Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
ACV ủng hộ việc giảm giá dịch vụ cất hạ cánh hỗ trợ cho các hãng bay
Anh Minh - 23/12/2022 18:37
 
Các hãng bay sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể nếu được tiếp tục áp dụng chính sách giảm 50% phí cất hạ cánh đối với các chuyến bay nội địa trong năm 2023.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về việc giảm giá cất, hạ cánh năm 2023 cho các hãng hàng không trong nước.

ACV cho biết, doanh thu cất hạ cánh là nguồn thu của hoạt động khu bay mà ACV đang được Nhà nước giao quản lý, khai thác theo hình thức không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Trong năm 2021, Bộ GTVT đã cho phép áp dụng mức giá cất cánh, hạ cánh tàu bay bằng 50% mức giá cất cánh, hạ cánh đối với chuyến bay nội địa quy định tại Thông tư số 53/2019/TT – BGTVT trong giai đoạn từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Chính sách này, theo ACV là đã hỗ trợ một phần cho các hãng hàng không tiết giảm chi phí hoạt động trong giai đoạn bị ảnh hưởng, tác động bởi dịch Covid-19. Năm 2021, doanh thu vẫn đủ bù đắp chi phí khai thác, chi phí bảo trì, bảo dưỡng và phần chênh lệch còn lại ACV đã nộp ngân sách Nhà nước theo quy định.

ACV cho biết là đơn vị khai thác 22 cảng hàng không trên phạm vi toàn quốc ủng hộ chủ trương tiếp tục giảm giá cất hạ cánh cho các hãng không trong nước. Tuy nhiên, đây là nguồn thu của Nhà nước, ACV chỉ quản lý, theo dõi hộ Nhà nước và hoạt động đầu tư, nâng cấp tài sản khu bay do Nhà nước thực hiện nên đề nghị Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam xem xét, quyết định.

Trước đó, Bộ GTVT đã có công văn yêu cầu ACV cho ý kiến về đề xuất giảm giá cất hạ cánh năm 2023 cho các hãng hàng không trong nước.

Hiện Vietnam Airlines, Vietjet đều đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT xem xét tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí cất hạ cánh năm 2023.

Vietnam Airlines cho biết, mặc dù thị trường nội địa đã phục hồi hoàn toàn và tăng trưởng khoảng 16% so với 2019 nhưng thị trường quốc tế năm 2022 mới chỉ phục hồi được khoảng 30% so trước dịch. Hơn nữa, thực tế năm 2022 và dự kiến năm 2023, các hãng hàng không vẫn chịu áp lực giá dầu leo thang cộng với các nguy cơ tiềm ẩn về khủng hoảng kinh tế, lạm phát trên thế giới.

Do vậy, năm 2023 dự báo vẫn là năm khó khăn đối với ngành hàng không Việt Nam khi thị trường quốc tế dự kiến mới chỉ hồi phục ở mức 80% so với năm 2019. Trong bối cảnh đó, các hãng hàng không dự kiến khó có thể kinh doanh có lãi về vận tải hàng không đồng thời phải xử lý các hậu quả nặng nề của gần 3 năm Covid.

Để hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và trong thời trước mắt, Vietnam Airlines đánh giá các hãng hàng không vẫn rất cần sự ủng hộ và hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ ngành, trong đó có Bộ GTVT thông qua việc tiếp tục duy trì các giải pháp chính sách hỗ trợ về chi phí, đảm bảo khả năng cạnh tranh khi có sự tham gia ngày càng đông của các hãng hàng không quốc tế.

Vietnam Airlines cho biết, một trong các giải pháp đề xuất có thể thực hiện được ngay đó là tiếp tục hỗ trợ giảm 50% phí cất hạ cánh và điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa trong năm 2022 và 2023 như đã được áp dụng trong giai đoạn 2020-2021.

“Theo ước tính, chính sách này sẽ giúp Vietnam Airlines tiết kiệm được khoảng 200 tỷ đồng/năm”, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines đánh giá.

Sân bay đông trở lại, Vietnam Airlines, ACV, Sasco thở phào; Bamboo Airway đổi "cơ trưởng"; NCS vẫn lỗ
Sân bay kín khách, hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines cũng như ACV, Sasco nhiều tin vui. Bamboo Airway đổi "cơ trưởng". Công ty Suất ăn hàng không...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư