Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
9 cổ phiếu cần quan tâm ngày 5/12
Thanh Thuý - 05/12/2014 07:00
 
Đầu tư trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 5/12 của các công ty chứng khoán.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
HOSE sắp đón tân binh ngành dây cáp
KDC: Bán mảng bánh kẹo, nghĩ cách tiêu gần 7.850 tỷ đồng
NDF đầu tư 56 tỷ chế biến thực phẩm sạch

1. VOS: Đánh giá thấp triển vọng kinh doanh

CTCK MB (MBS)

VOS công bố kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2014. Theo đó, doanh thu đạt mức 1.575 tỷ đồng, giảm 2,4% so với cùng kỳ và ghi nhận khoản lỗ là 24,9 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh chính của Công ty là vận tải ven biển. Trong 3 năm gần đây, tình hình kinh doanh của VOS gặp khó khăn do cạnh tranh ác liệt trong lĩnh vực vận tải biển khiến giá cho thuê tàu giảm mạnh.

VOS phải thực hiện bán các tàu biển đang hoạt động thiếu hiệu quả, tiết giảm chi phí trung gian song vẫn không thể thoát lỗ trong 9 tháng đầu năm 2014 do áp lực chi phí lãi vay lớn.

Nợ vay chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tài sản (70%), khả năng thanh toán thấp 0,6 lần. Hệ số sử dụng tài sản ở mức thấp 0,45 phản ánh hiệu quả kinh doanh của VOS không tốt.

VOS đang trình bán tàu Diamond với giá bán dự kiến khoảng 4,1 triệu USD. Nếu tìm được đối tác và tỷ giá cuối năm tiếp tục ổn định sẽ thu về khoảng 87 tỷ đồng. Theo đó VOS có thể thoát lỗ năm 2014 và tránh nguy cơ hủy niêm yết do 3 năm lỗ liên tiếp.

Chỉ số BDI hiện ở mức 1.119 điểm, tăng từ mức 750 điểm vào tháng 7/2014. Theo VOS do tình hình vận tải biển vẫn đang gặp khó khăn nên doanh nghiệp tiết giảm chi phí ở mức tối đa và giữ cho điểm hòa vốn tương đương với chỉ số BDI khoảng 1.000 điểm. Với số BDI như hiện nay VOS vẫn hoạt động gần như không có lãi.

Chúng tôi đánh giá VOS sẽ bán được tàu Diamond và thoát lỗ trong năm nay song chúng tôi vẫn đánh giá rất thấp triển vọng kinh doanh của Công ty.

2. LIX: Mức giá hợp lý 35.000 đồng/CP

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Kết quả kinh doanh 9 tháng 2014, LIX đạt doanh thu 1.260 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kì năm ngoái. Hoạt đông kinh doanh của LIX có thể chia thành 4 mảng: kinh doanh sản phâm LIX ở thị trường trong nước, sản xuất hàng mang thương hiệu riêng cho các siêu thị, hàng xuất khẩu và hoạt động gia công cho đối tác Unilever. Trong 9 tháng vừa qua, tất cả mảng kinh doanh đều tăng trưởng tốt so với năm trước ngoại trừ phần xuất khẩu cho thị trường Nhật.

Tăng trưởng tốt nhât là mảng kinh doanh thương hiệu LIX ở thị trường nôi địa, trong đó mặt hàng chất tẩy rửa lỏng của LIX đạt mức tăng trưởng cao trên 20%. Ngoài ra, hoạt động gia công cho đối tác Unilever cũng gia tăng sản lượng mạnh hơn 70% và tỷ trọng đóng góp trong doanh thu ước tính ở mức 7%.

Biên lợi nhuận gộp tăng từ 18% 9 tháng 2013 lên mức 19,4% tuy nhiên do chi phí bán hàng tăng mạnh 59% so với cùng kỳ nên Công ty chỉ duy trì ở con số 54 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tương đương với lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2013. So với kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế của 9 tháng 2014 đã hoàn thành 75% kế hoạch lợi nhuận 2014.

Ước tính kết quả kinh doanh năm 2014. Với tình hình tiêu thụ các sản phẩm mang thương hiệu LIX khả quan và hoạt động gia công tăng mạnh, ước tính doanh thu của cả năm 2014 sẽ đạt khoảng 1.680 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2013.

Những nguyên liệu sản xuất chính của Công ty có nguồn gốc từ dầu mỏ như LAS và bao bì nhựa luôn chiếm tỷ trọng cao, khoảng 70% giá thành sản phẩm của LIX, do đó tương quan với xu hướng giảm của giá dầu mỏ trong nửa cuối năm, giá nguyên liệu đầu vào của LIX cũng sẽ giảm tuy nhiên yếu tố tích cực này mới chỉ phản ánh rất ít vào lợi nhuận công ty trong năm 2014. Lợi nhuận sau thuế ước tính hoàn thành mục tiêu kế hoạch đạt 72 tỷ đồng tăng 6% so với năm 2013.

Bối cảnh kinh doanh chung trong năm 2015 có rất nhiều thách thức cho các công ty ngành hàng tiêu dùng trong nước nói chung và LIX nói riêng.

Theo lộ trình cắt giảm thuế quan của hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, đến năm 2015 hầu hết các mặt hàng đều giảm thuế về 0% do đó khả năng sản phẩm của các nước trong khu vực sẽ cạnh tranh mạnh với các sản phẩm trong nước.

Năm 2015 cũng là năm các doanh nghiệp (DN) bán lẻ nước ngoài sẽ được đầu tư 100% vốn tại Việt Nam (theo cam kết WTO) từ đó các sản phẩm nhập khẩu cũng theo hệ thống kênh bán lẻ này tràn vào thị trường trong nước.

Các yếu tố này không chỉ tác động trực tiếp đến kinh doanh sản phẩm mang thương hiệu LIX mà còn tác động gián tiếp đến Công ty thông qua hoạt động kinh doanh của các đối tác. Đầu ra của LIX trong năm 2015 dường như không mấy thuận lợi tuy nhiên với nền tảng hệ thống phân phối hiện có và việc triển khai thêm 3 dòng sản phẩm mới (sữa tắm, nước rửa tay và dầu gội), mở rộng hệ thống phân phối và thị trường xuất khẩu dự kiến LIX vẫn có thể vừa bù đắp phần sụt giảm và tăng doanh thu khoảng 3%.

Về các yếu tố đầu vào, LIX có thể có được nhiều thuận lợi hơn. Trong xu hướng giá dầu tiếp tục dự đoán sẽ giảm trong năm 2015, giá các nguyên liệu đầu vào cũng sẽ giảm giúp Công ty cải thiện về biên lợi nhuận tốt hơn.

Trong năm 2015, LIX sẽ triển khai việc xây dựng nhà máy phía Bắc tại KCN VSIP Bắc Ninh. Ngoài việc phục vụ việc di dời nhà máy hiện có tại Hà Nội, LIX cũng dự kiến sẽ đầu tư mở rộng thêm công suất tại nhà máy mới để phục vụ cho mục tiêu mở rộng thị trường phía Bắc của LIX và giúp Công ty tăng sản lượng gia công cho đối tác Unilever.

Ngoài ra, với khu đất tại nhà máy cũ có vị trí khá phù hợp cho phát triển dự án khu dân cư, có thể LIX sẽ nhận được một khoản tiền hỗ trợ cho việc từ bỏ quyền thuê từ một đối tác phát triển bất động sản. Tuy nhiên, theo chúng tôi đánh giá, khoản hỗ trợ này nếu có cũng không đủ cho việc đầu tư nhà máy mới nhưng dự kiến khoản hỗ trợ nếu có này cũng sẽ là một phần thu nhập bất thường đáng kể đối với LIX.

Đối với các hoạt động kinh doanh chính của Công ty, chúng tôi dự phóng doanh thu năm 2015 sẽ ở mức 1.733 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 80 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và 11% so với năm 2014. Tương ứng với EPS năm 2015 là 3.709 đồng/CP.

Khuyến nghị đầu tư:

Trong ngắn hạn năm 2015, mặc dù LIX có nhiều khó khăn tuy nhiên nhờ điểm sáng về giá nguyên liệu giảm nên lợi nhuận năm 2015 ước tính tăng trưởng ở mức 11% so với năm 2014 tương ứng với PE 2015 khoảng 8,5 lần. Ở mức PE này chúng tôi đánh giá vẫn khá thấp so với một doanh nghiệp có năng lực sản xuất lớn nhất tại Việt Nam hiện nay và có các yếu tố cơ bản tốt. Mức giá hợp lý cho LIX ước tính khoảng 35.000 đồng/CP tương ứng với PE 9,5 lần (EPS 2015). Ngoài ra, chúng tôi còn kỳ vọng vào khả năng LIX sẽ có một khoản lợi nhuận bất thường để tạo động lực tăng giá cổ phiếu trong năm 2015.

3. VIP: PB đang giao dịch ở mức cao nhất trong lịch sử

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Vận tải Xăng dầu VIPCO (VIP) vừa công bố Nghị quyết HĐQT ngày 03/12/2014 với những thông tin tích cực sau:

(1) Tạm ứng cổ tức tiền mặt cho 2014 mức 2.500 đồng/CP, tương đương với tỷ suất cổ tức hấp dẫn, khoảng 14%. Dự kiến ngày đăng ký cuối cùng là 19/12/2014. Mức chi trả này cao hơn rất nhiều so với kế hoạch trước đây là tối thiểu 12%, trong đó 10% chi trả bằng cổ phiếu.

(2) Điều chỉnh tăng 47% và 5,7 lần kế hoạch tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế 2014, tương ứng đạt lần lượt 1.086 và 262 tỷ đồng.

Nhắc lại, do e ngại tình hình thị trường vận tải sẽ còn khó khăn trong 2014, tại ĐHCĐ TN 2014, VIP đã thông qua kế hoạch kinh doanh khá thận trọng cho 2014 với doanh thu và lợi nhuận trước thuế là 736 tỷ đồng và 32 tỷ đồng, giảm khoảng 6% so với kết quả 2013 (đã loại trừ khoản thu nhập bất thường từ việc chuyển nhượng cảng Nam Hải Đình Vũ trong 2013).

Tuy nhiên, nhờ cảng container Đình Vũ VIPCO đã được chuyển nhượng trong quý III/2014 vừa qua, khả năng việc ghi nhận doanh thu và lợi nhuận bất thường khoảng 385 và 209 tỷ đồng từ thương vụ này sẽ được thực hiện trong quý IV/2014. Do vậy, việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh này không tạo nhiều bất ngờ.

Hoạt động kinh doanh chính vẫn còn khó khăn. Đội tàu của VIP (gồm 5 tàu với tổng trọng tải 145.000 DWT) hiện chủ yếu được cho thuê định hạn thay vì chạy tuyến nên doanh thu thấp hơn (hợp đồng chạy tuyến doanh thu sẽ bao gồm cả chi phí nhiên liệu) khiến doanh thu 9 tháng năm 2014 của VIP giảm 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 525,9 tỷ đồng.

Biên lợi nhuận gộp 9 tháng năm 2014 cũng thu hẹp đáng kể, gần 5 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái do các tàu đi vào sửa chữa định kỳ làm phát sinh chi phí. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế 9 tháng 2014 của VIP chỉ giảm khoảng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 24,2 tỷ đồng và thấp hơn mức giảm của doanh thu.

Điều này là nhờ: (1) chi phí tài chính ròng giảm (chủ yếu là chi phí lãi vay giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái); và (2) thuế suất thuế TNDN bình quân giảm. Lưu ý, nếu không loại trừ khoản thu nhập bất thường (gần 150 tỷ đồng) từ việc chuyển nhượng cảng Nam Hải Đình Vũ trong quý I/2013, thì lợi nhuận sau thuế 9 tháng 2014 giảm đến 82,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cập nhật tiến độ các dự án khác:

(1) Dự án toà nhà VIPCO Tower 37 Phan Bội Châu (gồm 26 tầng) đã thi công đến tầng 15, do thị trường khó khăn và công ty chưa cân đối được nguồn lực nên đã tạm dừng thi công từ tháng 3/2013. Hiện công ty đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng phần thô đồng thời tìm kiếm đối tác để chào bán dự án này. Theo chúng tôi, khả năng việc chuyển nhượng sẽ được thực hiện sớm nhất là trong 2015.

(2) Dự án cảng mới - Cảng Xanh VIP (VIP Greenport) đã được động thổ vào ngày 11/11/2014. Như dự báo trước đây của chúng tôi, cảng Container Đình Vũ VIPCO đã được lựa chọn cho dự án mở rộng hoạt động cảng tại Hải Phòng của VSC.

Trong tháng 10/2014, VIP cùng với VSC tham gia góp vốn thành lập CTCP Cảng Xanh VIP (VIP Greenport - công ty mua lại dự án cảng Container Đình Vũ VIPCO) để tiến hành xây dựng và khai thác dự án cảng này. CTCP Cảng Xanh VIP có vốn điều lệ 450 tỷ đồng, trong đó VSC và VIP nắm lần lượt 65% và 30%.

Dự án được xây dựng trên diện tích đất khoảng 15ha, bao gồm 2 cầu bến dài 477m/cầu, có khả năng tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn (30.000 DWT) và công suất ước tính khoảng 350 - 400 ngàn teu/năm.

Tổng kinh phí đầu tư là 1.300 tỷ đồng (trong đó chi phí xây lắp và mua sắm máy móc khoảng 950 tỷ đồng), 80% được tài trợ bằng vốn vay. Thời gian dự kiến đi vào hoạt động của 2 cầu bến lần lượt là cuối năm 2015 và trong quý III/2016.

Đánh giá. Mặc dù với kết quả 9 tháng năm 2014, VIP chỉ mới hoàn thành được 48,4% và 11,8% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận mới. Tuy nhiên, nếu việc ghi nhận các khoản thu nhập từ thương vụ chuyển nhượng cảng Container Đình Vũ VIPCO được thực hiện trong quý IV/2014 thì khả năng VIP vẫn đạt được kế hoạch mới này. Theo đó, cổ phiếu VIP đang giao dịch ở mức 4,4 lần PE2014, thấp hơn đáng kể so với mức 11 lần bình quân ngành. Ngoài ra, tỷ suất cổ tức hấp dẫn cũng là một điểm cộng. Do vậy, trong ngắn hạn, chúng tôi thiêng về hướng đánh giá tích cực hơn đối với cổ phiếu VIP. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, ít nhất là đến hết 2015, chúng tôi vẫn chưa thể lạc quan hơn về hoạt động kinh doanh chính của VIP khi mà mảng vận tải biển vẫn chưa thật sự có dấu hiệu phục hồi. Xét về chỉ số PB, VIP đang giao dịch ở mức cao nhất trong lịch sử, khoảng 1,2 lần, so với mức 1 lần bình quân ngành.

4. GAS: PE đang giao dịch ở mức 11,6 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

cổ phiếu cần quan tâm, GAS

Tạm ứng cổ tức đợt 2/2014. GAS thông báo tạm ứng đợt 2 cổ tức cho năm 2014 với tỷ lệ là 18% mệnh giá (1.800 đồng/CP). Ngày đăng ký cuối cùng là 17/12/2014 và ngày thực hiện là ngày 07/01/2015. Lưu ý, GAS đã tạm ứng đợt 1 là 15% trong tháng 9 vừa qua). GAS đặt kế hoạch cổ tức 2014 là 33% (3.300 đồng/CP), lợi tức cổ tức 3,8%. Việc chia cổ tức đợt 2/2014 là hoàn toàn khả thi do tính đến cuối tháng 9/2014, GAS đang giữ lượng tiền mặt khá lớn là hơn 16,8 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 8.880 đồng/CP. Tỷ lệ cổ tức/EPS ở mức hợp lý gần 50%.

Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm nhẹ 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu thuần quý III/2014 của GAS tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 19.606 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế quý III/2014 của cổ đông công ty mẹ giảm nhẹ 1,3%, xuống còn 2.951 tỷ đồng là do biên gộp thu hẹp từ mức 24% trong quý III/2013 xuống chỉ còn 27,6% trong quý III/2014. Ngoài ra thu nhập tài chính ròng giảm 13,9% xuống chỉ còn 163,8 tỷ đồng do lỗ tài chính chưa thực hiện. Lũy kế 9 tháng năm 2014, doanh thu thuần tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 54.373 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng năm 2014 giảm 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 9.337 tỷ đồng.

Triển vọng tăng trưởng tốt. GAS đang đầu tư mở rộng hệ thống đường ống nhằm tăng công suất vận chuyển khí. Tiến độ các dự án:

- Nam Côn Sơn 2, giai đoạn 1: GAS xây dựng 1 đường ống từ mỏ Thiên Ưng đến hệ thống đường ống của mỏ Bạch Hổ. Dự án kỳ vọng sẽ hoạt động vào tháng 7/2015, tăng thêm khoảng 70 triệu m3 khí trong năm 2015 trước khi đạt công suất thiết kế 500 triệu m3 khí/năm trong 2 năm sau. Tổng vốn đầu tư 400 triệu USD.

- Hàm Rồng - Thái Bình: Dự kiến hoàn thành trong quý III/2015 với 60 tỷ m3 khí cho năm 2015 trước khi đạt công suất thiết kế 200 triệu m3 khí/năm.

- Dự án kho chứa 1 triệu tấn LNG nhập khẩu tại Thị Vải. Dự kiến hoạt động kể từ 2018.

- Dự án Block B - Ômôn. Vẫn đang chờ các dự án thượng nguồn.Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia Việt Nam (PVN) sẽ xem xét thoái bớt vốn tại GAS. Hiện Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia Việt Nam (PVN) sở hữu 97% vốn tại GAS. Theo kế hoạch, PVN sẽ xem xét giảm tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 75%. GAS cũng sẽ chủ động tìm cổ đông chiến lược để cùng thực hiện chiến lược đã được thông qua, nhất là tập trung mảng khai thác mỏ khí. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chúng tôi vẫn chưa có thông tin về việc tổ chức nào sẽ mua phần vốn do PVN thoái vốn.

Định giá. Hiện GAS đang giao dịch tại P/E ex cash 11,6 lần, trung bình ngành trong khu vực là 16,7 lần.

5. FPT: Khuyến nghị tích lũy trong dàu hạn

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Chúng tôi vừa phát hành báo cáo tóm tắt cập nhật tình hình kinh doanh của CTCP FPT tính đến tháng 10 năm 2014 và đưa ra khuyến nghị “Tích Lũy” trong Dài hạn với giá mục tiêu là 61.087đồng/CP.

Chuyên viên ngành cho rằng, tốc độ tăng trưởng doanh thu của công ty 10 tháng đầu năm đã vượt dự báo do được hỗ trợ bởi xu hướng tích cực từ mảng kinh doanh phân phối và bán lẻ sản phẩm CNTT.

Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của Tập đoàn giảm từ mức trên 20% của năm 2013 xuống còn 18,6% trong 10 tháng đầu năm 2014 do khó khăn của mảng CNTT và các chi phí quang hóa hạ tầng của mảng viễn thông.

Chuyên viên phân tích điều chỉnh dự phóng tăng trưởng doanh thu 2014 lên khoảng 24,6% (dự phóng ban đầu là 20%), tổng doanh thu thuần theo đó đạt khoảng 33.672,2 tỷ đồng.

Tuy vậy, lợi nhuận trước thuế dự báo thấp hơn kế hoạch một chút và đạt 2.574,8 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế theo đó đạt 1.675,7 tỷ đồng và EPS pha loãng tương ứng là 4.873 đồng.

Với mức giá đóng cửa ngày 03/12 là 48.200 đồng, FPT đang được giao dịch ở mức P/E 9,9x. Nhà đầu tư có thể tìm hiểu chi tiết các dự báo năm 2015 và cập nhật một số mảng hoạt động quan trọng của FPT trong báo cáo.

6. TCL: Đang có những bước đi tích cực

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Thời gian qua, các ngành BĐS và dầu khí tốn khá nhiều giấy mực của các chuyên viên phân tích cũng như thu hút không ít sự quan tâm của Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Trong khi các nhóm cổ phiếu này đang chững lại, RongViet Research nhận thấy các doanh nghiệp thuộc ngành Cảng và Logistics, đang lặng lẽ có những bước đi tích cực, điển hình là CTCP Đại lý giao nhận Vậv tải Tân Cảng (TCL-HSX).

Sau một buổi tiếp xúc gần đây, chuyên viên ngành của chúng tôi rất ấn tượng kết quả kinh doanh của TCL qua sự chia sẻ cởi mở của đại diện Công ty.

Điểm nổi bật của TCL nằm ở sự tăng trưởng khá ổn định về doanh thu và hiệu quả qua các năm của những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi như Dịch vụ xếp dỡ container và Khai thác Depot, vốn dang đóng góp gần 85% doanh thu của Công ty.

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014 của TCL khá ấn tượng với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng lần lượt 21,1% và 32% so với cùng kỳ. Trong năm nay, nhằm nâng cao công suất cho dịch vụ xếp dỡ container tại cảng Cát Lái , TCL đã đầu tư mới 2 cẩu RTG 6+1với tổng vốn đầu tư là 66,28 tỷ đồng. Đồng thời, Công ty cũng đưa vào khai thác thêm 21.205 m2 bãi container hàng tại cảng Tân Cảng Cát Lái, góp phần làm tăng mạnh doanh thu của dịch vụ depot đến tháng 9/2014 (+65,5% so với cùng kỳ).

Trong quý cuối năm, TCL sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc tăng trưởng mạnh của hoạt động xuất nhập khẩu và sản lượng container thông qua khu vực cảng Cát Lái. Tính chung cả năm 2014, sản lượng hàng hóa qua cảng Cát Lái ước đạt 3,6 triệu Teus, tăng 12,5% so với 2013.

Ngoài ra, hoạt động xếp dỡ tại khu vực cảng Tân cảng-Nhơn Trạch cũng được cải thiện với sản lượng hàng hóa trong năm 2014 dự kiến tăng 37,8% so với 2013.

Với định hướng phát triển thành ICD Tân Cảng Nhơn Trạch có khả năng phục vụ khu vực có lượng hàng hóa XNK cao, TCL sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 4ha nâng tổng diện tích bãi sử dụng lên 5,2ha và tăng công suất xếp dỡ bằng việc đưa vào khai thác thêm 1 cẩu Liebherr với trọng tải 40 tấn.

Hiện tại, cảng TC-Nhơn Trạch chỉ mới trong giai đoạn đầu hoạt động. Tuy nhiên, về dài hạn, khi KCN Nhơn Trạch được lấp đầy và các cụm công nghiệp xung quanh hình thành, cảng này sẽ là đầu mối vận chuyển hàng hóa giữa Đồng Nai với Tp.HCM và các tỉnh thành khác. Việc đầu tư mở rộng ngay từ bây giờ đem lại lợi thế để TCL khai thác tối đa tiềm năng logistics ở khu vực này.

Là công ty con trực thuộc TCT Tân Cảng Sài Gòn và hoạt động chủ yếu ở khu vực cảng Cát Lái, cảng hiện đang với chiếm gần 80% sản lượng hàng hóa thông qua cảng ở miền Nam, TCL có thuận lợi lớn để duy trì doanh thu và lợi nhuận ổn định.

Việc đầu tư nâng công suất xếp dỡ, diện tích depot và mở rộng địa bàn hoạt động sang các tỉnh thành khác như Đồng Nai, Bình Dương và Hải Phòng sẽ giúp TCL nắm bắt cơ hội tăng trưởng của ngành logistics Việt Nam khi các Hiệp định thương mại như FTA - EU và TPP được ký.

7. PSB: Khuyến nghị mua vào

CTCK APEC (APS)

Chúng tôi định giá mỗi cổ phiếu của CTCP Đầu tư Dầu khí Sao Mai - Bến Đình (PSB - sàn UPCoM) ở mức 9.350 đồng. Thị giá của PSB trên sàn giao dịch là 5.700 đồng. Do đó chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư mua cổ phiếu này với lợi nhuận kỳ vọng 64% và tầm nhìn đầu tư 1 năm.

* Điểm nổi bật:

PVSB có giá trị tài sản trên mỗi cổ phiếu cao hơn gần gấp đôi so với thị giá hiện nay. Do vậy, đây là cơ hội đầu tư rất an toàn. Hơn nữa, tiềm năng phát triển của Công ty trong tương lai hứa hẹn sẽ đem lại lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư.

Vị trí địa lý thuận lợi của căn cứ cảng Sao Mai - Bến Đình yếu tố ủng hộ cho hoạt động của PVSB. Căn cứ nằm trong khu vực bể Cửu Long, khu vực khai thác dầu khí lớn nhất của Petrovietnam hiện nay. Trong khu vực này có 4 mỏ chính đang khai thác là Hồng Ngọc, Rạng Đông, Bạch Hổ và Rồng. Ngoài ra, còn có nhiều phát hiện dầu khí khác tại khu vực này.

Quan hệ cổ đông chiến lược sẽ giúp cho PVSB phát triển thuận lợi và vững chắc các hoạt động dịch vụ dầu khí của mình. Cổ đông lớn nhất của Công ty là PTSC, một doanh nghiệp lớn và nổi tiếng trong ngành dịch vụ kỹ thuật dầu khí của Việt Nam

* Điểm hạn chế:

So với lợi nhuận gộp, chi phí quản lý doanh nghiệp cua PVSB đang ở mức rất cao. Đây là điểm bất hợp lý lớn nhất trong hoạt động của Công ty. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp đã giảm gần 30% trong năm 2013, một tín hiệu tốt từ Ban lãnh đạo của Công ty.

PVSB hiện có năng lực kinh doanh căn cứ cảng và dịch vụ dầu khí bị hạn chế. Công ty có tốc độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển chậm. Theo quy hoạch, khu căn cứ Sao Mai - Bến Đình có tổng diện tích 163,3 ha nhưng sau gần 7 năm hoạt động PVSB mới chỉ đầu tư san lấp được gần 63 ha đất.

Hoạt động cho thuê cơ sở hạ tầng của PVSB không đem lại doanh thu và lợi nhuận cao. Nguyên nhân là do hai khu cảng của Công ty được đầu tư xây dựng với mục đích chủ yếu là phục vụ ngành dầu khí, yếu tố lợi nhuận không được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo của PVSB đã khẳng định yếu tố lợi nhuận sẽ được quan tâm hàng đầu trong những dự án tiếp theo của Công ty.

8. KDC: Khuyến nghị trung lập

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Một số nội dung chính từ ĐHCĐ bất thường KDC tổ chức ngày 01/12/2014

* Hoàn tất quá trình tái cơ cấu hoạt động kinh doanh của Công ty.

Tính đến hết tháng 11/2014, KDC đã hoàn tất quá trình sắp xếp lại các mảng hoạt động kinh doanh của Công ty. Theo đó, cơ cấu của công ty sau khi sắp xếp lại toàn bộ mảng kinh doanh bánh kẹo sẽ tập trung vào CTCP Kinh Đô Bình Dương (BKD). Giá trị sổ sách của hai công ty BKD và NKD sau khi tái cơ cấu khoảng 1.500 tỷ đồng.

* Tiến độ triển khai các mặt hàng mì gói.

Ngày 22/11/2014 vừa qua, KDC đã triển khai bán sản phẩm mì gói với thương hiệu “Đại Gia Đình” đến 86.000 cửa hàng bán lẻ tại 53/64 tỉnh thành. Dự kiến trong vòng 2 tuần tới, Công ty sẽ triển khai các chương trình quảng cáo. Với mức độ tiếp nhận sản phẩm của thị trường trong thời gian ngắn vừa qua, KDC tự tin có thể nhanh chóng lấy được 10% thị phần ngành hàng mì gói có dung lượng 23.476 tỷ đồng với tốc độ tăng 7%/năm vào năm 2017 và có thể sớm hơn một năm nếu tốc độ ra sản phẩm khả quan như hiện nay.

KDC sẽ triển khai trên cả 3 phân khúc sản phẩm thấp cấp, trung bình và cao cấp. Trong đợt đầu tiên, KDC đã đưa ra 5 sản phẩm ở nhóm thấp cấp. Lợi thế của KDC khi tham gia vào ngành hàng mì gói chính là kinh nghiệm phân phối trong ngành hàng thực phẩm và việc đầu tư vào các ngành hàng liên quan như dầu ăn (hiện tại) và bột mì (dự kiến) sẽ tạo cho KDC một chuỗi sản xuất hoàn chỉnh.

* Thông qua nội dung tăng tỷ lệ sở hữu tại Vocarimex.

Hiện nay, Kinh Đô đang sở hữu 24% cổ phần Vocarimex với tổng giá trị đầu tư là 421 tỷ đồng. Sắp tới, Kinh Đô dự kiến sẽ đầu tư thêm khoảng 700 tỷ đồng để nâng tỷ lệ sở hữu tại Vocarimex lên 51%. Ngày 29/11/2014, tại Đại hội Cổ đông lần đầu của Tổng Công ty Công nghiệp Dầu Thực vật Việt Nam (Vocarimex), 3 nhân sự của Công ty cổ phần Kinh Đô đã được bầu vào Hội đồng quản trị Vocarimex. Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Kinh Đô được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Vocarimex. Với việc nắm cổ phần chi phối tại Vocarimex, KDC sẽ cùng với Vocarimex thực hiện các thay đổi để cải thiện hoạt động của Vocarimex tập trung vào các mảng sau:

- Phát triển hệ thống phân phối.

- Cùng phát triển một số thương hiệu sản phẩm mới. Dự kiến đến quý 2/2015 sẽ có sản phẩm ra thị trường.

- Hỗ trợ các kỹ năng hoạt động cho Vocarimex

- Sáp nhập vào hoạt động nền tảng và thực hiện các quy trình chính sách của Tập Đoàn.

Thị trường dầu ăn hiện nay có dung lượng thị trường là 20.743 tỷ đồng và tốc độ tăng trưởng hằng năm 7%. Công ty kỳ vọng ngành dầu ăn có thể sẽ đóng góp cho doanh thu của Công ty từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng/năm và biên lợi nhuận sẽ cải thiện từ mức 3% lên khoảng 5% - 7%.

* Thông qua nội dung chuyển nhượng CTCP Kinh Đô Bình Dương.

Đánh giá ngành hàng bánh kẹo với dung lượng thị trường là 15.557 tỷ đồng cùng tốc độ tăng trưởng chỉ khoảng 5% - 8% không còn hấp dẫn và có thể tạo ra động lực tăng trưởng cho Công ty. Trên cơ sở tái cơ cấu hoạt động, KDC quyết định sẽ chuyển nhượng toàn bộ hoạt động kinh doanh bánh kẹo cho đối tác Mondelez International hoặc Công ty con được Mondelez chỉ định là Cadbury Enterprises Pte. Ltd. Mondelez là một tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới về bánh kẹo, thực phẩm và nước giải khát của Hoa Kỳ. Tập đoàn đang quản lý các thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng bao gồm Oreo, Cadbury… KDC sẽ chuyển nhượng lần đầu 80% cổ phần BKD cùng với quyền chọn mua 20% cổ phần còn lại với cùng giá chuyển nhượng như giá chuyển nhượng lần đầu.

Tổng giá trị chuyển nhượng cho 100% cổ phần của BKD là 9.808 tỷ đồng trong đó giá trị chuyển nhượng lần đầu là 7.846 tỷ đồng. Dự kiến giao dịch sẽ được hoàn tất vào quý 2/2015. Nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ thực hiện quyền chọn mua 20% cổ phẩn còn lại ít nhất là 12 tháng sau khi hoàn tất giao dịch bán cổ phần lần đầu.

Sau khi chuyển nhượng mảng bánh kẹo, KDC sẽ còn các mảng hoạt động bao gồm Kido (kem, sữa chua..), Vocarimex, bất động sản và các khoản đầu tư khác. Về nguồn tiền thu được từ chuyển nhượng BKD, Công ty sẽ không sử dụng để đầu tư vào ngành bất động sản và sẽ chỉ dùng để đầu tư vào ngành thực phẩm đóng gói. Với tổng lượng tiền mặt dự kiến có được sau thương vụ chuyển nhượng là 9.986 tỷ đồng sẽ được sử dụng như sau:

Kế hoạch sử dụng vốn

Giá trị (tỷ đồng)

Đầu tư thêm vào Vocarimex

700

Xây dựng thương hiệu và cơ sở hạ tầng cho mỳ gói

325

Xây dựng thương hiệu cà phê

250

Phát triển kênh phân phối lạnh của Kido

300

Vốn dành cho M&A, hợp tác, kinh doanh

3.931

Mua cổ phiếu quỹ

4.530

Tổng cộng

9.986

Nguồn: KDC

* Thông qua kế hoạch mua cổ phiếu quỹ. Đại hội cũng đã thông qua nội dung tăng tỷ lệ mua cổ phiếu quỹ lên mức 30% tổng số lượng cổ phiếu phát hành (theo đề nghị của nhóm cổ đông có tỷ lệ sở hữu trên 10% cổ phần) với giá không quá 60.000 đồng/cổ phiếu do Công ty cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) làm đại lý thực hiện giao dịch mua lại.

Như vậy, Kinh Đô sẽ chi tối đa khoảng 4.530 tỷ đồng để mua lại lượng cổ phiếu quỹ trên. Nguồn vốn để mua lại là 4.681 đồng được sử dụng theo thứ tự các nguồn thặng dư vốn cổ phần (3.617 tỷ đồng), quỹ đầu tư phát triển (25 tỷ đồng), quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu (16 tỷ đồng) và cuối cùng là lợi nhuận chưa phân phối (1.022 tỷ đồng). Công ty cũng cho biết, KDC sẽ tìm kiếm các cổ đông chiến lược để bán số lượng cổ phiếu quỹ đã mua để không ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của KDC.

* Khuyến nghị đầu tư

Lợi nhuận của KDC trong năm 2014 chúng tôi ước tính khoảng 556 tỷ đồng. Đối với năm 2015, do việc chuyển nhượng tới quý II/2015 mới hoàn tất do vậy trong nửa đầu năm thì KDC vẫn nhận 100% từ mảng bánh kẹo, nửa cuối năm thì chỉ còn nhận 20% lợi nhuận từ mảng kinh doanh bánh kẹo.

Ngoài ra, công ty sẽ có nguồn thu từ mảng kinh doanh kem và các sản phẩm từ sữa, mì gói, dầu ăn và lãi tiền gửi từ khoản tiền bán BKD Bình Dương. Phần lãi tiền gửi trong nửa cuối năm này sẽ đủ bù cho lợi nhuận hụt đi từ kinh doanh bánh kẹo.

Lợi nhuận năm 2015 ước tính là 600 tỷ đồng không bao gồm khoản lợi nhuân từ bán công ty con. Chúng tôi ước tính giá trị từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của KDC khoảng 33.600 đồng/CP cộng thêm lợi nhuận từ bán công ty con giá trị của KDC khoảng 54.400 chênh lệch khá ít so với giá thị trường hiện nay. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị Neutral với KDC ở thời điểm hiện tai.

9. KDH: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Điểm nhấn đầu tư.

Từ những đánh giá thận trọng trên, BVSC đưa khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu KDH khi giá thị trường ngày 1/12/2014 đang chiết khấu 36% so với giá trị hợp lý mà chúng tôi ước tính.Triển vọng kinh doanh tốt với lợi nhuận 2015 dự báo tăng trưởng 47% so với 2014 sẽ là động lực cho giá cổ phiếu Khang Điền.

Ngoài ra, các dự án hạ tầng quan trọng như đường kết nối cao tốc Long Thành - Dầu Giây sắp hoàn thành và dự án mở rộng đường Lương Định Của (60m) bắt đầu triển khai vào năm 2015 sẽ gia tăng giá trị cho danh mục dự án của KDH. Ngắn hạn, chúng tôi có chút quan ngại về khả năng KDH sẽ tiếp tục tăng vốn trong thời gian sắp tới.

Mặc dù, việc tăng vốn sẽ giúp công ty tiếp tục mở rộng thêm quỹ đất nhưng các chỉ số định giá sẽ giảm đi tính hấp dẫn. Tuy nhiên, với triển vọng lạc quan trong trung hạn, BVSC cho rằng tăng trưởng lợi nhuận trong hai năm 2015 và 2016 sẽ hạn chế được vấn đề pha loãng trong giá cổ phần.

Do đó, các nhà đầu tư yêu thích cổ phiếu có triển vọng rõ ràng và kỳ vọng vào sự phục hồi thị trường bất động sản nên xem xét mua vào cổ phiếu KDH với thời gian nắm giữ từ 6 - 12 tháng.

BVSC dự phóng doanh thu năm 2015 của KDH là 1.040 tỷ đồng, tăng trường gấp đôi so với ước thực hiện 2014. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 147 tỷ, tăng 47% so với 2014. Kết quả này ước tính trên tiến độ bán hàng hai dự án Mega Ruby và Trí Minh. Chúng tôi kỳ vọng KDH sẽ đẩy mạnh kinh doanh và ghi nhận hơn 400 căn cho năm 2015. Theo đó, EPS forward 2015 là 1.225 đồng/CP, tương đương P/E là 15 lần.

Quỹ đất sạch của KDH hiện tại khoảng 58ha tập trung chủ yếu trên tuyến đường vành đai trong, đường Nguyễn Duy Trinh quận 9 và quận 2.

Các dự án của KDH có lợi thế là đền bù hoàn thiện, một số dự án đóng tiền sử dụng đất và có thể đầu tư nhanh đưa vào kinh doanh. Ngoài ra, khả năng mở rộng quỹ đất của Ban điều hành khá tốt khi mang về 3 dự án là Ruby (5ha), Song Lập (14ha), Quốc tế (3ha) trong năm 2014.

Kết quả định giá bằng pp NAV và so sánh P/B cho ra giá trị hợp lý cổ phiếu KDH là 25.800 đồng/CP, hơn 36% so với giá thị trường ngày 1/12/2014.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư