Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 01 năm 2025,
Ấn tượng với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao tại Hải Phòng
Quỳnh Nga - 14/05/2023 08:40
 
Không khí vui tươi, sôi nổi, ấn tượng và đặc sắc là điều mà du khách cùng người dân địa phương cảm nhận được trong chuỗi hoạt động nhân kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2023).

Mãn nhãn màn biểu diễn Dù lượn có động cơ

Chiều 13/5, tại Khu đô thị Bắc Sông Cấm, TP. Hải Phòng đã tổ chức bay biểu diễn Dù lượn có động cơ với chủ đề “Bay lên miền cửa biển”.

Phát biểu khai mạc, bà Phạm Thị Tô Trang, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hải Phòng cho biết: “ Đây là sự kiện nằm trong chuỗi 31 hoạt động thiết thực kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Hải Phòng và chào mừng Lễ hội Hoa Phượng Đỏ lần thứ 10 với chủ đề “Hải Phòng - tỏa sáng miền cửa biển”. Chương trình đã góp phần tạo điểm nhấn đặc trưng, giới thiệu quảng bá các hình ảnh đẹp về du lịch, thể thao, miền đất, con người và TP. Hải Phòng”.

Phi công biểu diễn Dù lượn đang chuẩn bị cho tiết mục bay. Ảnh Quỳnh Nga
Phi công biểu diễn Dù lượn đang chuẩn bị cho tiết mục bay. Ảnh: Quỳnh Nga

Chương trình với sự góp mặt của các phi công đến từ nhiều câu lạc bộ dù lượn và dù lượn có động cơ như: Đông Bắc, Đất Cảng, Vietwing, hội Dù lượn Hà Nội, Kinh Bắc, Blue Sky, Hi Sky team, Skyrider team pilot…

Các phi công biểu diễn theo đội hình mang theo cờ Tổ quốc bay lượn trên bầu trời Thành phố, thả pháo khói, pháo sáng.
Các phi công biểu diễn theo đội hình mang theo cờ Tổ quốc bay lượn trên bầu trời Thành phố, thả pháo khói, pháo sáng. Ảnh: Quỳnh Nga

“Thông qua sự kiện bay biểu diễn dù lượn có động cơ, các câu lạc bộ mong muốn góp phần xây dựng hình ảnh, diện mạo về một Thành phố thông minh, thân thiện, văn minh, lịch thiệp trong mắt bạn bè và quốc tế. Đồng thời, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của bộ môn Dù lượn có động cơ tại Hải Phòng nói riêng cùng như Việt Nam nói chung”, ông Đoàn Mạnh Nguyên, Giám đốc kỹ thuật, đại diện câu lạc bộ thể thao Hàng không Đất Cảng chia sẻ.

Anh Sỹ Hiện, thuộc câu lạc bộ Đông Bắc, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ sau khi thực hiện xong màn biểu diễn: “ Với kinh nghiệm bay 5 năm, mỗi lần thực hiện một điểm bay mới là một cảm xúc rất riêng đối với phi công chúng tôi. Với độ cao bay khoảng 300 m được ngắm toàn cảnh thành phố Hải Phòng đem đến cho tôi cảm giác rất thích thú. Đến Hải Phòng thì tôi thực sự ấn tượng bởi sự nhiệt tình, hưởng ứng của người dân địa phương khi xem chúng tôi biểu diễn”.

Mãn nhãn với tiết mục Dù lượn.
Các phi công đang thực hiện bay Dù lượn. Ảnh: Quỳnh Nga

Cô Hoàng Thị Loan, quận Hồng Bàng bày tỏ: “ Được biết qua phương tiện thông tin truyền thông về chương trình, cô cùng chú đã sang đây để được xem trực tiếp các phi công thực hiện bay Dù lượn. Lần đầu tiên được xem biểu Dù lượn tại ngay chính thành phố mình thế này ấn tượng lắm”.

Đặc sắc lễ hội Áo dài “Di sản miền cửa biển”

Trước đó, tối ngày 12/5 tại Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang đã tưng bừng tổ chức Lễ hội Áo dài năm 2023 đặc sắc, ấn tượng với chủ đề “Di sản miền cửa biển”.

Lễ hội càng thêm vui và ấn tượng với sự tham dự của bà Teresa Maria Amarelle Boué, Tổng thư ký Hội Liên hiệp Phụ nữ Cuba, Trưởng đoàn đại biểu Hội Liên hiệp Phụ nữ Cuba cùng đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương trong Thành phố.

Màn trình diễn áo dài. Ảnh: Vũ Quỳnh
Màn trình diễn áo dài. Ảnh: Vũ Quỳnh

Phát biểu khai mạc tại, bà Vũ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hải Phòng cho biết: “Lễ hội không những truyền cảm hứng về tình yêu áo dài, tiếp tục hành trình mang Áo dài đến gần hơn với đời sống sinh hoạt thường ngày của người Việt mà còn khơi dậy, tái hiện những không gian, giá trị văn hoá đặc sắc gắn liền với mảnh đất và con người Hải Phòng. Với nhiều hoạt động hấp dẫn và độc đáo, Lễ hội hứa hẹn đem đến cho phụ nữ, người dân thành phố, du khách cả nước và bạn bè quốc tế những cung bậc cảm xúc đáng nhớ và những trải nghiệm tuyệt vời về thành phố Cảng”, bà Vũ Thị Kim Liên nhấn mạnh.

Xuyên suốt chương trình là sự tôn vinh vẻ đẹp tà áo dài truyền thống, di sản văn hóa dân tộc qua các bộ sưu tập chủ đề “Miền ký ức”, “Vũ điệu ngày mới”. Dưới bàn tay sáng tạo, khéo léo của đội ngũ thiết kế đến từ Áo dài An An cùng màn trình diễn của 200 người mẫu chuyên nghiệp, áo dài được khắc họa sinh động, ấn tượng, từ thuở sơ khai đến những thay đổi, đặc trưng qua từng thời kỳ lịch sử. Biệt, nổi bật trên những tà áo dài hiện đại là hình ảnh các địa danh thân thuộc, gắn bó với đất và người Hải Phòng như: Nhà hát lớn, Ga Hải Phòng, Bưu điện thành phố, sông Tam Bạc… và sắc thắm hoa phượng đỏ - biểu trưng của thành phố Cảng.

Màn trình diễn áo dài. Ảnh: Vũ Quỳnh
Màn trình diễn áo dài. Ảnh: Vũ Quỳnh

Tại lễ hội với sự tham gia của hơn 1.000 cán bộ, hội viên phụ nữ thành phố với trang phục áo dài truyền thống đã tạo nên một hình ảnh thật đẹp và ấn tượng.

 Ấn tượng màn diễu hành của cảnh sát cơ động

Cũng vào tối 12/5, tại khu vực Nhà hát lớn TP. Hải Phòng, lần đầu tiên đoàn Đoàn Nghi lễ Công an Nhân dân thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an tổ chức biểu diễn chương trình diễu hành phục vụ người dân, du khách.

Đoàn biểu diễn tại quảng trường Nhà hát thành phố.
Đoàn biểu diễn tại quảng trường Nhà hát thành phố.

Đoàn nghi lễ xếp thành khối 6 hàng dọc, diễu hành xung quanh khu vực Nhà hát lớn thành phố Hải Phòng và trình diễn dừng tại 7 điểm từ Sân Cột cờ - Quang Trung - Tượng đài Nữ tướng Lê Chân - Nguyễn Đức Cảnh - Trần Phú - Đinh Tiên Hoàng - Nhà hát Thành phố. Chiêu dài quãng đường diễu hành khoảng 1,5 km. Chương trình có sự tham gia của 80 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động, nghệ sỹ, diễn viên.

Những cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Nghi lễ đã biểu diễn diễu hành nhiều tác phẩm nổi tiếng về quê hương đất nước, như: “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Bến cảng quê hương tôi”, “Hành khúc Công an nhân dân”, “Hát mãi khúc quân hành”, “Thành phố hoa phượng đỏ”, “Từ một ngã tư đường phố”…

Đoàn diễu hành qua các tuyến phố.
Đoàn diễu hành qua các tuyến phố.

Màn diễu hành đường phố của Cảnh sát cơ động là hoạt động góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ chiến sĩ Cảnh sát cơ động. Bên cạnh đó, hoạt động còn là dịp để các chiến sĩ tăng cường thêm mối quan hệ mật thiết với người dân nơi đây.

Đầu tư cho văn hóa cũng là đầu tư cho phát triển bền vững
Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đã nêu: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư