Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
98% người dân Việt Nam được sử dụng điện từ hệ thống điện quốc gia
Thu Hồng - 04/11/2015 14:50
 
“Kể từ năm 1990, tỷ lệ người dân được cấp điện đã tăng từ 14% lên 98%, con số này đã đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các nước trên thế giới đạt được”. Đây chính là ý kiến của Phó Thủ tưởng Hoàng Trung Hải tại hội nghị năng lượng có chủ đề “Định hướng phát triển bền vững cho ngành điện Việt Nam” diễn ra sáng 04/11 ở Furama Resort Đà Nẵng.
Sáng nay (04/11/2015) tại TP Đà Nẵng đã diễn ra hội nghị năng lượng có chủ đề “Định hướng phát triển bền vững cho ngành điện Việt Nam”.
Hội nghị “Định hướng phát triển bền vững cho ngành điện Việt Nam”.

Hội thảo đã tập trung thảo luận về việc tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả, mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo và tăng cường trao đổi điện trong khu vực châu Á có thể giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện từ 7 đến 10% mỗi năm cho tới năm 2030.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho biết, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và đặt mục tiêu phát triển điện luôn phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước, đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

“Với sự quan tâm đó, cùng với những nỗ lực không ngừng của toàn ngành Điện, hệ thống điện quốc gia Việt Nam hiện đã có những bước phát triển vượt bậc, đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng và độ tin cậy cung cấp điện ngày càng được cải thiện, nâng cao.”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, kể từ năm 1990, tỷ lệ người dân được cấp điện đã tăng từ 14% lên 98%. Trong hai thập kỷ qua, 10 triệu hộ dân (tương đương với 40 triệu người) đã có điện, chủ yếu thông qua quá trình điện khí hóa nông thôn trong chương trình xóa đói giảm nghèo của quốc gia. Rất ít nước trên thế giới có thể đạt được điều này trong một thời gian ngắn và với địa hình khó khăn như Việt Nam.

Cũng tại hội nghị này, các đại biểu đã thảo luận về vấn đề phát triển ít phát thải carbon và liệu Việt Nam có thể tiếp tục đạt được tăng trưởng kinh tế mà không tăng phát thải khí carbon.

Theo báo cáo có tựa đề “Khảo sát con đường phát triển ít phát thải cácbon cho Việt Nam”, được phát hành tại Hội nghị, dự đoán kịch bản tăng trưởng ít phát thải các bon sẽ không ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam và thậm chí về lâu dài có thể thúc đẩy tăng trưởng.

Góp ý về phát triển bền vững ngành năng lượng, bà Anita Marangoly George, Giám đốc cao cấp, Khối Chuyên ngành Toàn cầu về Năng lượng và Khai khoáng của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, để đảm bảo bền vững về tài chính cho ngành điện, Việt Nam cần thúc đẩy cạnh tranh hiệu quả và đảm bảo nguồn đầu tư lớn từ khu vực nhà nước và tư nhân.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư