Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Anh, EU không có dấu hiệu xoa dịu xung đột hậu Brexit
Lê Quân - 14/06/2021 07:54
 
Anh và EU cho thấy rất ít dấu hiệu xoa dịu tranh chấp thương mại hậu Brexit bởi hai bên vẫn tái khẳng định lập trường đối lập, kể cả sau khi Mỹ khuyến khích họ đi đến thỏa hiệp.
Thủ tướng Anh Boris Johnson (bìa trái) được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen chào đón tại tòa nhà Berlaymont, trụ sở EU ở Brussels vào ngày 9/12/2020. Ảnh: AFP
Thủ tướng Anh Boris Johnson (bìa trái) được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen chào đón tại tòa nhà Berlaymont, trụ sở EU ở Brussels vào ngày 9/12/2020. Ảnh: AFP

Kể từ khi Anh hoàn tất việc rời EU (Brexit) vào cuối năm ngoái, quan hệ giữa hai bên đã trở nên xấu đi khi cả hai đều cáo lẫn nhau về hành động thiếu thiện chí đối với một phần của thỏa thuận Brexit, bao gồm các vấn đề biên giới với Bắc Ireland.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở vùng Cornwall (Anh) hôm 12/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và hai quan chức hàng đầu của EU là Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel.

EU khẳng định lại với London rằng họ chắc chắn sẽ thực hiện đầy đủ thỏa thuận Brexit và áp dụng các biện pháp kiểm tra đối với một số hàng hóa được vận chuyển từ Anh đến vùng Bắc Ireland. Trong khi Anh một lần nữa kêu gọi các giải pháp cấp bách và sáng tạo trong một phần của thỏa thuận mang tên Nghị định thư Bắc Ireland.

"Cả hai bên phải thực hiện những gì chúng ta đã nhất trí", bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết sau cuộc gặp với Thủ tướng Anh Johnson và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel.

"EU có sự thống nhất hoàn toàn về vấn đề này", Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhấn mạnh, đồng thời lưu ý Nghị định thư Bắc Ireland đã được cả chính phủ của ông Johnson và EU chấp thuận, ký kết, và phê chuẩn.

Người phát ngôn của Thủ tướng Johnson cho biết: "Thủ tướng trong mọi trường hợp (bày tỏ) tin tưởng vào lập trường của Anh về đến Nghị định thư Bắc Ireland và mong muốn điều thực tế và thỏa hiệp cho tất cả các bên".

Theo hãng tin Reuters, kể từ khi Anh rời EU, Thủ tướng Johnson đã đơn phương trì hoãn thực hiện một số điều khoản trong Nghị định thư Bắc Ireland, bao gồm việc kiểm tra các loại thực phẩm ướp lạnh như xúc xích chuyển từ khu vực đất liền đến Bắc Ireland, vì cho rằng hoạt động này đã gây gián đoạn một số nguồn cung cấp cho Bắc Ireland.

Dù Brexit không phải là một phần của chương trình nghị sự chính thức tại Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này, nhưng vấn đề này đã hơn một lần đe dọa làm mờ nhạt các nội dung thảo luận của G7.

Brexit đã làm căng thẳng tình hình ở vùng Bắc Ireland. Bắc Ireland có đường biên giới mở với Cộng hòa Ireland - một thành viên của EU và Nghị định thư Bắc Ireland được xem là giải pháp để duy trì một thị trường duy nhất của EU sau khi Anh rời khối này.

Về cơ bản, Nghị định thư Bắc Ireland vẫn đặt Bắc Ireland trong liên minh thuế quan của EU và tuân thủ nhiều quy tắc một thị trường duy nhất, tạo ra một biên giới có quản lý ở Biển Ireland giữa vùng Bắc Ireland với phần còn lại của Vương quốc Anh.

London cho rằng Nghị định thư Bắc Ireland là thỏa thuận không bền vững với hình thức như hiện nay, bởi nó làm gián đoạn một số nguồn cung cấp hàng hóa cho Bắc Ireland.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định sẽ thiết lập lại quan hệ với Anh miễn là Thủ tướng Johnson sẵn sàng thực hiện thỏa thuận Brexit.

Còn Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rõ ràng rằng bất kỳ bước đi nào ảnh hưởng đến Hiệp ước Thứ Sáu Tuần thánh năm 1998 đều sẽ không được Washington hoan nghênh. Mỹ quan ngại sâu sắc rằng tranh chấp thương mại giữa Anh và EU có thể làm xói mòn Hiệp ước Thứ Sáu Tuần thánh năm 1998. Hiệp ước này vốn đã chấm dứt phần lớn "các rắc rối" trong ba thập kỷ bạo động của cuộc xung đột Bắc Ireland từ những năm 1960, khiến 3.600 người đã bỏ mạng.

Vấn đề Brexit: Giai đoạn chuyển tiếp sắp kết thúc khiến Anh lo lắng
Các lãnh đạo doanh nghiệp Anh đã bày tỏ sự lo lắng khi họ vẫn chưa biết các điều khoản thương mại khi giao dịch với EU từ ngày 1/1/2021, thời...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư