Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
An Phát Finance: Một đồng vốn gánh tới 20 đồng nợ vay
Thanh Thủy - 17/02/2020 13:44
 
Tình trạng một đồng vốn “cõng” 3, 4 hay tới chục đồng nợ vay trái phiếu là một trong các vấn đề đã cơ quan chức năng nhận diện, đề nghị quy định chặt chẽ hơn ở nghị định mới sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2018 đang trình Chính phủ.

Công ty Cổ phần An Phát Finance vừa công bố bản báo cáo tài chính tóm tắt chỉ vỏn vẹn một trang giấy.  Dù các thông tin cung cấp không nhiều, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu ghi nhận sự thay đổi  đáng chú ý từ mức 3,47 lần năm ngoái lên 20,36 lần trong năm 2019. Như vậy, trong cơ cấu tổng nguồn vốn của An Phát Finance, nợ vay đóng góp tới hơn 95%.

Doanh nghiệp này đã huy động được 200 tỷ đồng từ kênh phát hành trái phiếu thông qua 4 đợt phát hành trong tháng 11 và tháng 12/2019. Trong khi đó, vốn điều lệ của doanh nghiệp chỉ vỏn vẹn 10,23 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hai năm gần đây chỉ lần lượt đạt 23,4 triệu đồng (2018) và 12,6 triệu đồng (2019). Với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu chưa đến 0,3%, phần lợi nhuận để lại hàng năm không đáng kể. Tình trạng vốn mỏng trong khi mạnh tay đi vay là nguyên nhân khiến tỷ lệ nợ của An Phát Finance vọt lên cao so với mặt bằng chung.

An Phát Finance công bố báo cáo tài chính tóm tắt
An Phát Finance công bố báo cáo tài chính tóm tắt với vỏn vẹn 4 chỉ tiêu

Thực tế, việc các doanh nghiệp chỉ có một đồng vốn, nhưng lại “cõng” 3, 4 hay tới chục đồng nợ đã xuất hiện nhiều trong giai đoạn kênh huy động vốn từ trái phiếu “nóng” lên ba năm qua. Thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, chỉ trong 11 tháng đầu năm 2019, 28/177 doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu (chiếm 27,8% tổng khối lượng phát hành). Trong số này có 11 doanh nghiệp có khối lượng phát hành vượt 50 lần vốn chủ sở hữu, 6 doanh nghiệp có khối lượng phát hành vượt 100 lần vốn chủ sở hữu. 

Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018, Bộ Tài chính đã bổ sung thêm quy định khối lượng trái phiếu được phát hành đảm bảo dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu. “Việc này sẽ hạn chế tình trạng doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ phát hành trái phiếu với khối lượng lớn tiềm ẩn rủi ro cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu”, cơ quan soạn thảo nêu.

Hiện An Phát Finance đã phát hành trái phiếu, tổng giá trị 200 tỷ đồng. Nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu ban đầu đều là các tổ chức. Tuy nhiên, theo cập nhật vào ngày 17/1, các nhà đầu tư cá nhân đã mua lại 51,6 tỷ đồng. Đây phần lớn là số trái phiếu phát hành cuối tháng 8/2019 (49,6 tỷ đồng).

Các trái phiếu đều có kỳ hạn 3 năm với lãi suất 11%/năm chi trả mỗi 3 tháng. Trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Chứng khoán Stanley Brothers là tổ chức tư vấn và đại lý phát hành.

Giá trị trái phiếu phát hành của An Phát Finance
Giá trị trái phiếu phát hành của An Phát Finance
Trang mới của GTNFoods và Vilico
GTNFoods và Vilico là hai doanh nghiệp đầu tiên khởi động cho mùa ĐHĐCĐ thường niên năm 2020. Cuộc họp diễn ra chỉ một ngày sau khi bản báo cáo tài...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư