Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 05 năm 2024,
Đầu tư cho văn hóa cũng là đầu tư cho phát triển bền vững
Thanh Sơn - 13/05/2023 17:03
 
Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đã nêu: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Đây cũng chính là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của TP. Hải Phòng trong quá trình xây dựng và phát triển.

Phóng viên Báo Đầu tư đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng về vấn đề này.

Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng.

Là người đứng đầu ngành văn hóa, thể thao Hải Phòng, theo bà, đâu là những giá trị tạo nên đặc trưng riêng về văn hóa, con người Hải Phòng?

Hải Phòng là thành phố có rất nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, mang đậm truyền thống chung của dân tộc Việt Nam. Ngay từ thuở khai dựng vùng đất này, con người Hải Phòng xưa đã bộc lộ được khí phách, bản lĩnh rất đáng khâm phục.

Nữ tướng Lê Chân được coi là người có công khai hoang, lập ấp dựng lên Trang An Biên xưa. Với vị trí tiền tiêu khu vực Đông Bắc, đối đầu với sự khốc liệt của tự nhiên vùng cửa biển, “Hải tần phòng thủ” đã khẳng định vị thế của vùng đất “đầu sóng ngọn gió” này và cũng tạo nên tính cách cùng nhiều giá trị văn hóa của người dân nơi đây. Trải qua suốt quá trình mở đất, dựng nước, giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc, đã hình thành nên các miền quê văn hiến, các di tích lịch sử, văn hóa, sinh hoạt, phong tục tập quán... Những yếu tố văn hóa đó vừa mang nét chung của văn hóa Việt Nam, vừa thể hiện sắc thái riêng, độc đáo của người Hải Phòng hôm nay.

Trải qua các cuộc chiến tranh chống thực dân, đế quốc, Hải Phòng đã chung sức cùng cả nước dũng cảm, không quản hy sinh để đánh đuổi quân xâm lược, chi viện sức người, sức của cho miền Nam, giành lại độc lập, thống nhất non sông. Ngày những tên thực dân Pháp rút khỏi Hải Phòng đã để lại dấu ấn lịch sử: Ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955). Để từ đây, hàng triệu người con Thành phố cảng “trung dũng, quyết thắng” vững bước xây dựng chủ nghĩa xã hội. Để hôm nay, Hải Phòng vẫn xứng tầm vị thế của một thành phố lớn, một cực tăng trưởng, một đầu tàu kinh tế của cả nước.

Đặc trưng của vùng đất cửa biển, miền sóng, miền gió đầy chất thơ, khí phách, hiên ngang Hải Phòng vốn đậm sâu trong mỗi người dân nơi đây. Văn hóa truyền thống, môi trường sống đầy chất liệu đã là cái nôi nuôi dưỡng tinh hoa, sản sinh ra nhiều nhân tài trong thơ ca, nhạc, họa nổi tiếng. Đó là những tên tuổi lớn như Văn Cao, Trần Văn Cẩn, Đoàn Chuẩn, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng... và những tác phẩm giá trị để đời cho nhiều thế hệ sau này.

Những năm gần đây, song hành với phát triển kinh tế, Hải Phòng rất quan tâm đẩy mạnh nhiều giải pháp, đề án đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa. Thành phố đã ban hành Đề án Quy hoạch Tổng thể phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, xác định: “Tập trung xây dựng nền văn hóa tiên tiến, mang đặc trưng của Hải Phòng, có vị trí xứng đáng trong nền văn hóa Việt Nam và hội nhập văn hóa quốc tế, thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Xây dựng con người Hải Phòng phát triển toàn diện, mang đặc trưng của Thành phố cảng thật sự cầu thị, cởi mở, năng động, thích ứng nhanh với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, có tầm nhìn xa, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thành phố và đất nước”...

Đề án này dần được cụ thể hóa bằng những giải pháp cụ thể trong những năm tiếp theo và thành quả thấy rõ ở một số quyết sách. Nổi bật là việc mạnh dạn đầu tư và phát triển chương trình “Sân khấu truyền hình Hải Phòng”, giữ nguyên cả 5 đoàn nghệ thuật (Chèo, Cải lương, Kịch nói, Múa rối, Ca múa nhạc) đã tạo cơ hội và động lực cho nghệ sĩ cống hiến...

Có thể nói, Hải Phòng không chỉ tìm được hướng đi đúng cho nghệ thuật sân khấu, mà còn giúp tạo thói quen thưởng thức nghệ thuật lành mạnh cho người dân.

Tất cả những cái đó tạo nên bề dày truyền thống, hun đúc tính cách của người Hải Phòng. Đó chính là vốn quý, là nền tảng, là động lực cần được phát huy.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng nhanh và sâu rộng như hiện nay, văn hóa, con người Hải Phòng được nhìn nhận thế nào, thưa bà?

Văn hóa, con người có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của đất nước. Truyền thống, văn hóa và bản lĩnh, tính cách con người Hải Phòng là nguồn lực quan trọng, vốn quý, là nền tảng, động lực cần được phát huy mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng và phát triển Hải Phòng. Thực tế, trong các giai đoạn lịch sử xây dựng và phát triển, người dân Hải Phòng luôn biết thể hiện những phẩm chất quý báu đó để vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ bởi thiên tai, địch họa và vượt qua cả chính mình để đi tới thành công.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, đến nay, hệ giá trị văn hóa Hải Phòng tiếp tục được hun đúc, kết tinh, hội tụ và tỏa sáng. Đó chính là tình yêu thành phố quê hương, ý chí tự lập, tự cường, nghị lực và tầm nhìn hội nhập quốc tế rộng lớn, luôn đoàn kết cộng đồng, sáng tạo, lạc quan và không bao giờ chịu khuất phục trước những nghịch cảnh. Công cuộc đổi mới của đất nước, của Thành phố đã đưa Hải Phòng phát triển nhanh, hiện đại và bền vững. Đây chính là thời điểm để các giá trị văn hóa, đặc trưng tính cách tốt đẹp của con người Hải Phòng - nguồn tài nguyên nhân văn quý báu, “sức mạnh mềm” riêng biệt của Hải Phòng được khơi dậy, nhân lên và phát huy cao độ.

Có thể nói, mỗi người dân Thành phố đang cảm nhận rõ nhất về các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc mà chính họ đã có công đóng góp và xứng đáng được thụ hưởng. Bởi thế, Hải Phòng đang tràn đầy sức sống mới, nội lực mới, mỗi người Hải Phòng đều luôn tự hào và cống hiến hết mình vì sự phát triển của Thành phố cảng.

Văn hóa, theo chia sẻ của bà, đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển bền vững của Hải Phòng. Vậy việc đầu tư cho phát triển văn hóa của Hải Phòng hiện có thỏa đáng?

Bản sắc văn hóa được xác định là tài nguyên vô cùng quý giá, làm nền tảng phát triển kinh tế, xã hội của mỗi vùng miền, địa phương. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI yêu cầu quan tâm tới việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa, lịch sử đặc biệt của Hải Phòng, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống lịch sử, hào hùng của quê hương, đất nước trong các tầng lớp nhân dân, tạo thành nguồn lực để thúc đẩy sự nghiệp xây dựng, phát triển Thành phố.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, đến nay, hệ giá trị văn hóa Hải Phòng tiếp tục được hun đúc, kết tinh, hội tụ và tỏa sáng. Đó chính là tình yêu thành phố quê hương, ý chí tự lập, tự cường, nghị lực và tầm nhìn hội nhập quốc tế rộng lớn.

 

Cuối năm 2022, UBND TP. Hải Phòng ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn TP. Hải Phòng.

Cụ thể hóa nhiệm vụ trên, là đơn vị chủ chốt, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng đã tham mưu Thành phố tiếp tục duy trì thực hiện, phát huy các chương trình như Sân khấu truyền hình Hải Phòng; xây dựng các video tuyên truyền, quảng bá các di tích lịch sử của Thành phố; số hóa di sản; tổ chức Cuộc thi sáng tác tìm biểu tượng của Hải Phòng.

Sở tham mưu UBND Thành phố xếp hạng 22 di tích, trong đó có một di tích cấp quốc gia. Cấp giấy chứng nhận đăng ký di vật cổ vật đối với 344 cổ vật. Đề nghị Thành phố báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đối với 15 cổ vật là bảo vật quốc gia. Đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có quyết định công nhận đối với 2 di sản văn hóa là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm Lễ hội Từ Lương Xâm và Lễ hội Ngũ Linh Từ.

Về lâu dài, ngành văn hóa thực hiện các đề án, kế hoạch trọng tâm, trọng điểm với hy vọng tạo bước đột phá về hoạt động văn hóa, nghệ thuật Hải Phòng. Sẽ điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện chính sách phát hiện, lựa chọn, bồi dưỡng và tôn vinh đối với hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Xây dựng Đề án nâng cấp Trường trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch thành Trường cao đẳng; lập dự án đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa lớn của Thành phố có quy mô cấp vùng; xây dựng Đề án Số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố. Tập trung đầu tư cho Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm và di tích danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà. Nghiên cứu, khôi phục và bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của con người Hải Phòng.

Phấn đấu đến năm 2030, có 100% thiết chế, công trình văn hóa cấp thành phố được đầu tư xây mới và nâng cấp, cải tạo có trang bị cơ sở vật chất hiện đại; các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Thành phố được đầu tư nâng cấp; 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có trung tâm văn hóa - thể thao, đảm bảo quy mô, chất lượng theo quy định. 100% di tích quốc gia đặc biệt và 100% di tích quốc gia trên địa bàn Thành phố được tu bổ, tôn tạo; 90% số di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xây dựng đề án, chương trình bảo vệ và phát huy giá trị. Phấn đấu quần đảo Cát Bà được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi tên vào Danh mục Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà.

Có thể thấy, các dự án, kế hoạch mà sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng đang hướng tới nhằm nỗ lực cao nhất thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm văn hóa lớn, mang bản sắc riêng. Quá trình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Hải Phòng sẽ thành công hơn nữa nếu tiếp tục có sự đồng hành của các cấp, ngành, địa phương liên quan và các văn nghệ sĩ cũng như các tầng lớp nhân dân.

Hải Phòng: Sôi động chuỗi hoạt động văn hóa dịp 13/5 và Lễ hội Hoa Phượng Đỏ
Các hoạt động kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2023) và Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2023 đang diễn ra sôi nổi với nhiều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư