Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
“Át chủ bài” 10.000 tỷ đồng của Hóa chất Đức Giang dậm chân tại chỗ
Thanh Thủy - 16/12/2021 08:12
 
Có sự hậu thuẫn lớn từ dòng tiền và năng lực tài chính của doanh nghiệp, song dự án quy mô 10.000 tỷ đồng của Hóa chất Đức Giang vẫn dậm chân tại chỗ vì vướng giải phóng mặt bằng.
Dự án Đức Giang Nghi Sơn giai đoạn I sử dụng nguyên liệu đá vôi để sản xuất 150.000 tấn nhựa PVC.

Vướng giải phóng mặt bằng

Hơn 45 ha là phần mặt bằng đã hoàn tất san gạt trong tổng diện tích 80 ha của Dự án Tổ hợp Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn của Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã DGC, sàn HoSE). Con số trên vừa được cập nhật tại cuộc họp Đại cổ đông bất thường năm 2021 diễn ra cuối tuần trước. Gần 9 tháng kể từ cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên hồi tháng 3/2021 và 18 tháng kể từ ngày nhận giấy phép đầu tư, câu chuyện giải phóng mặt bằng vẫn là “hòn đá tảng” chặn kế hoạch triển khai dự án này.

UBND tỉnh Thanh Hóa và các bộ, ban, ngành hoàn thành bàn giao mặt bằng 17,7 ha/30 ha. Tuy nhiên, với hơn 12 ha còn lại, 130 hộ dân vẫn chưa thống nhất về phương án đền bù đất. UBND tỉnh Thanh Hóa đang hoàn thiện hồ sơ di dời và chịu trách nhiệm về công tác giải phóng mặt bằng. Việc thực hiện song song cả giải phóng mặt bằng và triển khai dự án cũng khó khả thi bởi còn liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Hoá chất Đức Giang dù không trực tiếp tham gia ở khâu trên, nhưng không tránh khỏi ảnh hưởng. Giá thuê đối với diện tích đất thuê sau đã tăng thêm 78% so với mức giá thuê áp dụng cho 30 ha ban đầu. Cùng đó, thời gian cũng là tiền, bởi giá xút (NaOH - đầu ra chính ở giai đoạn I của Dự án) đã tăng giá lên 700-800 USD/tấn, từ mức phổ biến 300-400 USD/tấn trước đây.

Át chủ bài

Giải thích lý do cần thực hiện một đại dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hóa chất Đức Giang cho biết, hoạt động kinh doanh ở nhà máy tại Lào Cai đã đến giai đoạn không thể phát triển thêm.

“Dự án tại Lào Cai còn 20-30 năm nữa là hết quặng. Đây là lý do cần làm dự án lớn. Công ty cần đi tìm chân trời mới”, ông Đào Hữu Huyền cho hay.

Theo phương án đầu tư điều chỉnh vừa được cổ đông chấp thuận, quy mô vốn đầu tư giai đoạn I đã tăng từ 2.400 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng, trong khi tổng mức đầu tư toàn Dự án giữ nguyên (12.000 tỷ đồng). Sản lượng hàng năm là 150.000 tấn xút NaOH quy đặc 100%; 150.000 tấn nhựa PVC; 34.000 tấn bột tẩy trắng Ca (OCI)2; 1.000 tấn chất diệt khuẩn Chloramin B; 30.000 tấn chất xử lý nước PAC; 15.000 tấn axit HCI 31% và 10.000 tấn nước tẩy Javen 10%. Dự án dự kiến sử dụng 1.500 lao động.

Đối với sản phẩm xút, nhà máy sử dụng công nghệ điện phân muối ăn (thường phải lấy từ nguồn nhập khẩu) qua màng trao đổi ion. Với sản phẩm nhựa PVC, nguồn nguyên liệu đầu vào chính là đá vôi.

Về yếu tố đầu vào, vị trí của Dự án có nhiều lợi thế, như gần Cảng nước sâu Nghi Sơn; mỏ đá vôi quanh khu vực này có trữ lượng lớn.

Về đầu ra, Công ty đánh giá thị trường nội địa có nhu cầu lớn, bởi năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Hóa chất Đức Giang đã nhắm đến nhiều khách hàng như Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn, Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Nam Định.

Các tính toán đều cho thấy tính hiệu quả của Dự án, nhưng thuyết phục được “lòng dân” lại là một bài toán khác khó hơn, đã và đang trở thành yếu tố ảnh hưởng nhất tới tiến độ xây dựng nhà máy.

Hậu thuẫn từ dòng tiền dồi dào

Trái với sự ì ạch trong tiến độ đầu tư dự án mới, kết quả kinh doanh của Hóa chất Đức Giang lại đang thu về trái ngọt chưa từng có nhờ xu hướng tăng của giá hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm phốt pho vàng đang góp nguồn thu lớn cho doanh nghiệp này.

Theo thông tin tại cuộc họp cổ đông, lợi nhuận 2 tháng đầu quý IV ước đạt 1.000 tỷ đồng, trong khi nhiệm vụ đặt ra cho cả quý chỉ là 600 tỷ đồng. Hóa chất Đức Giang có thể đạt mức lãi kỷ lục 2.400 - 2.500 tỷ đồng trong năm 2021, gấp 2,65 lần năm 2020. Giá cổ phiếu DGC cũng băng băng đi lên, từ mức 40.000 đồng cách đây một năm, lên sát mốc 180.000 đồng/cổ phiếu.

Phân tích khả năng sinh lời của Công ty thời gian gần đây cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ của biên lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm, trong khi đòn bẩy tài chính chỉ duy trì ở mức thấp với tỷ lệ nợ vay khoảng 25-33%.

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm dương 1.333 tỷ đồng, cao hơn 65% mức chênh dòng tiền vào - ra cùng kỳ năm 2020, còn chi đầu tư mua sắm tài sản 9 tháng chỉ hơn 205 tỷ đồng, hoạt động đầu tư tập trung chủ yếu là tăng gửi tiền ngân hàng.

Theo ông Huyền, số dư tiền gửi của Công ty hiện tại là 3.400 tỷ đồng và dự kiến tăng thêm 2.000 tỷ đồng trong vài tháng tới.

Dự án giai đoạn I dự kiến sử dụng 55% nguồn vốn tự có, gồm 3.000 tỷ đồng góp trong năm 2022 từ nguồn lợi nhuận để lại và 2.500 tỷ đồng góp trong năm 2023- 2024 từ nguồn lợi nhuận để lại hoặc phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu. Còn lại là vốn vay, khoảng 4.500 tỷ đồng (tương đương 45% tổng nguồn vốn).

Lãnh đạo Công ty đặt mục tiêu doanh thu của Dự án là 8.723 tỷ đồng, lợi nhuận 1.800 tỷ đồng, tỷ lệ hoàn vốn đầu tư là 19%.

Ông Đào Hữu Huyền cho biết, Công ty chưa từng gặp khó khăn về tài chính, trừ năm 2014 vay nợ nhiều, nhưng sản phẩm chưa có.

Có thể thấy, dòng tiền dồi dào cùng tỷ lệ nợ vay khiêm tốn là cơ sở Hóa chất Đức Giang tự tin về bài toán tài chính của dự án này.

Hoá chất Đức Giang dự tính vay 4.500 tỷ đồng cho tổ hợp hoá chất ở Thanh Hoá
Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (HoSE: DGC) sẽ đầu tư Dự án tổ hợp Hoá chất Đức Giang Nghi Sơn với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, trong đó,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư