Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
6 tháng đầu năm 2023, doanh số của Thực phẩm Sao Ta giảm 20%
Duy Bắc - 03/07/2023 15:30
 
CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC - sàn HoSE) ghi nhận kết quả kinh doanh suy giảm trong 6 tháng đầu năm 2023. Doanh số suy giảm 20%, về 86,7 triệu USD.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, Thực phẩm Sao Ta ước tính doanh số tiêu thụ đạt 86,7 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ. Trong đó, sản xuất tôm đông lạnh đạt 9.402 tấn, giảm 14,1% so với cùng kỳ; sản lượng nông sản đông lạnh ghi nhận 968 tấn, giảm 23,6% so với cùng kỳ.

Công ty cho biết nếu ở 5 tháng đầu năm, doanh số tiêu thụ giảm 30% so với cùng kỳ, nhưng 6 tháng đầu năm chỉ giảm 20% so với cùng kỳ, nguyên nhân do doanh số trong tháng 6 tăng mạnh, đây là điểm sáng của tháng 6 và cũng là khởi đầu giai đoạn tăng tốc về sau.

Về hoạt động nuôi tôm, Thực phẩm Sao Ta cho biết đang thả nuôi khu vực mới (Vinafarm), dự kiến sẽ thả nuôi hoàn tất trong tháng 7 cho cả khu mới và vụ 2 cho khu cũ (Tanafarm). Trong đó, việc thả nuôi khu mới có chậm so với kế hoạch do thiếu nguồn tôm giống sạch bệnh.

Trước đó, trong quý I/2023, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh thu đạt 1.008,44 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế ghi nhận 50,65 tỷ đồng, tăng 11,9% so với thực hiện trong năm 2022. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 8,8%, về còn 8%.

Trong kỳ, biên lợi nhuận gộp giảm 31,4% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 36,77 tỷ đồng, về 80,5 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 10,5%, tương ứng tăng thêm 1,7 tỷ đồng, lên 17,84 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 41,9%, tương ứng tăng thêm 2,55 tỷ đồng, lên 8,64 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 52,9%, tương ứng giảm 43,87 tỷ đồng, về 39,07 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Như vậy, mặc dù lợi nhuận gộp giảm mạnh nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn tăng, nguyên nhân chủ yếu do chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm mạnh.

Trong đó, chủ yếu chi phí bán hàng giảm 65,8% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 45,82 tỷ đồng, về 23,8 tỷ đồng. Được biết, Công ty thuyết minh chi phí bán hàng giảm do chi phí vận chuyển giảm 70% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 39,74 tỷ đồng, về 17,07 tỷ đồng (cùng kỳ 56,81 tỷ đồng)

Như vậy, kết thúc quý đầu năm 2023, Thực phẩm Sao Ta hoàn thành 12,7% so với kế hoạch lợi nhuận năm (kế hoạch lãi 400 tỷ đồng).

Ngành thuỷ sản giảm 27% và xuất khẩu tôm giảm 31% trong nửa đầu năm 2023

Một diễn biến đáng lưu ý khác, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam vẫn thấp hơn 27% so với cùng kỳ, đạt gần 4,2 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt gần 1,6 tỷ USD, thấp hơn 31% so với nửa đầu năm 2022.

Ngoài những khó khăn từ phía thị trường tiêu thụ kém, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm và cá tra bị sụt giảm lợi nhuận vì giá thức ăn, con giống và các chi phí đầu vào tăng cao, giá thành cao, trong khi giá bán hạ mà vẫn khó tiêu thụ, dẫn đến tồn kho càng khiến cho chi phí đội lên…

VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ dần hồi phục trong những tháng tới và có kết quả tốt hơn so với nửa đầu năm, nhờ những tín hiệu khả quan hơn ở các thị trường tiêu thụ, khi lượng tồn kho giảm và bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm và các dịp lễ hội.

Tiếp tục kế hoạch tăng trưởng trong năm 2023

Quay trở lại với Thực phẩm Sao Ta, trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 5.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 400 tỷ đồng, tăng 16% so với thực hiện trong năm 2022.

Trong đó, sản lượng tôm chế biến dự kiến 22.000 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ và sản lượng nông sản chế biến dự kiến 2.000 tấn, tăng 1% so với cùng kỳ.

Được biết, trong năm 2022, Thực phẩm Sao ta ghi nhận doanh số tiêu thụ 226,2 triệu USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ và đạt 98,3% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế ghi nhận 328 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ và đạt 102,5% kế hoạch năm.

Định hướng trong năm 2023, Thực phẩm Sao Ta sẽ cải thiện giá thành sản phẩm thông qua sự nỗ lực xem xét các chi phí, định mức; nỗ lực cơ giới hoá, tự động hoá một số khâu trong dây chuyền chế biến mà thực tế cho phép; sắp xếp tinh giản bộ máy và hợp lý hoá dây chuyển chế biến.

Đối với vùng nuôi tôm, Công ty dự kiến thi công vùng nuôi mới 203 ha và nỗ lực hoàn thiện toàn bộ trong quý II/2023. Sau đó, Công ty sẽ thả nuôi toàn bộ 240 ao làm xong, nâng tổng số lên hơn 600 ao nuôi.

Nhận định về thị trường, Thực phẩm Sao Ta cho biết khó khăn trước mắt là lạm phát, suy thoái, sức tiêu thụ ở các thị trường lớn, sự cạnh tranh tôm mang tính chất quốc tế ngày càng gay gắt, dịch bệnh chưa được khắc phục…

Ngành tôm Việt Nam còn đứng trước khó khăn mới đang diễn ra là xu thế thế giới và người tiêu dùng – đó là sản phẩm tôm không chỉ chú trọng chất lượng, giá cả mà còn phải quan tâm những vấn đề rộng lớn bền vững hơn như sản phẩm thân thiện môi trường và được sản xuất bằng những phương pháp giảm thiểu khí thải. Bên cạnh đó, còn là vấn đề phúc lợi động vật, cụ thể trong nuôi tôm là nuôi tôm nhân đạo với những chuẩn mực có quy định khó rõ ràng…

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/7, cổ phiếu FMC tăng 1.700 đồng lên 44.200 đồng/cổ phiếu.

Năm 2023, Thực phẩm Sao Ta đặt kế hoạch lợi nhuận tăng 16%, lên 400 tỷ đồng
CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC - sàn HoSE) đặt kế hoạch doanh thu 5.900 tỷ đồng, lợi nhuận 400 tỷ đồng và cổ tức tối thiểu 20% trong năm 2023.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư