Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 09 năm 2024,
A Lưới cùng nhà đầu tư đánh thức tiềm năng
Ngọc Tân - 16/05/2017 09:28
 
Quỹ đất lớn, tài nguyên thiên nhiên phong phú đa dạng, khí hậu quanh năm ôn hoà, giao thông hạ tầng ngày càng hoàn thiện đồng bộ, đó là những lợi thế lớn để huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) có thể trở thành điểm đến của các nhà đầu tư.

Tài nguyên dồi dào, phong phú

Là huyện vùng cao phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, A Lưới có vị trí địa lý kinh tế, quốc phòng vô cùng quan trọng của tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực Bắc Trung Bộ.

Huyện A Lưới có trục đường Hồ Chí Minh đi qua, có Quốc lộ 49 nối từ tỉnh Salavan của Lào qua cửa khẩu Hồng Vân thông tuyến với Quốc lộ 1A, kết nối khu vực miền núi A Lưới với các huyện đồng bằng. Ngoài ra, A Lưới nằm không xa Quốc lộ 9, hành lang kinh tế Đông- Tây, do đó thuận lợi trong việc thông thương với các nước trong khu vực châu Á qua cửa khẩu Lao Bảo. Huyện còn có 2 cửa khẩu quốc tế A Đớt và Hồng Vân, được xem là cửa ngõ đi vào phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Huyện A Lưới đang từng ngày vươn lên nhờ biết tranh thủ nội lực và ngoại lực.
Huyện A Lưới đang từng ngày vươn lên nhờ biết tranh thủ nội lực và ngoại lực.

Có thể nói, giao thông thuận tiện và đã được đầu tư hoàn thiện là điều kiện cơ bản và thuận lợi để A Lưới có thể hội nhập, thông thương và giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực, cũng như các địa phương trong và ngoài tỉnh, làm tiền đề cho công tác thu hút đầu tư vào địa phương.

Nói đến A Lưới là nói đến một địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú với trữ lượng khá lớn, trong đó có thể kể đến như cao lanh (tập trung ở khu vực Hồng Trung, Sơn Thuỷ, trữ lượng khoảng 40 triệu tấn), nước khoáng nóng và đặc biệt là vàng sa khoáng. Ngoài ra, A Lưới còn có nguồn tài nguyên vật liệu xây dựng như đá,  sét, cát, cuội sỏi…

Bên cạnh đó, A Lưới với khí hậu ôn hoà mát mẻ quanh năm, nguồn nước dồi dào, quỹ đất lớn là những điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi các loại gia súc, cũng như trồng các loại cây công nghiệp, cây dược liệu…

Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, A Lưới hiện có đàn bò khoảng 10.000 con, chất lượng thịt bò vàng A Lưới nổi tiếng thơm ngon và được thị trường ưa chuộng, tuy nhiên hiện nay nguồn cung chưa đủ để phục vụ nhu cầu thị trường.

“Năm qua, A Lưới cũng đã xây dựng đề án phát triển về số lượng và chất lượng đàn bò, tiến tới xây dựng thương hiệu thịt bò vàng A Lưới. Thông qua kênh thế chấp, tín chấp cho vay, năm 2016, địa phương đã nhập 800 con bò vàng (trị giá 8 tỷ đồng) và năm nay dự kiến số lượng nhập về cũng tương đương như vậy để phát triển kinh tế trang trại.

“Nếu các nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư chăn nuôi bò vàng theo mô hình trang trại quy mô lớn tại địa phương, thì chúng tôi đã có sẵn 40 ha đất rất thích hợp cho việc đầu tư này. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể kết hợp với nông dân để chăn nuôi theo mô hình hợp tác cùng có lợi”, ông Hùng chia sẻ.

Đánh thức tiềm năng du lịch

Sẽ thật đáng tiếc nếu đến Huế mà du khách không có dịp ghé thăm A Lưới. Bởi nơi đây, khí hậu mát mẻ, phong cảnh hoang sơ hùng vỹ, cộng đồng dân cư bản địa giàu bản sắc văn hoá chính là những yếu tố khiến A Lưới trở nên đặc biệt.

Nói đến A Lưới là nói đến những thắng cảnh tự nhiên tuyệt đẹp. Đó là thác A Nô, nơi quanh năm mây mù bao phủ, có thác nước 3 tầng cao gần 200m. Là suối Pa Le, nơi có 2 bãi tắm tắm sức chứa lớn, những hang động đẹp ở thượng nguồn. Hay rừng nguyên sinh A Roàng, với những thác cao vực sâu, cây cối um tùm rất hấp dẫn cho những du khách ưa thích du lịch mạo hiểm.

Đặc biệt, tại khu vực A Roàng còn có suối khoáng nóng với nguồn nước khoáng lộ thiên có nhiệt độ 60 đến 700oC chứa nhiều thành phần khoáng chất chữa bệnh. Quanh suối khoáng nóng A Roàng là núi rừng trùng điệp, nơi có rừng nguyên sinh và khu bảo tồn Sao La và làng văn hoá A Ka do đó rất có tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng - cộng đồng. Tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện A Lưới cũng đang tích cực mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng đến đầu tư các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh tại đây.

Ông Hùng cho biết, huyện A Lưới đang có quy hoạch tổng thể về thác A Nô với khoảng 77 ha, trong đó tổng diện tích có thể khai thác du lịch đó là khoảng 56 ha. Riêng suối Pa Le (xã Hồng Hạ), trong năm 2016 đã đón gần 10.000 lượt khách và trong tháng 3/2017 đã có 1.400 lượt khách.

Về du lịch văn hoá lịch sử - cộng đồng, huyện A Lưới hiện là vùng đất còn lưu giữ nhiều giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc. Với lễ hội A Riêu Ping, Lễ hội Aza, nghề dệt zèng, các bài dân ca cổ, làn điệu cồng chiêng, các món ăn đặc sắc như bánh nếp A coát, rượu đoác (rượu tà vạt), rượu cần, cá suối… đã làm nên những những nét văn hóa vô cùng độc đáo của đồng bào các dân tộc vùng cao huyện miền núi A Lưới… Đặc biệt, “Nghề dệt Zèng (thổ cẩm) của người Tà Ôi” vừa qua đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế đánh giá:“ Với những giá trị bản sắc văn hoá đa dạng và độc đáo như thế, A Lưới hoàn toàn có thể trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách khi đến với Huế, đặc biệt là du khách quốc tế, góp phần làm phong phú đa dạng hơn các sản phẩm văn hoá đặc sắc của vùng đất di sản Cố đô”.

Ý kiến - nhận định

Cùng nhà đầu tư, biến những tiềm năng thành cơ hội phát triển bền vững”

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới

“Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, huyện A Lưới xác định sự thành công và phát triển của địa phương phải gắn bó và đồng hành với cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhằm biến những tiềm năng, thế mạnh của huyện trở thành cơ hội phát triển bền vững.

Trong thời gian tới, huyện A Lưới sẽ tiếp tục công tác tập trung cải thiện môi trường đầu tư bằng cách hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, cùng với Tỉnh triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, hỗ trợ doanh nghiêp nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khi đến đầu tư với huyện”.

Áp dụng mức ưu đãi tốt nhất đảm bảo cho nhà đầu tư phát triển các dự án tại huyện A Lưới”

Ông Lê Đình Khánh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế

“Với tư cách lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, tôi cam kết đồng hành cùng với doanh nghiệp, các nhà đầu tư và doanh nghiệp khi đến nghiên cứu đầu tư vào tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, huyện A Lưới nói riêng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng cam kết sẽ tham mưu UBND tỉnh áp dụng mức ưu đãi tốt nhất theo khung pháp luật và đảm bảo cho nhà đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu để phát triển các dự án tại huyện A Lưới”.
Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư huyện A Lưới năm 2017
Chiều ngày 27/4, UBND huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức buổi Họp báo Hội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư