Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
ASEAN - Viên ngọc sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu
Hà An - 30/08/2024 11:28
 
Trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động và bất ổn, ASEAN đã thể hiện sự bền bỉ đáng kinh ngạc, duy trì tăng trưởng ổn định và lạm phát thấp hơn so với nhiều nền kinh tế lớn.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dự báo tăng trưởng GDP của khu vực này sẽ đạt khoảng 5% vào năm 2024, cho thấy sức mạnh kinh tế đáng kể của ASEAN so với các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Eurozone và Nhật Bản trước những thách thức từ các biến động thị trường toàn cầu, mà còn đang tích cực khai thác các cơ hội mới để củng cố vị thế của mình trên bản đồ kinh tế quốc tế, đặc biệt sau đại dịch Covid-19.

ASEAN - Một trung tâm kinh tế năng động

Với dân số hơn 600 triệu người, ASEAN đang sở hữu một lực lượng lao động trẻ, năng động và ngày càng am hiểu công nghệ. Tầng lớp trung lưu trong khu vực đang phát triển nhanh chóng, dự kiến đạt khoảng 472 triệu người vào năm 2030. Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu tạo ra một thị trường tiêu dùng lớn, thúc đẩy nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ, đồng thời cung cấp cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế.

Hiện ASEAN đã và đang duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong những năm gần đây. Nền kinh tế khu vực dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng nhờ vào dân số trẻ và lực lượng lao động đông đảo, cùng với sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng nội địa. Theo dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế, ASEAN sẽ đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế toàn cầu, với mức tăng trưởng GDP có thể đạt mức 5-6% trong những năm tới.

ASEAN đang đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng và kỹ thuật số. Sự gia tăng đầu tư vào nền kinh tế kỹ thuật số đang mở ra cơ hội cho các lĩnh vực như thương mại điện tử, tài chính kỹ thuật số và các công ty khởi nghiệp công nghệ. Khu vực này cũng đang tích cực thực hiện các mục tiêu bền vững, với hơn 1.000 tỷ USD được đầu tư vào các ngành công nghiệp chuyển đổi để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Khu vực ASEAN không chỉ là một thị trường tiêu dùng lớn, mà còn là một trung tâm thương mại chiến lược. Với các hiệp định thương mại tự do và chính sách mở cửa thương mại, ASEAN đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp toàn cầu. Những thỏa thuận như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã mở rộng cơ hội cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong khu vực. Năm 2022, thương mại của ASEAN đạt khoảng 3,8 nghìn tỷ đô la, đứng thứ 4 toàn cầu, trong đó 80% thương mại này là với các nước ngoài ASEAN.

Việt Nam - Điểm sáng hấp dẫn đầu tư thế giới

Trong số các quốc gia thành viên ASEAN, Việt Nam nổi bật như một điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ vào các lợi thế cạnh tranh độc đáo. Việt Nam với dân số gần 100 triệu người, bao gồm một lực lượng lao động trẻ và ngày càng có trình độ cao. Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng, nền kinh tế số dự kiến đạt khoảng 45 tỷ USD vào năm 2025. Sự gia tăng này tạo ra nhu cầu lớn đối với hàng hóa và dịch vụ, đồng thời mở rộng cơ hội cho các doanh nghiệp quốc tế.

Năm 2023, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng đột biến về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với dòng vốn đăng ký đạt khoảng 36,6 tỷ USD. Các dự án đầu tư tập trung vào các thành phố lớn và tỉnh có lợi thế về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh và Bình Dương. Các khoản đầu tư lớn từ các quốc gia châu Á như Singapore, Hồng Kông, và Nhật Bản đã thúc đẩy sự phát triển của ngành chế biến và sản xuất tại Việt Nam.

Trong quý II/2024, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chứng minh khả năng phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng GDP ấn tượng đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước. Đây là sự tiếp nối đà tăng trưởng tích cực từ quý I/2024, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu. Ngành sản xuất của Việt Nam đã cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng nhờ sự hồi sinh của chu kỳ điện tử. Sự gia tăng nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm điện tử, đặc biệt là các thiết bị bán dẫn, đã thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước, củng cố vai trò của Việt Nam như một trung tâm sản xuất quan trọng ở khu vực Đông Nam Á.

Sự chuyển dịch trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, đã tạo cơ hội cho Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất mới. Các ngành công nghiệp như dệt may và giày dép đã chứng kiến sự gia tăng xuất khẩu, với Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ sự sắp xếp lại này.

ASEAN đang tiếp tục khẳng định vai trò của mình như một trung tâm kinh tế toàn cầu với tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Trong khi đó, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến đầu tư hấp dẫn với lợi thế cạnh tranh về nhân khẩu học, chính sách thương mại mở cửa và môi trường đầu tư thuận lợi. Sự phát triển bền vững, cùng với các chính sách hỗ trợ và cải cách, sẽ tiếp tục thúc đẩy Việt Nam và khu vực ASEAN hướng tới một tương lai kinh tế đầy tươi sáng.

Để chia sẻ sâu hơn về các cơ hội tăng trưởng, đầu tư trong khu vực ASEAN và Việt Nam, Ngân hàng UOB sẽ tổ chức Hội nghị thường niên “Gateway to ASEAN” mang chủ đề “ASEAN: Crossroad to The World” vào ngày 6/9 tới đây, tại Thisky Hall Sala Convention Center, tầng 5, Grand Skylar, TP.HCM. Hội nghị dự kiến sẽ quy tụ lãnh đạo của các bộ ban ngành tại Việt Nam, các doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực.

Với tư cách là “Một Ngân hàng vì ASEAN” - UOB đóng vai trò kết nối và thúc đẩy sự hợp tác bền vững trong khu vực. Tận dụng mạng lưới rộng khắp khu vực và sự am hiểu sâu sắc tại địa phương, UOB cam kết mang đến các giải pháp tài chính sự hỗ trợ toàn diện để giúp các doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội phát triển trong khu vực kinh tế năng động này.

Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức cận trên từ 6,5 - 7%
Chính phủ yêu cầu nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm ở mức cận trên từ 6,5 - 7%, lạm phát dưới 4,5% và thực hiện thành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư