Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
APEC và kỳ vọng Bogor
Anh Hoa - 07/11/2017 07:59
 
Trong bối cảnh APEC nỗ lực hiện thực hóa Mục tiêu Bogor, rất nhiều kỳ vọng được đặt vào Tuần lễ Cấp cao APEC khai mạc đầu tuần này tại Đà Nẵng.
TIN LIÊN QUAN

Tầm nhìn APEC

Năm 1994, tại Hội nghị Cấp cao APEC ở Bogor (Indonesia), các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đã thông qua Tuyên bố APEC về quyết tâm chung (còn gọi là các Mục tiêu Bogor), trong đó vạch ra lộ trình tương lai cho hợp tác kinh tế khu vực, vốn là động lực cho sự ra đời của APEC 5 năm trước đó và đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về tự do hóa thương mại và đầu tư.

Theo tuyên bố này, các nhà lãnh đạo APEC đã xác định mục tiêu dài hạn chung là phấn đấu đạt được thương mại, đầu tư tự do và mở ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2010 đối với các nền kinh tế phát triển và năm 2020 đối với các nền kinh tế đang phát triển.

Tự do hóa thương mại và đầu tư  là mục tiêu APEC đang hướng tới. Trong ảnh: Xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Hải Phòng.
Tự do hóa thương mại và đầu tư là mục tiêu APEC đang hướng tới. Trong ảnh: Xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Hải Phòng.

Các nền kinh tế APEC nhất trí theo đuổi mục tiêu này bằng cách giảm bớt hơn nữa các rào cản đối với hoạt động thương mại và đầu tư, thúc đẩy sự lưu thông tự do của hàng hóa, dịch vụ và vốn.

Theo “Báo cáo đánh giá giữa kỳ về tiến độ thực hiện Mục tiêu Bogor” được APEC công bố năm 2016, mức thuế quan trung bình (MFN) trong khu vực đã giảm từ 18,5% năm 2007 xuống 9,5% năm 2015, nhờ việc củng cố quan hệ thương mại, đầu tư, cũng như sự gia tăng mạnh mẽ của các thỏa thuận thương mại tự do song phương và khu vực (RTAs/FTAs).

Tính đến năm 2016, có hơn 150 RTAs/FTAs đã có hiệu lực, bao gồm gần 60 RTAs/FTAs đã được ký kết và thực thi giữa các thành viên APEC với nhau.

Ngày càng có nhiều FTAs thế hệ mới trong khu vực tập trung hơn vào các nội dung thương mại và đầu tư thế hệ mới, giải quyết hiệu quả các vấn đề sau biên giới và phi thuế quan. Nhờ tác động tích cực của các RTAs/FTAs, giao dịch thương mại nội khối trong khu vực APEC đã tăng trưởng ở mức 274%, từ 2.300 tỷ USD lên 6.300 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2016.

Trong giai đoạn 2010 - 2015, số lượng vụ kiện chống bán phá giá của các nền kinh tế thành viên APEC tăng 11,2%, các biện pháp đối kháng tăng 38,5%, các biện pháp bảo hộ tăng 104,2%, bảo hộ đặc biệt tăng 13%, SPS tăng 16,2% và TBT tăng 56,4%.
(Nguồn: Báo cáo sơ kết giai đoạn II về tiến bộ của APEC hướng tới Mục tiêu Bogor)

Về thu hút đầu tư FDI, năm 2016, các nền kinh tế thành viên APEC chiếm một nửa trong 10 nền kinh tế thu hút FDI lớn nhất thế giới. Tổng nguồn vốn FDI được rót vào 5 nền kinh tế thành viên APEC (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hồng Kông - Trung Quốc, Singapore, Australia) đã đạt mức 710 tỷ USD, tương đương với 46,7% tổng FDI toàn thế giới trong năm 2016.

Đây là một con số khá ấn tượng không chỉ với các thành viên APEC, mà còn đối với nhiều nước trên thế giới.

Thách thức Bogor

Việc hoàn thành Mục tiêu Bogor luôn là ưu tiên hàng đầu của APEC trong suốt hai thập kỷ qua, kể từ năm 1994. Đó sẽ là cơ sở, tiền đề thuận lợi để APEC xây dựng và định hình tương lai hợp tác sau năm 2020, tập trung vào những mục tiêu rộng hơn tự do hoá thương mại và đầu tư, để ứng phó hiệu quả hơn với những thách thức mà bối cảnh mới đã và đang đặt ra.

Có thể nói, trong hơn 2 thập kỷ qua, hàng rào thuế quan trong khu vực APEC đã giảm đáng kể. Song nhiều hàng rào phi thuế quan mới đã được dựng lên. Những biện pháp bảo hộ phi thuế quan phổ biến trong khu vực này gồm: chống bán phá giá, các biện pháp đối kháng (hay thuế chống trợ cấp), các biện pháp tự vệ, các biện pháp tự vệ đặc biệt, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động, thực vật (SPS) và các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT); trong đó chống bán phá giá là biện pháp được sử dụng phổ biến nhất.

Đáng chú ý, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Canada và Australia lại là những nền kinh tế sử dụng các biện pháp bảo hộ nhiều nhất. Đặc biệt, xu thế phát triển của nền kinh tế số/ kinh tế mạng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo ra nhiều thách thức cho các thành viên APEC.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, APEC bắt đầu thảo luận về việc định hình viễn cảnh APEC sau năm 2020 (tức là sau khi Mục tiêu Bogor được hoàn thành). Hiện nay vẫn chưa rõ nội hàm của viễn cảnh sau 2020, tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia APEC, định hướng phát triển sau năm 2020 của APEC vẫn cần tập trung vào giải quyết các rào cản đối với thương mại và đầu tư trong khu vực, bởi rất khó có thể định lượng được liệu vào năm 2020, APEC có hoàn thành được Mục tiêu Bogor hay không?

“Trong bối cảnh hiện nay, khi những hoài nghi về các lợi ích của toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại mang lại cho người dân đang trỗi dậy, tạo điều kiện cho chủ nghĩa bảo hộ thương mại có cơ hội bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới, sau năm 2020, APEC vẫn còn nhiều việc phải thực thi nhằm đảm bảo các thành viên APEC sẽ tiếp tục các cam kết về mở cửa thị trường cho dòng chảy thương mại và đầu tư trong khu vực”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Với vai trò chủ nhà Năm APEC 2017, Việt Nam tiếp tục xác định việc đẩy nhanh tiến trình hoàn thành Mục tiêu Bogor vào năm 2020 là một trong những ưu tiên quan trọng trong chương trình nghị sự của APEC.

Việt Nam kỳ vọng cùng các thành viên thúc đẩy xây dựng các chương trình làm việc từ nay đến năm 2020 trong các lĩnh vực thuế quan, phi thuế quan, đầu tư, dịch vụ, quy tắc xuất xứ… để giải quyết các rào cản đối với thương mại và đầu tư trong khu vực như đã nêu trong Báo cáo giữa kỳ về thực hiện Mục tiêu Bogor.

“Đây là thông điệp mạnh mẽ, khẳng định những nỗ lực kiên định của APEC nhằm hướng tới tự do hoá thương mại và đầu tư, trong bối cảnh xuất hiện một số quan điểm trái chiều, có xu hướng phản đối toàn cầu hoá và quay trở lại xu thế bảo hộ thương mại tại một số nơi trên thế giới”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư