Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 31 tháng 10 năm 2024,
Ào ạt xin làm điện khí LNG quy mô khủng: Dự án to, lo lắng nhiều
Thanh Hương - 17/03/2020 19:08
 
Nhiều dự án điện chạy khí LNG đã được các nhà đầu tư đề xuất trong khoảng 1 năm trở lại đây như một giải pháp để bổ sung nguồn điện mới.
Nhiều nhà đầu tư và địa phương đang quan tâm phát triển các Dự án nhiệt điện chạy khí LNG.
Nhiều nhà đầu tư và địa phương đang quan tâm phát triển các dự án nhiệt điện chạy khí LNG.

Hàng chục ngàn MW điện LNG được đề xuất

Ngày 4/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh các dự án Nhà máy Nhiệt điện Long An I và Long An II đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, từ sử dụng nhiên liệu than sang dùng nhiên liệu khí LNG, với tổng công suất sau khi chuyển đổi là 3.000 MW.

Trước đó, vào tháng 12/2019, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý bổ sung Trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu, quy mô 3.200 MW, sử dụng khí LNG vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia 2011 - 2030. Tỉnh Bạc Liêu sau đó cũng nhanh chóng trao Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE Singapore) để triển khai thực hiện dự án này.

Xa hơn chút nữa, vào tháng 11/2019, Bộ Công thương và Tập đoàn AES (Hoa Kỳ) đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc triển khai thực hiện Nhà máy Điện khí Sơn Mỹ 2, sử dụng khí LNG với quy mô 2.200 MW.

Tuy nhiên, danh sách dự án điện sử dụng khí LNG được đề xuất tới các cấp không chỉ có các dự án được nhắc tới ở trên.

Trong giới đầu tư làm năng lượng đang có trên 10 dự án điện dùng khí LNG với quy mô công suất không hề nhỏ, thấp cũng xấp xỉ cả 1.000 MW và lớn lên tới 6.000 MW.

Trong báo cáo của Bộ Công thương trình Chính phủ mới đây đã thừa nhận, hiện có nhiều nhà đầu tư và địa phương quan tâm phát triển các dự án nhiệt điện sử dụng LNG nhập khẩu.

Cụ thể, ngoài các trung tâm/cụm điện khí LNG đã được quy hoạch và bổ sung Quy hoạch với công suất 9.200 MW, hiện còn có 9 trung tâm/cụm điện khí LNG mới đang được nghiên cứu ở các giai đoạn khác nhau với tổng công suất xấp xỉ 34.000 MW.

Ngoài ra, còn có 2 đề xuất chuyển đổi nhiên liệu sử dụng từ than/dầu sang sử dụng LNG với tổng công suất sau chuyển đổi là 5.700 MW là Nhà máy Nhiệt điện dầu Hiệp Phước và Trung tâm Điện lực Long An vừa được Chính phủ đồng ý như thông tin đã đưa.

So với công suất hệ thống điện hiện có là khoảng 58.000 MW ở thời điểm này, các đề xuất dự án điện khí LNG lên tới gần 50.000 MW, cho thấy sự đổ bộ của các dự án điện LNG chả kém cạnh gì so với làn sóng vào điện mặt trời và điện gió trong 2 năm qua.

Lẽ dĩ nhiên, hậu thuẫn cho sự đổ bộ này là lý do điện từ khí LNG sạch, không ô nhiễm hay tàn phá môi trường như các nguồn điện than, dầu hay thủy điện.

Dự án to, lo lắng nhiều

Khi được tỉnh Bạc Liêu trao Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư là Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd. đặt kế hoạch, đến cuối tháng 12/2020 sẽ hoàn thành khâu chuẩn bị đầu tư dự án và trong 3 năm tiếp theo triển khai việc xây lắp khu tiếp nhận, lưu trữ LNG và trạm tái hóa khí, đường đưa khí vào bờ và vận hành tổ máy tua-bin khí giai đoạn I (750 MW) vào cuối năm 2023. Sau đó, nhà đầu tư tiếp tục xây lắp và đưa vào vận hành các tổ máy còn lại của dự án để đạt đủ công suất 3.200 MW trước tháng 12/2027.

Bình luận về tiến độ triển khai dự án mà nhà đầu tư đưa ra, các chuyên gia đến từ lĩnh vực năng lượng lẫn một số nhà tư vấn môi giới dự án và thu xếp tài chính cho rằng, có những thách thức nhất định về thời gian.

“Việc đàm phán giá điện sẽ thực hiện theo đúng hướng dẫn hiện hành của Bộ Công thương, theo đó, hồ sơ dự án đã được duyệt phải có trước khi đàm phán. Tuy nhiên, với dự án có quy mô lớn như Bạc Liêu thì ngay trong năm 2020 phải có Báo cáo khả thi là điều không dễ”, một chuyên gia nói và cho hay, dựa trên chi phí đầu tư, dòng tiền vào - ra, lợi nhuận nhất định, tỷ lệ chiết khấu… sẽ ra giá mua điện. Ra bao nhiêu mua bấy nhiêu nhưng không được vượt quá giá trần được Bộ Công thương hay Thủ tướng phê duyệt. Còn việc nhà đầu tư hứa 7 UScent/kWh rồi thì phải ráng mà cố.

Các nhà đầu tư khác cũng cho rằng, do Chính phủ khẳng định không cấp bảo lãnh nào, nên chuyện làm nhà máy điện độc lập đòi hỏi nhà đầu tư phải rất nỗ lực. “Bỏ ra mấy tỷ USD để làm dự án, trong đó vay nước ngoài lớn mà không có bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, thì khi có các tình huống bất ngờ xảy ra, nhà đầu tư sẽ không dễ dàng xử lý được dòng tiền của mình”, ông Nguyễn B, người từng làm đại diện cho một số quỹ đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch chia sẻ.

Vẫn theo ông này, nguồn khí cấp cho dự án cũng phải đảm bảo 20-25 năm và phải tính hết các biến động chứ không thể chỉ nhìn vào giá dầu thế giới hiện ở mức 30-35 USD/thùng mà tự tin cho cả đời dự án. “Giá LNG về dài hạn được các tổ chức dự báo ở mức 10 USD/triệu BTU, khi đó giá điện cũng phải quanh mức 9 UScent/kWh, chứ không thể ít hơn”, vị này nói.

Xuất hiện “tay đua” mới tham gia dự án điện khí LNG
Cuộc đua điện khí chỉ mới bắt đầu nhưng lại vô cùng nóng bỏng, bởi ngày càng có nhiều “tay đua” cự phách - các tập đoàn sừng sỏ nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư