Thứ Ba, Ngày 29 tháng 04 năm 2025,
Ẩm thực Nhật Bản hút khách hạng sang
Anh Hoa - 29/04/2025 08:53
 
Ẩm thực truyền thống của Nhật Bản đang trở nên khá thịnh hành ở thị trường nước ngoài. Tại Việt Nam, các nhà hàng Nhật Bản ngày càng đa dạng về mô hình và luôn là điểm đến của thực khách hạng sang.
Các đầu bếp nhà hàng Nhật Bản dành trọn tâm huyết và sự sáng tạo trong từng món ăn
Các đầu bếp nhà hàng Nhật Bản dành trọn tâm huyết và sự sáng tạo trong từng món ăn

Hút khách hạng sang

Du khách quốc tế ngày càng quan tâm nhiều hơn đến ẩm thực cao cấp Nhật Bản, nhưng không phải lúc nào cũng có cơ hội thưởng thức. Lý do thường thấy là không gian nhà hàng phong cách Nhật Bản thường có diện tích nhỏ, nên thường xuyên gặp tình trạng kín bàn từ sớm. Mặc dù các nhà hàng tại Nhật Bản muốn tiếp đón khách nước ngoài nhiều hơn, nhưng việc đặt bàn đang trở nên khó khăn, khi các nhà hàng ngày càng nổi tiếng.

Nhằm giảm bớt áp lực của tình trạng quá tải khách du lịch, Nhật Bản đang tìm cách chuyển trọng tâm du lịch từ số lượng sang chất lượng, vì số lượng thực khách muốn trải nghiệm ẩm thực cao cấp đang vượt xa nguồn cung. Với một số nhà hàng gắn sao Michelin, du khách phải đặt trước nhiều tháng, thậm chí cả năm.

Theo khảo sát của JETRO, TP.HCM là địa phương có số lượng nhà hàng Nhật Bản đông nhất cả nước, khoảng 60% ông chủ các nhà hàng là người Nhật, còn lại do người Việt mở kinh doanh hoặc hợp tác. Về chân dung thực khách, 90% thực khách của các quán này là người Việt, dù ban đầu, nhà hàng Nhật Bản được mở ra để phục vụ cộng đồng người Nhật Bản đang sinh sống, làm việc ở Việt Nam.

Xu hướng bùng nổ nhà hàng Nhật Bản không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà còn phổ biến ở các nước khác trong khu vực. Ẩm thực Nhật Bản được đánh giá cao về cân bằng dinh dưỡng, ngon, tươi và chất lượng cao.

Có thể nói, ẩm thực đẳng cấp thế giới của Nhật Bản là yếu tố chính thu hút du khách khá giả và thúc đẩy họ chi tiêu nhiều hơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều chủ nhà hàng cho rằng, du khách nước ngoài chỉ có thể ghé qua nhà hàng một lần, họ không thể trở thành khách hàng thường xuyên. Thực tế là, vẫn còn một số nhà hàng nỗ lực thu hút thêm thực khách bản xứ và khiến họ trở thành khách quen.

Nhật Bản cũng kỳ vọng sẽ lan tỏa sức ảnh hưởng của ẩm thực chuẩn truyền thống ra nước ngoài và Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm.

Lý do đầu tiên là, doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng rót vốn nhiều hơn vào Việt Nam. Theo kết quả khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2024 được Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội thực hiện, có tới 56,1% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có mong muốn mở rộng kinh doanh trong 1 - 2 năm tới, tỷ lệ này đứng đầu khu vực ASEAN.

Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2025 tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ năm 2024, với mức tăng 665%. Lũy kế đến hết tháng 2/2025, với tổng vốn đầu tư hơn 78,644 tỷ USD, Nhật Bản đứng thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam.

Hơn nữa, quý I/2025 chứng kiến con số kỷ lục trong lịch sử du lịch với hơn 6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, đánh dấu bước tăng trưởng ngoạn mục, mở ra triển vọng mới cho ngành du lịch.

Đặc biệt, thị trường Việt Nam đang tăng trưởng nhanh nhu cầu tiêu dùng cao cấp. Báo cáo Wealth Report cho thấy, Việt Nam tiếp tục có những bước tiến trong bức tranh thịnh vượng toàn cầu. Năm 2024, theo mô hình định lượng tài sản của Knight Frank, đo lường quy mô của nhóm dân số thượng lưu trên toàn cầu, Việt Nam chiếm 0,2% tổng số cá nhân có tài sản ròng trên 10 triệu đô la Mỹ, với 5.459 cá nhân, đứng vị trí thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á.

Những yếu tố trên trở thành động lực để Đại sứ văn hóa ẩm thực Nhật Bản Tomisawa Hirokazu, thường trực Hội đồng Trị sự Liên hiệp hội Nghiên cứu ẩm thực Nhật Bản truyền thống đến Việt Nam nhiều hơn.

Lần đầu tiên, Liên hiệp hội Nghiên cứu ẩm thực Nhật Bản truyền thống mở chi hội ở nước ngoài và đã lựa chọn Việt Nam. Lá cờ biểu tượng của Hội đã hiện diện tại chuỗi nhà hàng Hatoyama và nhà hàng Okita ở Việt Nam.

“Khi mang lá cờ biểu tượng sang trao cho Chi hội ở Việt Nam, chúng tôi đặt kỳ vọng đưa quy mô hoạt động của Hội nói riêng và ẩm thực Nhật Bản truyền thống nói chung ra thế giới. Nó mang ý nghĩa tinh thần rất quan trọng nhằm truyền tải sự tinh túy của ẩm thực Nhật Bản đúng nghĩa, không phải là ẩm thực Nhật Bản biến tướng”, ông Tomisawa Hirokazu cho biết.

Ngoài ra, vì mang trọng trách là Đại sứ phát triển văn hóa ẩm thực, nên ông Tomisawa Hirokazu sẽ không nhắm vào một vài nguyên liệu, mà sẽ quảng bá những triết lý ẩm thực và những nguyên liệu chế biến chỉ Nhật Bản mới có. Chúng sẽ được kết hợp với gia vị của Việt Nam, tôn trọng tự nhiên để giữ lại hương vị đúng nhất.

Đặc biệt, với tốc độ tăng trưởng hiện tại của ngành du lịch, Nhật Bản đang thiếu hụt nhân viên phục vụ có kinh nghiệm và kỹ năng tại các chuỗi nhà hàng. Họ có thể phải tìm cách thu hút lao động nước ngoài để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực nếu muốn duy trì mục tiêu phát triển đến năm 2030. Do đó, Chính phủ Nhật Bản có thể thông qua Chi hội ẩm thực để đào tạo, thúc đẩy văn hóa ẩm thực Nhật Bản đến Việt Nam, bao gồm những thương hiệu đang tranh hùng trên thị trường.

Ông Tomisawa cho rằng, với những điều đã biết và học được ở Việt Nam, ông luôn muốn áp dụng vào các món Nhật hiện đại của mình. Ông khẳng định luôn muốn sáng tạo ra những món ăn mới, vì việc phát triển và áp dụng những kỹ thuật, triết lý ẩm thực mới chính là giữ gìn và bảo tồn những giá trị văn hóa của ẩm thực truyền thống.

Dồn lực đầu tư sự tinh túy của ẩm thực Nhật Bản

Sự đón nhận của nhiều người dân Việt Nam với ẩm thực Nhật Bản đã khiến số lượng nhà hàng Nhật Bản tại thị trường Việt Nam tăng nhanh chóng. Tại TP.HCM, nếu như trước đây, nhà hàng Nhật Bản chỉ được mở ở một số khu vực như Lê Thánh Tôn, Thi Sách, Ngô Văn Năm (quận 1)... để phục vụ người Nhật Bản đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM, thì hiện nay, có thể dễ dàng tìm thấy nhiều nhà hàng Nhật Bản ở nhiều quận khác.

Tại Hà Nội, các nhà hàng Nhật Bản cũng ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu của đông đảo thực khách, thường xuất hiện tại các tuyến phố như Đào Tấn, Nguyễn Chí Thanh, Bà Triệu… Cùng với sự gia tăng số lượng nhà hàng Nhật Bản, các món Nhật Bản cũng ngày càng đa dạng, từ các loại sushi, sashimi, tempura, đến các món chế biến mang đặc trưng hơn như mì ramen Nhật Bản, gà nướng Nhật Bản... Có thể nói, nhà hàng Nhật Bản ở Việt Nam ngày càng đa dạng về mô hình, hương vị.

Sự phát triển mạnh mẽ của các chuỗi nhà hàng Nhật Bản đã đặt doanh nghiệp Việt Nam vào cuộc cạnh tranh dịch vụ không dễ dàng. Số lượng nhà hàng Nhật Bản tăng nhanh, nhưng cũng không ít trong số đó đã phải đóng cửa hoặc thay đổi cách thức phục vụ.

Đại diện của JETRO chia sẻ, nhiều người đến nhà hàng Nhật Bản không chỉ để thưởng thức món ăn, mà họ còn muốn trải nghiệm văn hóa, lối sống Nhật Bản. Kiến trúc, không gian của các nhà hàng Nhật Bản đều được đầu tư, chăm chút tỉ mỉ.

TS. Đinh Minh, Chủ tịch Hệ thống thế giới ẩm thực Miresto (tên tuổi sở hữu, vận hành chuỗi nhà hàng hải sản Nhật Bản Hatoyama và Nhà hàng Okita) chia sẻ, trong năm nay, Miresto sẽ dừng mở rộng các nhà hàng, thay vào đó sẽ phát triển theo chiều sâu, tập trung vào chất lượng tinh túy của ẩm thực, phục vụ chu đáo nhất cho các thực khách.

Ông cũng cho hay, các nhà hàng  Hatoyama, Okita sở hữu nhiều yếu tố độc quyền. Trong đó, điểm nhấn chính là các đầu bếp miệt mài kiếm tìm sự sáng tạo trong từng món ăn để làm hài lòng thực khách, trở thành người truyền cảm hứng trên hành trình xây dựng chiếc cầu nối giữa hai nền văn hóa ẩm thực Việt Nam - Nhật Bản. Điển hình như đầu bếp Nguyễn Văn Cường (Kyo Nguyễn), người từng phục vụ nguyên Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama và đầu bếp Fuku Nguyễn (Nguyễn Bá Phước) - người Việt Nam đầu tiên và là người nước ngoài thứ 9 trên thế giới đạt Huy hiệu Vàng “Taste of Japan” do Chính phủ Nhật Bản cấp.

Không chỉ vậy, các thực đơn (menu) độc quyền tại chuỗi nhà hàng này cũng là một trong những điều hấp dẫn thực khách. Chẳng hạn, menu mới “Kisetsu no Kawarime” được sáng tạo bởi Đại sứ Văn hóa ẩm thực Nhật Bản Tomisawa Hirokazu. Đây không chỉ là một bữa tiệc đậm chất Nhật Bản, mà là một nghi lễ thưởng mùa bằng cả 5 giác quan, nơi vị giác được thắp sáng bởi ánh dịu dàng của đất trời chuyển mình.

Có thể nói, khi thị trường phát triển, thu hút nhiều tên tuổi tham gia, những nỗ lực nói trên sẽ giúp món ăn Nhật Bản tại Việt Nam được nâng cấp, truyền tải một cách đúng đắn tới thực khách Việt Nam nhiều hơn nữa.

Hiệp hội ẩm thực Nhật Bản khảo sát chè san tuyết Hoàng Su Phì
Vườn chè cổ thụ lớn nhất Hà Giang với hơn 20 gốc chè cổ thụ Shan tuyết có độ tuổi khoảng 400 đến 600 năm
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư