Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Ai có quyền cấm kinh doanh massage, vũ trường, karaoke?
Mạnh Bôn - 11/08/2014 19:52
 
() Theo Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi mới nhất vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận thì trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ĐKDN) sẽ không ghi ngành nghề kinh doanh khiến một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo ngại.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Rất khó bộ, ngành nào tự chặt chân mình
Giá trị pháp lý của giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Làm sân golf có thể là ngành kinh doanh có điều kiện
Cấp phép càng thoáng, hậu kiểm càng phải chặt
Bỏ ghi ngành nghề kinh doanh theo điều kiện
Luật Doanh nghiệp loại bỏ rào cản môi trường kinh doanh

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Hiện là một trong số ít người phản đối việc bỏ nội dung ghi ngành nghề trong Giấy chứng nhận ĐKDN khi cho rằng, kinh doanh là quyền của tổ chức, cá nhân, nhưng trước khi kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp và phải khai báo cụ thể kinh doanh cái gì, sản xuất cái gì, ở đâu… thì cơ quan quản lý nhà nước mới cấp Giấy chứng nhận ĐKDN để tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh.

  Ai có quyền cấm kinh doanh massage, vũ trường, karaoke?  
  Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Hiện  

“Ví dụ người dân đăng ký kinh doanh karaoke, café, massage… nhưng cơ quan quản lý ở địa phương thấy trên địa bàn có quá nhiều cơ sở kinh doanh những lĩnh vực này rồi thì có thể không cấp Giấy chứng nhận ĐKDN nữa”, ông Hiện lập luận.

Ông Hiện cho rằng, quản lý kinh doanh không nên quá tả khuynh cũng không nên quá hữu khuynh để tránh sự lợi dụng.

“Hôm nay họ thành lập doanh nghiệp kinh doanh café, nhưng vài tháng sau chuyển sang kinh doanh vũ trường, massage thì quản lý thế nào? Không quản lý được thì tạo ra lỗ hổng trong quản lý nhà nước”, ông Hiện phát biểu và dẫn chứng, có doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, nhưng sau đó chuyển sang làm dịch vụ xuất khẩu lao động, thậm chí nhập thiết bị y tế “second hand” thì xã hội sẽ “lãnh đủ” hậu quả do không quản lý được.

Tuy nhiên, hầu hết các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc bỏ nội dung ghi ngành nghề kinh doanh là phù hợp với thực tế và đúng với tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, ngành nghề cấm kinh doanh được quy định cụ thể, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và những điều kiện gì cũng đã được quy định cụ thể trong các luật chuyên ngành thì ghi ngành nghề kinh doanh không còn cần thiết.

“Hôm nay tôi bán phở, ngày mai tôi bán café hay cả café lẫn phở là quyền của tôi, không ai có quyền cấm. Còn nếu anh thấy cần có điều kiện thì anh quy định cụ thể, tôi đáp ứng được điều kiện, tôi được quyền tự do kinh doanh, không ai có quyền cấm. Ví dụ vũ trường, karaoke là hoạt động kinh doanh có điều kiện, anh quy định không được mở cửa quá 24 giờ, nếu doanh nghiệp sai thì cơ quan quản lý có quyền phạt. Sau này, quy định không được bán rượu bia quá 22 giờ, nếu cơ sở kinh doanh nào vi phạm thì bị xử phạt vi phạm hành chính, cấm kinh doanh có thời hạn đối với lĩnh vực này, còn họ kinh doanh lĩnh vực khác thì không được cấm. Luật Doanh nghiệp không chế tài vấn đề này không có nghĩa là buông lỏng quản lý”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng phát biểu.

“Không thể đưa ra lý do ở địa bàn đã có đủ quán karaoke, vũ trường, massage, games… rồi mà lại không cho phép người khác kinh doanh. Kinh doanh là quyền của mọi tổ chức, cá nhân, không ai được quyền hạn chế ngoài lĩnh vực cấm và kinh doanh có điều kiện, còn nếu doanh nghiệp nào vi phạm ở khâu nào thì xử lý ở khâu đó. Ví dụ như anh kinh doanh thiết bị y tế “second hand” - lĩnh vực kinh doanh có điều kiện - mà anh không đáp ứng đủ điều kiện thì sẽ bị phạt, nếu anh gian lận, lừa đảo thì bị xử phạt với tội danh này”, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh.

Ông Lưu cho rằng, không ghi nội dung ngành nghề trong Giấy chứng nhận ĐKDN không có nghĩa là buông lỏng quản lý vì theo Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, khi có sự thay đổi về vốn điều lệ; tên, trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện, người đại diện theo pháp luật; ngành nghề kinh doanh… doanh nghiệp phải đăng ký thay đổi nội dung ĐKDN bằng cách gửi thông báo đến Cơ quan ĐKDN. Nếu doanh nghiệp nào vi phạm thì bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh nên Giấy chứng nhận ĐKDN không cần thiết phải ghi ngành nghề. 

Hiện tại, Giấy chứng nhận ĐKDN quy định ngành nghề, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh chẳng khác gì người dân phải đi “xin” và cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quyền “cho” kinh doanh cái gì mới được phép làm. Quy định này đi ngược với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 là người dân, doanh nghiệp được đầu tư, kinh doanh bất cứ cái gì, lĩnh vực nào, địa bàn nào mà pháp luật không cấm.

“Luật Doanh nghiệp sửa đổi tiếp cận vấn đề này theo phương pháp loại trừ tức là quy định cụ thể cấm cái gì, cái gì có điều kiện, còn lại cho tự do, thỏa mái kinh doanh. Thỏa mái không có nghĩa là buông lỏng, vì hàng tháng, háng quý, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thuế và cơ quan thuế vụ sẽ kiểm tra xem anh kinh doanh có đúng với nội dung mà anh khai báo với Cơ quan ĐKDN hay không, nếu anh vi phạm sẽ bị xử lý”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giải thích.

“Luật Doanh nghiệp chỉ quy định về thủ tục, nguyên tắc pháp lý về thành lập, tổ chức quản lý, mô hình quản trị, bộ máy vận hành, và giải thể doanh nghiệp nên Giấy chứng nhận ĐKDN không nhất thiết phải ghi ngành nghề. Hiện tại, mỗi một lần doanh nghiệp thay đổi ngành nghề lại phải thay đổi nội dung Giấy chứng nhận ĐKDN, nếu không thì coi như kinh doanh trái phép. Còn theo quy định mới, doanh nghiệp vẫn phải đăng ký, bổ sung, thay đổi ngành nghề nhưng chỉ khác là thông báo qua mạng Internet với Cơ quan ĐKDN, cơ quan quản lý nhà nước không có quyền từ chối khi doanh nghiệp đăng ký. Toàn bộ dữ liệu của Cơ quan ĐKDN được kết nối với cơ quan thuế nên cơ quan thuế biết chính xác doanh nghiệp đang kinh doanh cái gì, doanh thu bao nhiêu, nộp thuế thế nào và so sánh với doanh nghiệp cùng quy mô, cùng ngành nghề để biết được doanh nghiệp có gian lận thuế hay không”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giải thích.

Chia sẻ với lo lắng của ông Nguyễn Văn Hiện, song Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, không ai có quyền cấm người khác kinh doanh karaoke, massage, vũ trường…  nếu họ đáp ứng đủ điểu kiện. “Hôm nay tôi bán hàng tạp hóa, ngày mai tôi kinh doanh nước giải khát không ai có quyền cấm tôi. Cho người dân tự do kinh doanh không có nghĩa là buông lỏng quản lý. Bởi cơ quan quản lý nhà nước sẽ hậu kiểm, nếu cơ sở nào không đáp ứng đủ điều kiện thì xử phạt theo các quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói thêm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư