Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Airbus hỗ trợ Việt Nam xây dựng các chương trình đạo tạo mới về ngành hàng không
Anh Minh - 28/06/2018 14:23
 
Tập đoàn Airbus vừa ký kết hai thỏa thuận với trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), với mục tiêu hỗ trợ xây dựng các chương trình mới cấp bằng tiêu chuẩn quốc tế tại Khoa Hàng không và Vũ trụ.
Ông Patrick Boiron, Hiệu trưởng trường ĐH KH&CN Hà nội và Ông Francois de Bortoli,  Giám đốc Bộ Phận Hợp tác Quốc tế của Airbus ký thỏa thuận hợp tác
Ông Patrick Boiron, Hiệu trưởng trường ĐH KH&CN Hà nội và Ông Francois de Bortoli, Giám đốc Bộ Phận Hợp tác Quốc tế của Airbus ký thỏa thuận hợp tác

Chương trình đào tạo gồm bằng Cử nhân Khoa học về Hoạt động Bảo trì và Kỹ thuật hàng không và bằng Thạc sĩ Quản trị Vận tải Hàng không. Lứa sinh viên Việt Nam đầu tiên tham gia vào 2 chương trình này có thể bắt đầu khóa học vào tháng 9 năm 2018.

Các chương trình đào tạo mới tại trường USTH được xây dựng trong mối quan hệ đối tác với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), Vietnam Airlines, Công ty Kỹ thuật Hàng không Việt Nam cũng như Trường Hàng Không Dân dụng quốc gia Pháp (Ecole Nationale de l'Aviation Civile - ENAC) và Viện Vũ trụ Hàng không Pháp (Institut Aéronautique et Spatial - IAS).

Hãng sản xuất máy bay Châu Âu sẽ hỗ trợ tài chính cho việc quản lý hai chương trình đào tạo, IAS sẽ cung cấp chuyên môn kỹ thuật và hỗ trợ đào tạo chương trình Cử nhân trong khi ENAC hỗ trợ chương trình Thạc sĩ. Airbus sẽ đóng góp tổng cộng 2,5 triệu đô la Mỹ trong khoảng thời gian từ 2018 đến năm 2023 cho các chương trình này.

Ông Jean-Francois Laval, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Quan hệ khách hàng của Airbus tại khu vực Châu Á cho biết “Airbus rất vui mừng trở thành một đối tác trong dự án quan trọng này tại Việt Nam, dự án này sẽ giúp thiết lập tiêu chuẩn cao hơn cho giáo dục đại học trong nước. Việt Nam là một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất, và dự án này sẽ giúp đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai cũng như nâng cao năng lực và kiến thức chuyên môn cho các chuyên gia trong nước hoạt động trong ngành công nghiệp hàng không.”

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) là trường đại học công lập quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, được thành lập thông qua thỏa thuân song phương giữa Pháp và Việt Nam trong năm 2009, và với sự hỗ trợ của VAST, Bộ giáo dục Pháp, Ngân hàng Phát triển Châu Á và hiệp hội các trường đại học và tổ chức nghiên cứu của Pháp.

Airbus đã có mặt tại Việt Nam từ những năm 1990 khi Airbus là chiếc máy bay sản xuất ở phương Tây lần đầu tiên được đưa vào khai thác trong nước. Hiện nay, Vietnam Airlines đang đưa vào khai thác máy bay thân rộng A350 XWB và A330 phục vụ các đường bay tầm trung trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và các đường bay dài đến các địa điểm chính tại Châu Âu và Mỹ.

Trong năm 2016, Airbus đã ký thỏa thuận cung cấp dịch vụ đào tạo bay và bảo trì cho Vietjet tại thành phố Hồ Chí Minh. Thỏa thuận này sẽ cung cấp thiết bị buồng lái giả định (Full-Flight simulator) A320 cho trung tâm đào tạo bay của Vietjet để thực hiện huấn luyện bay cho phi hành đoàn đội bay A320.

Airbus đã và đang phát triển các quan hệ đối tác công nghiệp tại Việt Nam. Tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh, Artus Việt Nam là nhà cung cấp thiết bị điện tử và cơ điện cho máy bay Airbus trong 20 năm qua. Hiện nay, công ty đang cung cấp linh kiện giúp hoàn thiện các dòng máy bay của Airbus (A320, A330, A350 XWB và A380).

Nikkiso Việt Nam tại Hà Nội cung cấp xà dọc và tấm chắn bằng composite cho thiết bị đầu cánh Sharklet của dòng máy bay A320 từ tháng 4 năm 2015. Sau đó công ty được trao thêm bốn gói thầu vào năm 2016, bao gồm hộp mô-men xoắn và các bộ phận cửa khoang chứa hàng cho máy bay A350 XWB, cùng  các chi tiết đầu cánh và bộ phận lái ở đuôi cánh máy bay A330 neo.

Các chương trình phát triển máy bay của Airbus tạo việc làm cho 550 công nhân lành nghề của Việt Nam, và con số này sẽ tăng lên 1.200 người vào năm 2020. Airbus cũng đang tích cực tìm kiếm các cơ hội để có thêm nhiều gói công việc được thực hiện tại Việt Nam. Airbus cũng đang làm việc với FPT Software, một công ty Việt Nam chuyên cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin nhằm tăng cường phát triển hệ sinh thái cho Skywise - nền tảng dữ liệu hàng không mở - trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nền tảng này bao gồm một hệ thống đào tạo phục vụ bên thứ ba và các nhà phát triển phần mềm ở Việt Nam cũng như trong khu vực.

NAVBLUE, công ty con của Airbus về điều hành bay và các dịch vụ quản lý không lưu, đang làm việc với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống kiểm soát không lưu trong nước. Việc này sẽ giúp cải thiện việc sử dụng không phận và lưu lượng giao thông, đặc biệt là quanh khu vực Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Airbus cũng hỗ trợ Việt Nam nâng cao các tiêu chuẩn an toàn hàng không trong nước bằng cách hợp tác với ENAC phát triển và thực hiện chương trình đào tạo thạc sĩ được công nhận bởi Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO). Chương trình đào tạo bắt đầu tuyển sinh vào tháng 2 năm 2018 với đối tượng tham gia đến từ các cơ quan chính phủ Việt Nam, các hãng hàng không và các nhà khai thác sân bay.

Điều gì đã làm nên đế chế Airbus?
Có quá nhiều điều có thể nói về đế chế Airbus, một trong hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới. Nhưng cái cách mà Airbus, tập đoàn công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư