Thứ Tư, Ngày 21 tháng 05 năm 2025,
Avery Dennison bắt tay Shenzhou Group đầu tư nhà máy may mặc 4,7 triệu USD
Lê Quân - 20/05/2025 18:42
 
Tập đoàn Avery Dennison bắt tay với Tập đoàn Shenzhou Group đầu tư nhà máy sản xuất các sản phẩm may mặc trị giá 4,7 triệu USD tại huyện Củ Chi, TP.HCM.

Ngày 20/5, tại Khu công nghiệp Đông Nam huyện Củ Chi, TP.HCM Công ty TNHH Liên doanh Avery Dennison Worldon Việt Nam (công ty liên doanh giữa Avery Dennison và Shenzhou Group) chính thức khánh thành nhà máy sản xuất các sản phẩm tân tiến về may mặc

Nhà máy được đầu tư trên diện tích 3.960 m2, công suất xử lý 0,8 triệu nhãn mác mỗi ngày. Tổng vốn đầu tư của nhà máy là 4,7 triệu USD và được thiết kế để mở rộng trong tương lai.

Ngoài sản xuất các sản phẩm dệt kim, nhà máy còn sản xuất các sản phẩm và giải pháp đa dạng về may mặc và nhận diện kỹ thuật số, bao gồm nhãn thông minh RFID và các sản phẩm Embelex. Các giải pháp này được phát triển nhằm tăng cường tính minh bạch trong chuỗi cung ứng.

Nghi thức cắt băng khánh thành nhà máy sản xuất các sản phẩm may mặc của Avery Dennison.

Nhà máy ở Củ Chi là nhà máy thứ 3 mà Avery Dennison đặt ở Việt Nam sau các nhà máy ở Bắc Ninh và Long Hậu (Long An). Hiện nay tại Đông Nam Á, Avery Dennison chỉ đặt 4 nhà máy, trong đó Việt Nam đã có đến 3 nhà máy.

Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Michael Barton, Phó chủ tịch cấp cao kiêm Tổng giám đốc khối giải pháp may mặc của Tập đoàn Avery Dennison cho biết, Tập đoàn chọn Việt Nam làm nơi đặt nhà máy thứ 3 vì Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng may mặc toàn cầu với nền tảng sản xuất vững chắc và lực lượng lao động năng động, có tay nghề cao.

“Việc tiếp tục đầu tư tại đây phản ánh niềm tin của chúng tôi vào tiềm năng của đất nước và cam kết đóng góp tích cực vào sự phát triển công nghiệp dài hạn của Việt Nam”, ông Michael Barton nói.

Khi đầu tư vào Việt Nam, ông Michael Barton cam kết Avery Dennison sẽ phát triển các sáng kiến thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu tác động môi trường trong hoạt động vận hành và chuỗi cung ứng

“Chúng tôi đang hướng đến một tương lai không chặt phá rừng và áp dụng các tiêu chuẩn thuộc phạm vi 3 (Scope 3) trong việc đo lường phát thải khí nhà kính để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”, ông Michael Barton khẳng định.

Nhiều nhà sản xuất dệt may quốc tế mở rộng hoạt động sang Việt Nam trong năm 2024
Từ đầu năm nay, các nhà sản xuất, chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu tiếp tục chọn Việt Nam là nơi sản xuất và đặt hàng, cho thấy Việt Nam...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư