Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6,7% năm 2021
Kỳ Thành - 28/04/2021 15:06
 
ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt 6,7% và sẽ tăng lên 7% trong năm 2022 nhờ thành công trong việc kiểm soát tốt đại dịch Covid-19.

Đây là thông tin được các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố tại buổi họp báo ra mắt Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2021 diễn ra sáng nay, 28/4.

Con số này cũng cao hơn nhận định 6,3% do ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam đưa ra hồi đầu năm.

Các chuyên gia của ADB lập luận, các mức dự báo tăng trưởng nói trên "mạnh và vững chắc", có được nhờ thành công của Việt Nam trong việc kiềm chế đại dịch Covid-19.

Ông Andrew Jeffries nhấn mạnh đà tăng trưởng của Việt Nam tiếp tục mạnh trong năm nay và năm sau.

Họp báo công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2021 ngày 28/4
Họp báo công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2021 ngày 28/4

Các động lực tăng trưởng sẽ là công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, đầu tư gia tăng và thương mại mở rộng. Công nghiệp dự báo sẽ tăng 9,5% trong năm 2021, đóng góp 3,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Khu vực này có bước khởi động mạnh mẽ ngay trong quý I/2021, tăng 6,3% so với ba tháng đầu năm 2020.

Xây dựng được dự báo sẽ tăng nhanh khi chính phủ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng lớn trong năm 2021 và lãi suất thấp kích thích hoạt động xây dựng bất động sản.

Khu vực dịch vụ được dự báo sẽ phục hồi tăng trưởng ở mức 6,0% trong năm 2021, đóng góp 2,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Tăng trưởng khu vực dịch vụ đến từ tiến trình chuyển đổi số, tăng chi tiêu vào vắc-xin Covid-19, niềm tin kinh doanh cải thiện và mặt bằng lãi suất thấp.

Khu vực nông nghiệp cũng được dự báo sẽ hoạt động mạnh hơn trong năm nay nhờ các cải cách cơ cấu được duy trì, cải thiện tiếp cận thị trường đối với hàng nông sản xuất khẩu theo các hiệp định thương mại tự do khu vực, và giá lương thực toàn cầu cao hơn do nhu cầu tăng.

Đầu tư gia tăng sẽ là một động lực tăng trưởng then chốt trong năm nay và năm sau. Thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát Covid-19 và Luật Đầu tư được ban hành tháng 1/2021 giảm bớt các rào cản quy định về kinh doanh được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Thương mại sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ trong năm 2021, được hỗ trợ bởi sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Trung Quốc và Mỹ, hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, và nhờ Việt Nam tham gia vào 15 hiệp định thương mại tự do lớn với hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới.

Lạm phát trong quý I/2021 giảm xuống mức thấp nhất từ năm 2016 do chi phí vận tải giảm và nhu cầu yếu. Nhưng giá dầu thế giới đang tăng trong xu hướng kinh tế toàn cầu phục hồi và tiêu dùng trong nước cũng tăng dự báo sẽ làm cho lạm phát tăng lên 3,8% trong năm nay, và 4,0% trong năm 2022.

Tuy nhiên, các chuyên gia của ADB cũng lưu ý, rủi ro chính theo chiều hướng tiêu cực là đại dịch bùng phát trở lại do các biến thể coronavirus mới và chậm trễ trong triển khai chương trình vắc-xin. Nếu chậm trễ trong triển khai vắc-xin Covid-19 sẽ có thể tác động ngay đến khả năng Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ như trước khi có dịch, khi tính đến sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhu cầu bên ngoài.

Việt Nam đón đầu “cơn gió tăng trưởng”
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc đang có bước phục hồi kinh tế ngoạn mục. Và đây là cơ hội để Việt Nam đón đầu “cơn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư