Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Airbus hợp tác với Việt Nam phát triển ngành công nghiệp vũ trụ
Anh Minh - 02/08/2018 14:23
 
Tập đoàn Airbus và Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST) vừa ký một ý định thư (LOI) hợp tác trong lĩnh vực không gian vũ trụ.
Vệ tinh AstroBus-S của Airbus phù hợp cho các ứng dụng có độ phân giải rất cao (VHR) kết hợp các ưu điểm của hệ thống có khối lượng thấp với hiệu suất mạnh mẽ của một nền tảng lớn hơn.
Vệ tinh AstroBus-S của Airbus phù hợp cho các ứng dụng có độ phân giải rất cao (VHR) kết hợp các ưu điểm của hệ thống có khối lượng thấp với hiệu suất mạnh mẽ của một nền tảng lớn hơn.

Các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Airbus Defence & Space và MOST bao gồm trao đổi thông tin về các vấn đề liên quan đến quan sát Trái Đất, tổ chức, tham gia các sự kiện khoa học công nghệ và nghiên cứu công nghệ vệ tinh.

Ông Nicolas Chamussy, Giám đốc Space Systems của Airbus cho biết: “Airbus và Việt Nam từng là đối tác với dự án vệ tinh VNREDSat-1 và ý định thư này sẽ tạo điều kiện cho hãng hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vũ trụ tại Việt Nam. Bản ghi nhớ này sẽ tạo điều kiện cho hai bên tiếp tục hợp tác về các chủ đề liên quan đến quan sát Trái Đất và công nghệ vệ tinh, đồng thời giúp củng cố hơn nữa mối quan hệ hợp tác song phương”.

Năm 2010, Airbus được trao hợp đồng phát triển, sản xuất và phóng vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam. VNREDSat-1 đã được phóng thành công vào tháng 5 năm 2013, giúp Việt Nam theo dõi và nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dự báo và thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai, tối ưu hóa việc quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Là một phần của chương trình VNREDSat-1, Airbus và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đã thiết lập quan hệ hợp tác song phương bao gồm các chương trình đào tạo lý thuyết và thực hành cũng như chuyển giao công nghệ cho các kỹ sư Việt Nam.
Airbus trở thành đối tác trong lĩnh vực hàng không vũ trụ ở châu Á gần 40 năm nay, cung cấp thiết bị không gian cho các nhà khai thác tàu vũ trụ địa tĩnh và quỹ đạo trái đất tầm thấp ở Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc. Airbus cũng giúp phóng vệ tinh cho các nước bao gồm Úc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Gần đây nhất vào tháng 6 năm 2018, Cơ quan Phát triển Công nghệ Vũ trụ và Tin học Địa lý (GISDTA) Thái Lan tiếp tục tin tưởng và lựa chọn Airbus làm đối tác cho hệ thống thông tin địa lý thế hệ tiếp theo THEOS-2. Tiếp nối quan hệ hợp tác thành công ở chương trình THEOS-1, thỏa thuận bao gồm phát triển một hệ thống thông tin địa lý tích hợp, phân khúc mặt đất, chương trình bổ sung năng lực toàn diện và hai vệ tinh quan sát Trái Đất.

Một hệ thống vệ tinh quang học cung cấp hình ảnh có độ phân giải mặt đất 0,5m là THEOS-2 dựa trên vệ tinh AstroBus-S do Airbus sáng tạo dự kiến sẽ ​​ra mắt vào năm 2020. Vệ tinh mới sẽ đảm bảo cung cấp dịch vụ liên tục như THEOS-1, một vệ tinh do Airbus phát triển ra mắt vào năm 2008 và tiếp tục cung cấp hình ảnh chất lượng cao sau bốn năm kể từ khi hạn sử dụng vệ tinh kết thúc.

Một hệ thống vệ tinh nhỏ bổ sung sẽ được các kỹ sư Thái Lan lắp ráp và thử nghiệm trong nước nhằm chuyển giao công nghệ và thu hút các nhà cung cấp địa phương. Hệ thống sẽ được bổ sung bởi một kế hoạch đào tạo mở rộng dựa trên chuyên môn toàn diện về tình báo địa lý của Airbus, và hệ thống sẽ giúp ngành công nghiệp địa lý không gian của Thái Lan phát triển hơn nữa.

Với 15 chương trình quốc tế đang thực hiện, Airbus là nhà xuất khẩu các hệ thống vệ tinh quan sát trái đất hàng đầu trên toàn thế giới, cung cấp các giải pháp tức thời cho các cơ quan hàng không vũ trụ dân sự và các tổ chức quốc phòng. Thừa hưởng kinh nghiệm trong việc phát triển các hệ thống vệ tinh lưỡng dụng suốt nhiều thập kỷ, AstroBus-S phù hợp cho các ứng dụng có độ phân giải rất cao (VHR) kết hợp các ưu điểm của hệ thống có khối lượng thấp với hiệu suất mạnh mẽ của một nền tảng lớn hơn.

Tại Việt Nam, ngoài vệ tinh VNREDSat-1, Airbus đã gặt hái được nhiều thành công đối với máy bay thương mại, quân sự và máy bay trực thăng. Hãng sản xuất máy bay châu Âu cũng đang tăng cường sự hiện diện công nghiệp tại Việt Nam, nơi một số công ty địa phương cung cấp các chi tiết và linh kiện cho dòng sản phẩm máy bay dân dụng của Airbus. Các hoạt động này giúp tạo việc làm toàn thời gian cho 550 công nhân lành nghề của Việt Nam.

Trong lĩnh vực giáo dục, Airbus đang hỗ trợ phát triển hai chương trình đào tạo mới tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), giúp Việt Nam đáp ứng các yêu cầu ngày càng tăng đối với các kỹ sư và chuyên gia hàng không vũ trụ.

Boeing và Airbus đua chốt đơn hàng tại triển lãm hàng không Farnborough
Hai đại gia sản xuất phi cơ tiếp tục gặt hái nhiều hợp đồng tại Triển lãm Hàng không Farnborough, với số đơn hàng máy bay thương mại khổng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư