất xấu như doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, doanh nghiệp không đủ nguồn vốn đi chi trả lương cho nhân viên..., thậm chí làm doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động nữa, để từ đó không bị bị động nếu nó xảy ra”, ông Sơn nói.

Sau khi có kế hoạch hãy diễn tập nó và tiếp tục điều chỉnh hoàn thiện trước khi áp dụng trên diện rộng.

Đó là những cách mà ông Sơn cho rằng, sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn của giai đoạn hiện nay.

Doanh nghiệp đề nghị cổ đông nâng cao ý thức phòng dịch mùa đại hội
CTCP Nhựa Xanh An Phát (AAA) yêu cầu cổ đôngkhi tham dự phiên họp thường niên sắp tới phải viết cam kết không di chuyển từ vùng dịch về trong vòng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư