Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
6 dự án tỷ đô vào Việt Nam từ đầu năm
Nguyên Đức - 05/10/2013 07:47
 
Với dự án 1,2 tỷ USD của Tập đoàn Samsung, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong năm nay sẽ tiếp tục ghi nhận sự tăng tốc mạnh mẽ. Nghị quyết về FDI và hiệu lực thực thi

Biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư và phát triển hạ tầng giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Công ty Samsung C&T (Samsung Xây dựng và Thương mại) chỉ vừa mới ráo mực, thì Samsung Electro-Mechanics đã chính thức nhận Giấy chứng nhận đầu tư để triển khai dự án sản xuất vi mạch điện tử và linh kiện cho điện thoại di động trong Tổ hợp Công nghệ cao Samsung Thái Nguyên (SEVT).

Samsung chiếm tới một nửa số dự án tỷ USD đầu tư vào Việt Nam
từ đầu năm đến nay

Với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, Samsung Electro-Mechanics là dự án tỷ USD thứ 6 (bao gồm cả dự án tăng vốn) vào Việt Nam kể từ đầu năm tới nay.

Trong 9 tháng đầu năm, vốn FDI vào Việt Nam, cả cấp mới và tăng thêm, đã đạt trên 15 tỷ USD.

Có được kết quả này là nhờ 5 dự án tỷ USD ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bình Định, Thanh Hóa và Hải Phòng. Chỉ 5 dự án này đã chiếm quá nửa (8,3 tỷ USD) tổng vốn FDI cam kết trong 9 tháng qua.

Thành tích của dự án tỷ USD mới nhất sẽ được ghi cho tháng 10/2013. Với chỉ riêng khoản đầu tư này, tổng vốn FDI trong 10 tháng đầu năm sẽ ít nhất đạt con số 16,2 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 10,49 tỷ USD của 10 tháng đầu năm ngoái và vượt xa mục tiêu kế hoạch thu hút vốn FDI đề ra cho năm 2013 (13 - 14 tỷ USD).

Chưa kể, theo nguồn tin của Báo Đầu tư, Samsung còn đang “gối đầu” Dự án Hansol Việt Nam. Vốn đầu tư cho dự án này không quá lớn, chỉ khoảng 150 triệu USD, nhưng đây cũng là một khoản đầu tư không nhỏ, góp phần đưa tổng vốn FDI vào Việt Nam gia tăng mạnh mẽ trong năm nay. Dự án này, theo kế hoạch, có thể đi vào hoạt động ngay trong nửa đầu năm tới, sau khi SEVT dự kiến khánh thành trong quý I/2014.

Bảng thành tích vốn FDI vào Việt Nam trong năm nay sẽ càng sáng sủa hơn nữa, khi Dự án Lọc dầu Vũng Rô sẽ chính thức nhận Giấy chứng nhận đầu tư vào cuối tuần này để nâng vốn đầu tư từ 1,7 tỷ USD hiện nay lên 3,18 tỷ USD; Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị công nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn Amata (Thái Lan), vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD, dự kiến được cấp chứng nhận đầu tư vào cuối năm nay…

Dù không thực sự thích nhắc đến yếu tố bề nổi là Việt Nam thu hút được nhiều dự án FDI tỷ USD, song GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI, cũng đã bày tỏ sự vui mừng khi vốn FDI vào Việt Nam đang trên đà hồi phục. Đặc biệt, theo vị chuyên gia lâu năm về FDI này, điều quan trọng là vốn giải ngân vẫn duy trì khá (9 tháng đạt 8,62 tỷ USD, tăng 6,4% với cùng kỳ năm 2012) và Việt Nam đã thu hút được các dự án lớn của các tập đoàn Samsung, LG…

“Đây là cơ hội để Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của họ, tạo sức lan tỏa cao đối với kinh tế - xã hội Việt Nam”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.

Đánh giá cao sự hồi phục của dòng vốn FDI, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, khi công bố báo cáo 9 tháng đầu năm cũng đã bày tỏ quan điểm rằng, kinh tế vĩ mô đang dần được ổn định và hồi phục chính là lý do khiến các nhà đầu tư nước ngoài lấy lại niềm tin đối với điểm đến Việt Nam.

Trong khi đó, Ngân hàng HSBC cho rằng, nhờ dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh, mà cả sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam đều được cải thiện đáng kể trong 9 tháng qua. “Đây là một tín hiệu tích cực cho quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam, vì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mang lại các công việc có năng suất lao động cao hơn nhằm tận dụng nguồn lực lao động tay nghề thấp của Việt Nam cũng như cân bằng hoạt động đầu tư trong nước còn yếu kém”, Báo cáo của HSBC viết.

Doanh nghiệp FDI: mặt trái tấm huy chương xuất khẩu cao
Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI tiếp tục tăng cao, nhưng sự phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào khiến giá trị gia...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư