Thứ Bảy, Ngày 05 tháng 04 năm 2025,
Bước chuyển trong chiến lược đầu tư của Gelex
Thanh Thủy - 05/04/2025 08:47
 
Đưa thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu (EPS) trở lại thời hoàng kim là mục tiêu của Tập đoàn Gelex trong thời gian tới.

Chưa theo kịp tốc độ mở rộng

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 vừa tổ chức, không dưới 5 lần cụm từ “kỷ luật đầu tư” được Ban lãnh đạo Tập đoàn Gelex đề cập. “Nếu các năm trước, Gelex tập trung mở rộng quy mô, thì giai đoạn này, Tập đoàn sẽ tập trung quản trị. Các hoạt động đầu tư mới sắp tới cần tuân thủ kỷ luật nghiêm ngặt, đáp ứng đồng thời các mục tiêu tài chính và phi tài chính, dựa trên chi phí vốn của Tập đoàn”, ông Nguyễn Trọng Hiền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn nói.

Gelex tiền thân là doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, với bước chuyển quan trọng khi Bộ Công thương thoái toàn bộ vốn nhà nước, tương đương 78,74% vốn điều lệ công ty vào cuối năm 2015. Gần 10 năm qua, quy mô tài sản hợp nhất của Tập đoàn mở rộng nhanh chóng, từ hơn 4.900 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2015 lên 53.782 tỷ đồng vào cuối năm ngoái. Riêng với công ty mẹ, giá trị tổng tài sản tăng mạnh gấp 8,18 lần sau 9 năm.

Trong đó, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) đã giúp Gelex nắm giữ cổ phần tại nhiều doanh nghiệp lớn như Cadivi, Thibidi, Emic, Viglacera, Nước sạch Sông Đà, Dầu khí Long Sơn….

Nguồn vốn góp từ các cổ đông bổ sung thông qua góp vốn tại các đợt chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, chia thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu góp phần quan trọng tài trợ cho Gelex các năm qua. Quy mô vốn điều lệ tăng từ 1.550 tỷ đồng lên 8.594 tỷ đồng.

Dù vậy, tăng trưởng lợi nhuận chưa song hành, thu nhập ròng trên mỗi cổ phần (EPS) của Gelex kém hơn nhiều giai đoạn trước đây. Trong 5 năm qua, chưa thời điểm nào EPS của Tập đoàn này trở lại chạm mốc 2.000 đồng/cổ phần. Nhất là sau lần tăng vốn năm 2021, dù Gelex ghi nhận mức lợi nhuận cao ngay trong năm này nhờ hợp nhất Tổng công ty Viglacera - CTCP, nhưng EPS hai năm liền sau đều rơi sâu khi đạt 433 đồng (năm 2022) và 388 đồng (năm 2023).

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc Gelex, việc thực hiện M&A đã đẩy chi phí tài chính nhiều năm lên rất cao. Khẳng định với các cổ đông trong cuộc họp thường niên vừa tổ chức, ông Tuấn nhấn mạnh, hoạt động M&A của Gelex trong tương lai sẽ phải nâng cao hiệu quả, có kỷ luật đầu tư rõ ràng để không kéo EPS của Gelex xuống.

Ưu tiên hiệu suất đầu tư

Chia sẻ về danh mục đầu tư của tập đoàn này, Chủ tịch HĐQT Gelex cho biết, quy mô đầu tư đang ở mức 21.000 tỷ đồng. Xét về hiệu suất, tỷ lệ số khoản đầu tư có hiệu suất vượt trội chỉ tương tự quy luật 80/20. Tính riêng nhóm các công ty liên doanh, liên kết ghi nhận trên báo cáo tài chính hợp nhất của cả Tập đoàn, 7/16 công ty có lãi trong năm 2024, còn lại có tới 9 công ty thua lỗ.

Các khoản đầu tư tốt sẽ cần làm tốt hơn, trong khi các khoản đầu tư chưa tốt cần giải pháp cải thiện hiệu quả - đây là điều được Chủ tịch Nguyễn Trọng Hiền nhấn mạnh. Công ty cổ phần Chế tạo Điện Cơ Hà Nội (HEM) là một ví dụ mà lãnh đạo Gelex đặc biệt đưa ra.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, đơn vị này đã kéo Tập đoàn Gelex xuống rất nhiều. Việc chậm trễ trong kế hoạch thoái vốn tại HEM là một bài học cho Tập đoàn về việc cần thoái ngay tại các đơn vị không mang lại hiệu quả.

Tuy vậy, không phải cứ kinh doanh thua lỗ đều nằm trong danh sách các công ty không hiệu quả. Đơn cử, đến cuối năm 2024, Gelex đã đầu tư 640 tỷ đồng và ghi nhận phần lỗ hơn 31 tỷ đồng từ Công ty TNHH Titan Corporation, liên doanh giữa Gelex và Frasers Property Investments. Tuy nhiên, lãnh đạo Gelex cho biết, công ty này đang thua lỗ như trong kế hoạch nhưng có tiềm năng lợi nhuận trong 4-5 năm nữa.

Cùng với đó, kinh doanh có lãi không phải yếu tố tiên quyết để được đầu tư thêm. Chất vấn của các cổ đông về việc đầu tư thêm vào Viglacera trong trường hợp cổ đông Nhà nước (Bộ Xây dựng) thoái 38,58% vốn đã được đưa ra nhiều năm nay. Tại Đại hội đồng cổ đông năm nay, với yếu tố kỷ luật đầu tư được nhấn mạnh, CEO Tập đoàn Gelex tiết lộ, chỉ đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng nếu tỷ suất lợi nhuận trên 12%.

Trong danh mục đầu tư tài chính dài hạn hiện tại, Gelex sở hữu trực tiếp 2 công ty nắm giữ phần vốn góp tại nhiều doanh nghiệp lớn của ngành là Điện lực Gelex và Hạ tầng Gelex, 1 công ty liên kết trực tiếp là Titan Corporation và sở hữu 10% cổ phần tại Eximbank (mã EIB).

Trên báo cáo tài chính năm 2024, Gelex xếp khoản đầu tư cổ phiếu EIB vào nhóm chứng khoán kinh doanh - chứng khoán vốn hoặc chứng khoán nợ được công ty mua và bán chủ yếu với mục đích kinh doanh ngắn hạn. Tuy nhiên, tại Đại hội đồng cổ đông vừa qua, khoản đầu tư này được xác định sẽ mang lại hiệu quả và lợi nhuận dài hạn.

GELEX tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025
Ngày 27/3/2025, CTCP Tập đoàn GELEX tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư