Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
7 tháng, gần 280 triệu USD đầu tư ra nước ngoài
Hà Nguyễn - 26/07/2018 17:17
 
Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn con đường chinh chiến ở xứ người. Thế nên, trong 7 tháng đầu năm, các doanh nghiệp Việt đã đăng ký đầu tư ra nước ngoài gần 280 triệu USD.

Số liệu được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, trong 7 tháng đầu năm 2018, cả nước có 81 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam 238,33 triệu USD.

Ngoài ra, còn có 21 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam tăng thêm 41,3 triệu USD. Như vậy, tính chung trong 7 tháng năm 2018, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 279,63 triệu USD.

.
.

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 7 tháng qua, lĩnh vực tài chính - ngân hàng dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 105,77 triệu USD, chiếm 37,8% tổng vốn đầu tư.

Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đứng thứ hai với 63,84 triệu USD và chiếm 22,8% tổng vốn đầu tư; công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ 3 với 45,47 triệu USD, chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư. Còn lại là các dự án thuộc các lĩnh vực khác.

Trong 7 tháng năm 2018, Việt Nam đã đầu tư sang 32 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Lào là địa bàn dẫn đầu với 84 triệu USD, chiếm 30% tổng vốn đầu tư. Australia xếp thứ 2 với 37,1 triệu USD, chiếm 13,3% tổng vốn đầu tư. Với 1 dự án có vốn đầu tư Việt Nam là 35,93 triệu USD, Slovakia xếp thứ 3 và chiếm 12,9% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Campuchia, Cuba, Myanmar.

Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam chính là lý do khiến luồng vốn đầu tư ra nước ngoài không ngừng tăng lên. Đặc biệt, trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, rất nhiều ngân hàng đã lựa chọn đầu tư ra nước ngoài để “đón đầu” cơ hội, phục vụ cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

Trong số các ngân hàng, BIDV là ngân hàng tiên phong trong việc liên doanh, thành lập công ty con, ngân hàng con tại nước ngoài. Nhà băng này hiện có 6 văn phòng đại diện tại nước ngoài, bao gồm Campuchia, Myanmar, Lào, Séc, Đài Loan và Liên bang Nga.

VietinBank hiện có 2 chi nhánh tại Đức, 1 văn phòng đại diện tại Myanmar và 1 ngân hàng 100% vốn tại Lào. Trong khi đó, Vietcombank hiện có 1 văn phòng đại diện tại Singapore, 2 công ty con tại nước ngoài (Công ty Vinafico Hongkong và Công ty chuyển tiền Vietcombank) và 1 ngân hàng con tại Lào mới được thành lập.

Ngoài các “ông lớn” nhà nước, thì một số ngân hàng tư nhân như Sacombank, SHB cũng đã đầu tư ra nước ngoài. 

Trong khi đó, Viettel, TH, Hoàng Anh Gia Lai, FPT… là những doanh nghiệp đầu tư lớn ở nước ngoài. FPT mới đây đã quyết định chi 30 triệu USD để mua 90% cổ phần của Công ty Intellinet (Mỹ). Tổng giá trị của thương vụ này có thể lên tới 50 triệu USD, nếu trong vòng 3 năm tới, Intellinet làm ăn có lãi lớn.

Đầu tư ra nước ngoài: Khai phá thị trường mới
Ngoài các thị trường truyền thống như Lào, Campuchia, Myanmar…, doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu xu hướng tìm kiếm các thị trường mới để...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư