Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 07 tháng 09 năm 2024,
Ba khó khăn lớn nhất của Việt Nam trong việc giảm phát thải ròng bằng 0
Thanh Vũ - 31/08/2024 13:17
 
Một lãnh đạo đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường tiết lộ rằng, cơ quan quản lý Nhà nước đang rất thiếu cán bộ chuyên trách về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số 3 khó khăn mà Việt Nam đang phải đối mặt.

Chỉ trong vòng 10 phút chia sẻ tại Hội thảo “Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi - Một đích đến”, TS. Hà Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Phát thải carbon thấp, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã khái quát toàn những điểm khó khăn, thuận lợi và định hướng của VIệt Nam trong công cuộc hiện thực hóa mục tiêu Net Zero.

Trước đó, tại Hội nghị COP26 được tổ chức vào năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Kết quả này là sự cân bằng giữa lượng khí thải được tạo ra và lượng khí thải bị loại bỏ khỏi khí quyển. 

Ông Hà Quang Anh cho biết lượng CO2 phát thải vào năm 2030 tại Việt Nam là khoảng 87 - 89 triệu tấn. Ảnh: Báo Đầu tư


“Để đạt được mục tiêu trên, Việt Nam sẽ có 2 hướng thực hiện. Hướng đầu tiên là tăng cường việc hấp thụ khí nhà kính bằng các loại hình khác nhau, ví dụ trồng rừng. Hướng thứ hai là giảm phát thải từ các cái hoạt động sản xuất, trong đó bao gồm ngành ô tô”, ông Hà Quang Anh diễn giải.

Theo Giám đốc Trung tâm Phát thải carbon thấp, hiện ngành giao thông vận tải trên thế giới đang phát thải khoảng 6 tỷ tấn CO2 tương đương mỗi năm. Trong đó, 75 - 85% lượng CO2 trong số đó đến từ giao thông đường bộ. 

“Còn theo dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, vào năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 87 - 89 triệu tấn CO2 phát thải từ lĩnh vực giao thông vận tải. Đây là một con số rất lớn”, TS. Hà Quang Anh nhận định.

Theo vị tiến sĩ đến từ Cục Biến đổi khí hậu, trong hành trình thực hiện mục tiêu giảm phát thải, Việt Nam đang đứng trước 3 khó khăn chính.

Thứ nhất, đối với nhiều doanh nghiệp, các quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn về việc giảm phát thải vẫn còn… mới. Nhiều đơn vị vẫn chưa sẵn sàng triển khai, mặc dù từ năm 2021 tới nay, Nhà nước đã liên tục thực hiện các hoạt động truyền thông.

Khó khăn thứ hai đến từ mặt tài chính. Nếu muốn giảm phát thải, doanh nghiệp sẽ phải thay đổi rất nhiều, đặc biệt là trong công nghệ sản xuất. 

“Câu hỏi được đặt ra là liệu chúng ta có sẵn sàng đổi mới công nghệ mà bao lâu nay đã và đang thực hiện? Lúc này, doanh nghiệp sẽ phải tìm cách cân đối giữa các nguồn tài chính để phát triển với nguồn ngân sách về bảo vệ môi trường nói chung", ông Hà Quang Anh đặt vấn đề.

Khó khăn thứ ba là về nguồn lực con người. Vị giám đốc đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường tiết lộ, bản thân các cơ quan quản lý Nhà nước cũng chỉ có các chuyên viên hoặc các cán bộ kiêm nhiệm. 

“Chưa có đồng chí nào chuyên trách việc về biến đổi khí hậu và được đào tạo bài bản. Tương tự, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay cũng chỉ có một bộ phận phụ trách về môi trường và trong đó kiêm nhiệm thêm về vấn đề giảm phát thải. Đây chính là lý do khiến nhiều công ty băn khoăn khi thực hiện chính sách của Nhà nước, dù các bộ ban ngành đã có thông tư hướng dẫn cụ thể”, ông Quang Anh cho biết.

Tuy nhiên, vị chuyên gia từ Cục Biến đổi khí hậu cũng tự tin khẳng định rằng, Việt Nam vẫn sở hữu những lợi thế nhất định trong công cuộc giảm phát thải khí nhà kính.

“Đầu tiên là sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, hàng loạt hoạt động truyền thông cũng đã giúp người dân nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu”, ông Quang Anh chia sẻ.

Lợi thế thứ hai của Việt Nam chính là việc được học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển. Đây sẽ là cơ sở để Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng những quy định liên quan đến thị trường carbon.

“Thuận lợi thứ ba là sự tích cực tham gia của một số doanh nghiệp trong việc giảm phát thải, đặc biệt là các công ty lớn. Không dừng lại ở đó, đơn vị của tôi cũng đã hỗ trợ thêm các doanh nghiệp nhỏ thực hiện kiểm kê khí thải, mặc dù họ không nằm trong danh sách quy định. Tất cả đều bắt nguồn từ việc nhận thức của doanh nghiệp đã dần được nâng cao”, ông Quang Anh bình luận.

Với các lợi thế trên, Giám đốc Trung tâm Phát thải carbon thấp đã gửi gắm niềm tin lớn vào tương lai của hành trình giảm phát thải.

“Tất cả các đơn vị đều đã cùng vào cuộc, tôi tin tưởng rằng mục tiêu sẽ thành công. Kết quả mà chúng ta đạt được sẽ không chỉ dành cho hiện tại mà còn hướng tới thế hệ tương lai”, ông Quang Anh bày tỏ sự lạc quan.

Giám đốc điều hành BYD Việt Nam: Thị trường xe "xanh" Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển
BYD luôn hướng tới chiến lược giao thông xanh toàn diện, điều này được thể hiện rõ với sự góp mặt tại hơn 10 lĩnh vực giao thông khác nhau. BYD...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư