Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 16 tháng 10 năm 2024,
6 tháng đầu năm, kiều hối về TP.HCM bằng 44,5% năm 2021
T.V - 27/07/2022 08:35
 
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. HCM cho biết, kiều hối chuyển về thành phố 6 tháng đầu năm đạt con số 3,16 tỷ USD, bằng 44,5% so với cả năm 2021.

So với cùng kỳ năm ngoái, kiều hối 6 tháng đầu năm chuyển về TP.HCM giảm khoảng 13%.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM, hai yếu tố chính tác động đến lượng kiều hối chuyển về trong thời gian qua, đó là xung đột Nga – Ukraine và tình hình kinh tế tại một số quốc gia và khu vực trên thế giới gặp khó khăn do lạm phát và giá dầu, giá lương thực tăng cao, thu nhập người lao động tại nước ngoài và tích lũy của kiều bào ảnh hưởng.

Tuy nhiên, nếu đặt trong bối cảnh khó khăn này, lượng kiều hối tiếp tục được chuyển về là kết quả rất quan trọng và có ý nghĩa thiết thực đối với quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.

Kiều hối là một nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam còn gặp khó khăn. Nhờ kiều hối, Việt Nam có thêm nguồn thu ngoại tệ ổn định, góp phần tăng cường dự trữ ngoại hối, cân đối trong cán cân thanh toán thương mại. Mặt khác, kiều hối giúp tạo thêm công ăn việc làm, ổn định đời sống cho người dân thông qua đầu tư, kinh doanh của Việt kiều, đồng thời góp phần cải thiện ngân sách cho nhà ở, y tế, giáo dục...

Năm 2021, theo số liệu được NHNN công bố tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng được tổ chức vào cuối năm, kiều hối về Việt Nam đạt khoảng 12,5 tỷ USD, tăng khoảng 10% so năm 2020. Trong đó, chủ yếu là lượng kiều hối gửi qua các tổ chức tín dụng, công ty kiều hối và qua bưu điện...

Riêng tại TP. HCM, NHNN TP. HCM cho hay, kiều hối hối chuyển về địa bàn TP. HCM qua hệ thống các ngân hàng thương mại và các tổ chức kinh tế trực tiếp nhận và chi trả ngoại tệ năm 2021 đạt 7,1 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020.

Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD nhận định, Việt Nam đứng thứ 8 thế giới và đứng thứ ba trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về lượng kiều hối trong năm 2021. Cũng theo các tổ chức này, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm 2021 ước tính ở mức 18,1 tỷ USD, cao hơn mức 17,2 tỷ USD năm 2020, khi Việt Nam xếp thứ 11 thế giới về lượng kiều hối.

Dự báo, năm 2022, kiều hối tiếp tục tăng khoảng 2,6%, nhất là khi lệnh phong tỏa vì dịch bệnh đã được gỡ bỏ ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế nói chung và kiều hối nói riêng ở quy mô toàn cầu là việc số ca nhiễm Covid-19 vẫn hiện hữu, sự xuất hiện của các dịch bệnh mới, như bệnh đậu mùa khỉ, áp lực lạm phát tăng cao và suy thoái kinh tế. Bên cạnh đó, việc chấm dứt các chương trình kích thích tài khóa và hỗ trợ việc làm khi kinh tế phục hồi cũng có thể giảm lượng kiều hối.

Khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn kiều hối
Kiều hối được đánh giá là nguồn lực bổ sung, quý giá đối với phát triển kinh tế xã hội đất nước, cung cấp nguồn vốn đầu tư trong bối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư