Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
ASEAN thông qua nguyên tắc Khung Thuận lợi hóa Đầu tư
Kỳ Thành - 08/09/2021 21:23
 
Khung Thuận lợi hóa Đầu tư ASEAN nhằm tạo thuận lợi cho dòng vốn đầu tư giúp ASEAN phục hồi sau đại dịch, nắm bắt các cơ hội từ sự thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngày 8/9, Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Kinh tế - Hội đồng đầu tư ASEAN lần thứ 24 (AEM-AIA 24) đã diễn ra với sự tham dự của các Bộ trưởng phụ trách kinh tế, Bộ trưởng phụ trách đầu tư của các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc là đại diện phía Việt Nam tham dự hội nghị lần này.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Kinh tế - Hội đồng đầu tư ASEAN lần thứ 24 (Ảnh: Đức Trung)

Tại hội nghị, các đại biểu đã thông qua (về nguyên tắc) Khung Thuận lợi hóa Đầu tư ASEAN (AIFF), trong đó bao gồm các nguyên tắc và hành động nhằm tạo thuận lợi cho dòng vốn đầu tư vào ASEAN khi khu vực hướng tới phục hồi kinh tế sau đại dịch, và hướng đến thực hiện AIFF trong thời gian tới.

AIFF được xây dựng nhằm cải thiện khả năng tiếp cận và tính minh bạch của các biện pháp đầu tư, hợp lý hóa và đẩy nhanh các thủ tục và yêu cầu về hành chính, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nhằm tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và cho phép ASEAN nắm bắt các cơ hội do sự thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đại diện các nước cũng ghi nhận tầm quan trọng của AIFF trong việc mang lại những lợi ích cụ thể cho các bên liên quan và mong đợi việc thực hiện AIFF liên quan đến các vấn đề này.

Hội nghị ghi nhận tiến độ thảo luận trong việc chuyển Danh mục bảo lưu của Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA) thành 2 Danh mục “Chọn-bỏ”, lưu ý rằng điều này sẽ mang lại sự chắc chắn và minh bạch hơn cho các nhà đầu tư.

Hội nghị hoan nghênh việc ra mắt Báo cáo Đầu tư ASEAN (AIR) 2020-2021. Ngoài việc nêu bật những phát triển mới nhất trong môi trường đầu tư ở ASEAN, Báo cáo năm nay cũng đóng góp vào các công việc hiện thời của ASEAN trong Cách mạng Công nghiệp 4.0. Báo cáo nhấn mạnh vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các doanh nghiệp/tập đoàn đa quốc gia (MNEs) trong sự phát triển Công nghiệp 4.0 của khu vực. Hội nghị cảm ơn đóng góp của Diễn đàn Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) trong việc xây dựng ấn phẩm thường niên này, với sự hỗ trợ của Chính phủ Australia thông qua Chương trình Hợp tác Phát triển ASEAN-Australia Giai đoạn II (AADCP II).

Hội nghị cũng hoan nghênh các sáng kiến ​​khác nhằm đối phó với những thách thức do đại dịch gây ra theo Khung Phục hồi Toàn diện ASEAN, chẳng hạn như tập tài liệu về “Cơ hội đầu tư vào ASEAN 2021” với chủ đề “Đầu tư vào ASEAN: Hướng tới tăng trưởng bền vững trong trạng thái bình thường mới” được giới thiệu vào tháng 11 năm 2020; tổ chức Diễn đàn và Báo cáo về Đầu tư bền vững ở ASEAN dự kiến vào tháng 11 năm 2021.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định, tác động của dịch Covid-19 đem đến nhiều thách thức cũng như cơ hội chưa từng có cho các nước ASEAN (Ảnh: Đức Trung)

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, những biến chuyển của nền kinh tế thế giới dưới tác động của dịch Covid-19 đem đến nhiều thách thức cũng như cơ hội chưa từng có để các nước ASEAN tham gia quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu và đón làn sóng đầu tư mới.

Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, cần tăng cường hơn nữa các biện pháp tạo thuận lợi cho đầu tư gồm: thúc đẩy và tạo thuận lợi đầu tư thông qua Khung thuận lợi đầu tư ASEAN hoặc điều chỉnh chiến lược và phương pháp thuận lợi hóa đầu tư tại từng quốc gia theo Danh mục Hành động Toàn cầu về Tạo thuận lợi đầu tư do UNCTAD đề xuất; đẩy mạnh công cụ, chính sách, quy trình tạo thuận lợi đầu tư, đảm bảo tính minh bạch, khả năng dự đoán trước, hiệu quả và tính bền vững bao trùm của môi trường đầu tư của từng quốc gia nói riêng và toàn khu vực ASEAN nói chung.

Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành
Tính đến ngày 30/6/2021, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 226 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối, với trên 3,93 triệu bộ hồ sơ của hơn 48...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư