Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
ADB luôn sát cánh bên Chính phủ và nhân dân Việt Nam
Thanh Tùng - 25/12/2020 15:53
 
Kể từ khi nối lại hoạt động tại Việt Nam vào năm 1993, Ngân hàng Phát triển Châu Á đã trở thành một phần trong câu chuyện phát triển thành công của đất nước.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam, có bài viết về mối quan hệ này với Chính phủ Việt Nam, bao gồm cả ngành Kế hoạch và Đầu tư, trong việc hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân trong nước và cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Kể từ năm 1993 khi ADB nối lại hoạt động tại Việt Nam, ADB đã và đang hợp tác rất chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam. ADB hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội thông qua: (i) cấp vốn cho phát triển nhân lực và kết cấu hạ tầng; (ii) thúc đẩy phát triển bền vững thông qua việc cải thiện ứng phó với suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu, hòa nhập xã hội, và bình đẳng giới; (iii) thúc đẩy hiệu lực chính sách và năng lực thể chế bao gồm phát triển khu vực tài chính, quản lý dịch vụ công, và quản trị; (iv) quản lý kiến thức phát triển; và (v) thúc đẩy hỗ trợ kỹ thuật và tài chính mạnh mẽ hơn, bao gồm phát triển và hoạt động dịch vụ công.

Hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân trong nước

Gần một thập kỷ qua với sự kết hợp giữa hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, ADB đã là đối tác đáng tin cậy của Chính phủ Việt Nam trong khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Có thể nêu một thí dụ cụ thể, vào tháng 10 năm 2004, theo yêu cầu của Chính phủ, ADB đã phê duyệt khoản vay chính sách đầu tiên trị giá 100 triệu USD cho một dự án được thiết kế đặc biệt nhằm khuyến khích một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DNNVV là thành phần chủ yếu của khu vực tư nhân tại Việt Nam.

Chương trình đầu tiên đã hỗ trợ điều phối giữa các bộ, ngành – gồm cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư - và tham vấn tất cả các thành phần có liên quan nhằm xác định một cách có hệ thống và giải quyết những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt. Được xây dựng sau khi đã có những phân tích sâu sắc và thảo luận kỹ lưỡng với Chính phủ, dự án đã hỗ trợ duy trì được xung lực cải cách trong cải tiến đăng ký kinh doanh và đơn giản hóa các thủ tục cấp phép để giảm thiểu những bất trắc, rủi ro và chi phí cho doanh nghiệp.

Sau khi kết thúc thành công chương trình đầu tiên, ADB đã thông qua Chương trình thứ hai Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa vào năm 2010 trên cơ sở làm việc trực tiếp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chương trình thứ hai đã tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực cải cách của Chính phủ trong việc đẩy khuyến khích sự phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của các DNNVV ở Việt Nam.

Một điều quan trọng đáng nhớ là tự khi Việt Nam tiến hành đổi mới và xây dựng một nền kinh tế nhiều thành phần, rất nhiều các DNNVV đã được thành lập thông qua một quá trình đăng ký đối với các hộ kinh doanh năm 1988. Tiếp theo đó Luật Doanh nghiệp đầu tiên được áp dụng vào tháng 12 năm 1990, đã xác lập khuôn khổ pháp lý cho các công ty tư nhân.

Sự phát triển của khu vực tư nhân đã được tăng cường sau khi Hiến pháp được sửa đổi năm 1992, hợp thức hóa mô hình kinh tế thị trường, đảm bảo sự tự do kinh doanh và quyền sở hữu tài sản của công dân. Hiến pháp sửa đổi 1992 đã khẳng định sự tồn tại và phát triển của một nền kinh tế nhiều thành phần được vận hành theo cơ chế thị trường, bao gồm cả khu vực đầu tư nước ngoài.

Bằng khẩu hiệu “dân giàu, nước mạnh”, Chính phủ đã có những nỗ lực cụ thể để kích thích các hoạt động kinh tế và khuyến khích doanh nhân và DNNVV. Các số liệu thống kê đã cho thấy lực lượng thị trường được giải phóng bởi đổi mới đã tạo ra tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt những thập kỷ qua. Việt Nam sẽ tiếp tục đòi hỏi đầu tư tư nhân ở những mức độ cao hơn để có thể đạt được tỷ lệ tăng trưởng kinh tế với mục tiêu từ 7-8%/ năm. Những đóng góp như vậy được kỳ vọng đến từ khu vực tư nhân trong nước, mà phần lớn do các DNNVV tạo ra.

Chính phủ đã hỗ trợ sự phát triển của các DNNVV với việc kết hợp các cải cách chính sách có tính đột phá từ khi Luật Doanh nghiệp, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, được thông qua vào tháng 6/1999. Từ những thay đổi trong Luật Doanh nghiệp có hiệu lực năm 2000, khu vực tư nhân đã thực sự được tự do và khuyến khích mạnh mẽ để phát triển. Luật Doanh nghiệp đã xóa bỏ những vấn đề phức tạp trong quản lý vốn kìm hãm các doanh nghiệp như các qui trình thủ tục cấp phép hết sức phức tạp hay các lệ phí. Kết quả là, đến cuối năm 2019, con số các doanh nghiệp đã đăng ký ở Việt Nam đã tăng nhanh chóng lên đến hơn 750.000 từ 14.500 trong năm 2000, với các DNNVV đại diện cho gần 97% tổng số doanh nghiệp trong cả nước, và 46% GDP. Các DNNVV được đánh giá là một lực lượng chủ chốt tạo ra việc làm và thu nhập, đây cũng chính là động lực cho tăng trưởng và giảm nghèo ở Việt Nam.

Mặc dù Chính phủ đã có những nỗ lực to lớn để đẩy mạnh các cải cách chính sách nhằm hỗ trợ cho việc hình thành và phát triển các DNNVV, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hỗ trợ cho phát triển các DNNVV ở tầm cao hơn. Trong đó phải hoàn thiện chính sách quan trọng, các khuôn khổ pháp lý và thể chế trong việc hỗ trợ các hoạt động của doanh nghiệp. ADB luôn sẵn sàng hỗ trợ giải quyết những thách thức còn tồn tại mà khu vực tư nhân đang phải đối mặt nói chung và các DNNVV nói riêng thông qua sự hố trợ tiếp tục và dài hạn.

Tuy đã có những tiến bộ và thành công trong khuyến khích khu vực tư nhân, việc lạm dụng chính sách có lợi cho các thành phần kinh tế khu vực công vẫn còn tồn tại. Trong bối cánh này, chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh mỗi liên hệ chặt chẽ giữa cải cách các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các chính sách khuyến khích khu vực tư nhân. Sẽ rất khó để trao đổi về tư nhân hóa và thu hẹp đầu tư các DNNN mà không tính đến các biện pháp phải tiến hành để cải thiện môi trường cho phát triển khu vực tư nhân.

Hỗ trợ cải cách doanh nghiệp nhà nước

Sự chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã bắt đầu từ những năm 1992, với mục tiêu tăng cường tính hiệu quả và giảm bớt vai trò của nhà nước trong quản lý. Tuy nhiên, chương trình đã bắt đầu chậm lại và chủ yếu chỉ được tiến hành ở các doanh nghiệp có qui mô nhỏ hơn. Về mặt chất lượng thì kết quả của quá trình cổ phần hóa còn nhiều điều chưa rõ ràng vì trong nhiều trường hợp các đơn vị được cổ phần hóa vẫn hoạt dộng kém hiệu quả và vẫn còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của nhà nước trong sản xuất kinh doanh. Đã có những khuyến cáo mạnh mẽ rằng quá trình cổ phần hóa nên được kết thúc, hoặc ưu tiên tiến hành một số bước, bao gồm lập chiến lược và kế hoạch kinh doanh, tái cơ cấu tổng công ty và tài chính, và áp dụng quản trị doanh nghiệp minh bạch hơn. Xây dựng cơ chế chịu trách nhiệm về tài chính và chiến lược kinh doanh có trọng tâm là những vấn đề thiết yếu.

ADB đã hỗ trợ cải cách các DNNN từ rất sớm, với sự phê duyệt 50 triệu USD cho Chương trình cải cách DNNN và Quản trị Doanh nghiệp năm 1999. Hai dự án hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại cũng được phía ADB cung cấp nhằm hỗ trợ việc thực hiện Chương trình, cùng với đối thoại chính sách hết sức tích cực về cải cách các DNNN. Tiếp đó, các chiến lược và chương trình quốc gia của ADB đã đều đặt trọng tâm vào cải cách các DNNN trong các chiến lược phát triển doanh nghiệp và phát triển với vai trò dẫn dắt của khu vực tư nhân. Được coi là cực kỳ quan trọng là các vấn đề tháo gỡ những rào cản đối với phát triển khu vực tư nhân, tham nhũng, và sử dụng lãng phí các nguồn lực công, và tăng cường tính minh bạch và quản trị doanh nghiệp. Để xử lý các vấn đề này, ADB đã cung cấp một khoản vay 630 triệu USD cho Quỹ Cải cách DNNN và Quản trị Doanh nghiệp vào năm 2009 nhằm hỗ trợ tái cơ cấu một cách toàn diện một số các DNNN được lựa chọn.

Sự chuyển đổi và cải cách các DNNN là cần thiết để giảm bớt sự độc quyền trong lĩnh vực sản xuất kém hiệu quả thuộc nhà nước quản lý, khuyến khích phát triển khu vực tư nhân, và nâng cao tăng trưởng bền vững ở Việt Nam. Trong khi nhà nước có một vai trò quan trọng là định hướng những chuyển đổi và phát triển kinh tế, và thậm chí còn tham gia vào các hoạt động kinh tế trong một số các trường hợp hạn hữu, về căn bản là sự tham gia trực tiếp của nhà nước trong sản xuất hàng hóa và dịch vụ là phải hạn chế và thu hẹp lại. Những tính toán hiệt hại về hiệu quả cố định và linh hoạt đều đã được hiểu rõ và tập hợp lại. Chuyển đổi các tổng công ty sẽ giúp đạt được hiệu quả cần thiết cho tăng trưởng cao hơn và dọn đường cho tối ưu hóa hơn nữa các chính sách của nhà nước ở cấp độ ngành.

Chúng tôi chúc mừng những nỗ lực của Chính phủ khi đưa ra Luật Đầu tư chung (cũng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo) và Luật Doanh nghiệp chung. Cả hai luật này đều có hiệu lực vào năm 2005 cùng với việc thể hiện tầm nhìn nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân để Việt Nam có thể tiếp tục cải thiện hiệu quả nền kinh tế, là điều kiện thiết yếu để Việt Nam đạt được mục tiêu đạt được mức quốc gia công nghiệp hóa vào năm 2020. 

Như chúng tôi đã khuyến nghị với Chính phủ, đẩy nhanh cải cách DNNN sẽ giảm thiểu những rủi ro và hỗ trợ tăng trưởng thông qua cải thiện việc phân chia các nguồn lực. Trong khi các cơ quan hữu quan đã đạt được nhiều tiến bộ, vẫn cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để đẩy nhanh thực hiện và cải thiện việc điều phối chương trình cải cách, mà hiện nay đang còn rời rạc ở các bộ, ngành khác nhau. Vấn đề quan trọng là nỗ lực phải vượt lên việc cổ phần hóa từng phần và tập trung vào nâng cao quản trị doanh nghiệp và đảm bảo sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp.

Hợp tác trong tương lai

Qua hơn một thập niên của tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo nhanh chóng, Việt Nam đã tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế để hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu nhằm tìm kiếm các cơ hội và đồng thời cải cách kinh tế trong nước để có hiệu quả hơn và có khả năng cạnh tranh qua đó Việt Nam và các doanh nghiệp của mình sẽ tham gia thành công vào quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế.

Dù đã có những thành tựu cho đến nay, Việt Nam tiếp tục đối mặt với những thách thức phát triển to lớn. Về mặt chính sách, trong khi đã có được những bước tiến dài trong cải cách, Chính phủ vẫn nhận rõ còn nhiều chương trình chính sách quan trọng chưa hoàn thành. Trong khi đó, sự hội nhập kinh tế toàn cầu ngày một gia tăng cũng đem lại cơ hội cũng như thách thức cần phải giải quyết. Năng lực thể chế để quản lý quá trình cải cách và giảm thiểu các rủi ro sẽ cần phải được tăng cường.

Vào lúc Chính phủ và nhân dân Việt Nam đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc trong năm tới với hy vọng các chiến lược cải cách mới cho những năm tiếp theo sẽ được thông qua, ADB cũng đang chuẩn bị cho Chiến lược Đối tác Quốc gia mới cho Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Mục đích của chúng tôi là điều chỉnh Chiến lược Đối tác Quốc gia mới hoàn toàn phù hợp với Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2025, như vậy chúng tôi có thể đáp ứng có hiệu quả nhất nhu cầu ngày một tăng lên của Việt Nam. ADB luôn sẵn sàng hỗ trợ nguồn lực cũng như chia sẻ tri thức để tăng cường quan hệ đối tác của chúng tôi với Việt Nam.

ADB: Việt Nam vững bước tiến tới phục hồi tăng trưởng
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tin rằng, Việt Nam sẽ vượt qua thách thức của đại dịch, vững bước trên con đường tiến tới phục hồi và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư