Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
9 tháng, xuất khẩu đồ gỗ mang về 5,51 tỷ USD
Thế Hải - 05/10/2017 17:11
 
9 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu đồ gỗ ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, với kim ngạch xuất khẩu đạt 5,51 tỷ USD, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2016.
Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) cho biết, kim ngạch xuất khẩu gỗ có thể đạt 8 tỷ USD năm 2017, tăng hơn 17% so với năm 2016.
Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) dự báo, kim ngạch xuất khẩu gỗ có thể đạt 8 tỷ USD năm 2017, tăng hơn 17% so với năm 2016.

Nhiều thông tin tốt lành đến với xuất khẩu đồ gỗ đã được chia sẻ tại tại Hội thảo về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam diễn ra sáng 5/10/2017 tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) cho biết, kim ngạch xuất khẩu gỗ có thể đạt 8 tỷ USD năm 2017, tăng hơn 17% so với năm 2016.

Tính đến hết tháng 9/2017,  giá trị xuất khẩu gỗ đạt 5,51 tỷ USD, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2016.

Trung bình 9 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt khoảng 700 triệu USD/tháng. Trong khi đó, mùa xuất khẩu của ngành hàng này là 3 tháng cuối năm, nên hoàn toàn có thể hy vọng vào tăng trưởng cao trong những tháng còn lại..

Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2017, chiếm 70,3% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Giải thích nguyên nhân của tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gỗ, ông Quyền cho biết, do năm 2017, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ván nhân tạo, ván dăm, MDF và gỗ viên nén tăng rất mạnh trong khi những năm trước tỷ lệ xuất khẩu mặt hàng này ở mức thấp.

Chưa kể, ngành gỗ Việt Nam còn khai thác được thêm nhiều thị trường mới và đây sẽ là tiền đề để kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng trưởng trong những năm tới.

Một số doanh nghiệp trong ngành cũng cho biết, năm 2017 triển vọng phát triển ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ được dự báo sẽ tăng trưởng khả quan hơn, nhờ tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào cuối năm 2018 và Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ (VPA/FLEGT) vừa được Việt Nam và EU ký tắt vào tháng 5/2017.

Đây là những điều kiện thuận lợi, giúp các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ. Triển vọng phát triển ngành này tại châu Âu trong năm 2017 được dự báo tăng trưởng khả quan hơn nhờ hoạt động xây dựng thị trường tại EU được đẩy mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư