Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
7 doanh nghiệp trúng đấu giá nhập khẩu 109.000 tấn đường
Thế Hoàng - 23/09/2022 15:53
 
7 doanh nghiệp đã trúng đấu giá nhập khẩu 109.000 tấn đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2022 thông qua Phiên đấu giá sáng 23/9/2022.
Bộ Công Thương tổ chức thành công Phiên đấu giá nhập khẩu 109.000 tấn đường năm 2022.(Ảnh: Công thương).
Bộ Công thương tổ chức thành công Phiên đấu giá nhập khẩu 109.000 tấn đường năm 2022.(Ảnh: Báo Công thương).
Sáng 23/9, Bộ Công thương đã tổ chức thành công Phiên phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường theo phương thức đấu giá năm 2022.
Phiên đấu giá được tổ chức với sự tham gia của đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Bia Rượu và Nước giải khát Việt Nam cùng các doanh nghiệp tham gia đấu giá.
Theo đó, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường phân giao theo phương thức đấu giá năm 2022 là 113.000 tấn, gồm 79.000 tấn đường thô và 34.000 tấn đường tinh luyện.

Năm 2022 có 9 doanh nghiệp gửi hồ sơ tham gia đấu giá, tuy nhiên, ngày 21/9/2022, 1 doanh nghiệp xin rút. 8 doanh nghiệp còn lại đảm bảo đủ, đúng các tiêu chí hợp lệ để tham gia Phiên đấu giá.

Trong đó, có 6 doanh nghiệp tham gia đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường thô và 2 doanh nghiệp tham gia đấu giá hạn ngạch thuế quan đường tinh luyện.

Thứ trưởng Bộ Công thương, Trần Quốc Khánh, Chủ tịch Hội đồng phân giao han hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng đường thông qua phương thức đấu giá cho biết, để tổ chức Phiên phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo phương thức đấu giá năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký ban hành Quyết định số 1569/QĐ-BCT ngày 5/8/2022 về việc thành lập Hội đồng phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường thông qua phương thức đấu giá và Quyết định số 1649/QĐ-BCT ngày 22/8/2022 về lượng và thời điểm phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường theo phương thức đấu giá năm 2022.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, ngày 15/6/2021, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan và Quyết định số 1514/QĐ-BCT ngày 01/8/2022 áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía (được nhập khẩu vào Việt Nam từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar).

“Do vậy, thương nhân được phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo phương thức đấu giá năm 2022 nếu nhập khẩu đường có xuất xứ từ Thái Lan vẫn phải chịu thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức theo Quyết định số 1578/QĐ-BCT, nếu nhập khẩu từ các nước có tên trong Quyết định số 1514/QĐ-BCT vẫn phải chịu thuế chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại”. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lưu ý các thương nhân tham gia đấu giá lưu ý, cân nhắc để có quyết định phù hợp.

Kết quả, tại phiên đấu giá, 7 doanh nghiệp trúng đấu giá 109.000 tấn đường nhập khẩu năm 2022. Trong đó, có 5 doanh nghiệp trúng đấu giá nhập khẩu đường thô và 2 doanh nghiệp trúng đấu giá nhập khẩu đường tinh luyện. 

Cụ thể, 2 doanh nghiệp trúng đấu giá nhập khẩu hạn ngạch thuế quan 30.000 tấn đường tinh luyện gồmCông ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam: 20.000 tấn; Công ty TNHH Nước giải khát Cocacola Việt Nam: 10.000 tấn.

5 doanh nghiệp trúng đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 79.000 tấn đường thô gồm: Công ty Cổ phần Đường Việt Nam: 20.000 tấn; Công ty Cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa: 20.000 tấn; Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Biên Hòa: 20.000 tấn; Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa: 14.167 tấn và Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi: 4.833 tấn.

Phiên phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo phương thức đấu giá được Bộ Công thương tổ chức lần đầu vào năm 2016.  Năm ngoái, 7 doanh nghiệp đã trúng thầu nhập khẩu 107.000 tấn đường. Năm 2020, Hội đồng đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường không tổ chức Phiên đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường do không có thương nhân đăng ký tham gia.

Lập nhà máy sản xuất rồi nhập khẩu lượng lớn xe nguyên chiếc để bán
Có nhà máy sản xuất tại Việt Nam nhưng lượng xe nguyên chiếc nhập khẩu (CBU) được bán ra chiếm tỷ trọng lớn tại nhiều doanh nghiệp ô tô,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư