Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
ADB dự kiến hỗ trợ ít nhất 14 tỷ USD để xoa dịu khủng hoảng lương thực
H.T - 27/09/2022 17:05
 
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố các kế hoạch cung cấp ít nhất 14 tỉ USD cho giai đoạn 2022–2025 trong một chương trình hỗ trợ toàn diện nhằm làm dịu cuộc khủng hoảng lương thực.

ADB kỳ vọng chương trình này sẽ làm dịu bớt cuộc khủng hoảng lương thực đang trở nên tồi tệ ở châu Á và Thái Bình Dương, đồng thời cải thiện an ninh lương thực trong dài hạn bằng cách tăng cường các hệ thống lương thực trước tác động của biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học. 

Hoạt động này giúp mở rộng phạm vi hỗ trợ vốn đã rất đáng kể của ADB cho an ninh lương thực trong khu vực, nơi gần 1,1 tỷ người thiếu chế độ ăn lành mạnh do tình trạng nghèo khổ và giá lương thực đã tăng lên các mức cao kỷ lục trong năm nay.

Khoản hỗ trợ này sẽ được cấp thông qua các dự án hiện tại và dự án mới trong những lĩnh vực bao gồm đầu vào cho canh tác nông nghiệp, sản xuất và phân phối thực phẩm, bảo trợ xã hội, thủy lợi và quản lý nguồn nước, cũng như các dự án thúc đẩy những giải pháp dựa vào tự nhiên.

ADB sẽ tiếp tục đầu tư vào các hoạt động khác góp phần vào an ninh lương thực, chẳng hạn như chuyển đổi năng lượng, giao thông, tiếp cận tài chính nông thôn, quản lý môi trường, y tế và giáo dục 

Phát biểu tại Hội nghị thường niên lần thứ 55 của ADB, Chủ tịch ADB, ông Masatsugu Asakawa, khẳng định: “Đây là một giải pháp ứng phó kịp thời và hết sức cấp thiết trước một cuộc khủng hoảng đang đẩy quá nhiều gia đình nghèo ở châu Á vào tình trạng thiếu ăn và nghèo khổ sâu sắc hơn. Chúng ta cần hành động ngay bây giờ, trước khi những tác động của biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn và xói mòn hơn nữa những thành tựu phát triển mà khu vực đã rất khó khăn mới giành được. Hỗ trợ của chúng tôi sẽ có trọng tâm, tổng hợp và mang lại tác động để giúp những người dễ bị tổn thương – đặc biệt là phụ nữ dễ bị tổn thương – trong giai đoạn trước mắt, đồng thời củng cố các hệ thống lương thực để giảm tác động của những rủi ro mất an ninh lương thực trước mắt và trong tương lai.”    

Xung đột Nga – Ukraine đã làm gián đoạn nguồn cung lương thực thiết yếu và phân bón, gây áp lực lên hệ thống lương thực toàn cầu vốn đã bị suy yếu bởi tác động của biến đổi khí hậu, các cú sốc nguồn cung do đại dịch và thông lệ canh tác không bền vững.

Châu Á và Thái Bình Dương dễ bị tổn thương trước các cú sốc lương thực, do một số quốc gia ở khu vực này phụ thuộc vào nguồn lương thực và phân bón nhập khẩu. Ngay cả trước khi xung đột Nga – Ukraine diễn ra, thực phẩm giàu dinh dưỡng đã nằm ngoài khả năng chi trả của một bộ phận đáng kể người dân tại nhiều quốc gia thành viên thu nhập trung bình của ADB.

Song song với việc giúp đỡ những người dễ bị tổn thương, hỗ trợ an ninh lương thực của ADB sẽ thúc đẩy thương mại mở, cải thiện sinh kế và sản xuất nông nghiệp của các nông hộ nhỏ, giảm bớt tình trạng thiếu phân bón và thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả phân bón hoặc các nguồn hữu cơ thay thế, hỗ trợ đầu tư cho sản xuất và phân phối lương thực, nâng cao dinh dưỡng, và tăng cường khả năng chống chịu khí hậu thông qua các giải pháp tích hợp dựa trên tự nhiên.

Một trọng tâm chính sẽ là bảo vệ môi trường tự nhiên của khu vực trước những tác động của biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học, vốn đang làm suy thoái đất đai, nước ngọt và các hệ sinh thái biển.

Ông Asakawa cũng chia sẻ: “Một phần quan trọng trong cách tiếp cận dài hạn của chúng tôi là bảo vệ các nguồn tài nguyên, hỗ trợ cho nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp – những người đang sản xuất và phân phối phần lớn lương thực của khu vực – và thúc đẩy thương mại mở để bảo đảm mang lại hiệu quả cho người tiêu dùng”. 

Hỗ trợ trong khuôn khổ chương trình này sẽ bắt đầu trong năm này và được tiếp tục cho đến năm 2025. Hỗ trợ sẽ dựa trên các hoạt động ở khu vực chính phủ và tư nhân của ADB, với mục tiêu thu hút thêm 5 tỉ USD đồng tài trợ từ khu vực tư nhân cho an ninh lương thực. 

ADB sẽ áp dụng những bài học kinh nghiệm từ việc hỗ trợ các thành viên trong cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu 2007–2008 và thông qua việc thực hiện kế hoạch hoạt động an ninh lương thực vào năm tiếp theo. Kể từ đó, ADB đã cung cấp 2 tỉ USD vốn đầu tư hàng năm cho an ninh lương thực. Vào năm 2018, ADB đã xác định an ninh lương thực là một ưu tiên hoạt động chủ chốt. 

ADB cam kết đạt tới một khu vực châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực.

ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022
Nhận định lĩnh vực sản xuất phục hồi nhanh hơn dự kiến, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư