Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 02 tháng 02 năm 2025,
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang: Chuyển mình với mục tiêu xanh - bền vững
Gia Yên - 02/02/2025 09:55
 
Năm 2025 được xem là khởi đầu cho một chu kỳ phát triển mới, bà Lưu Thị Thanh Mẫu và Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang tiếp tục kiên định chiến lược phát triển xanh - bền vững.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu

Năm 2024 kiên định một mục tiêu

Năm 2024 là một dấu mốc đáng nhớ với Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang (Công ty Phúc Khang) khi Công ty kỷ niệm 15 năm thành lập, phát triển và quyết tâm theo đuổi sứ mệnh: “Tiên phong và thúc đẩy việc kiến tạo phong cách sống tốt hơn cho sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái nhân văn bền vững theo chuẩn mực xanh toàn cầu”.

Nhớ lại năm 2024, bà Mẫu cho biết, đó là một năm khó khăn, nhưng Công ty Phúc Khang đã ghi nhận những bước chuyển mới, khi đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo để vượt qua các thách thức và duy trì mục tiêu phát triển xanh - bền vững.

“Chúng tôi tập trung và kiên định với chiến lược phát triển và lan tỏa các dự án xanh chuẩn mực, có giá trị bền vững. Dù chi phí đầu tư ban đầu có thể cao hơn, nhưng việc tạo ra các sản phẩm bất động sản có chất lượng và thân thiện môi trường sẽ mang lại giá trị lâu dài không chỉ cho doanh nghiệp, mà còn cho cả cộng đồng và xã hội”, bà Mẫu nói.

Trong năm 2024, Ban lãnh đạo và tập thể Công ty Phúc Khang đã thống nhất công bố chiến lược chuyển đổi từ CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) sang ESG toàn diện (môi trường - xã hội - quản trị). Qua đó, khẳng định xu thế hội nhập, cũng như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong định hướng quản trị bền vững - vì một môi trường xanh và một cộng đồng hạnh phúc.

Nhưng hạnh phúc nào mà không phải trải qua khó khăn. Dù khó khăn tới đâu, thì chuyển đổi kép (chuyển đổi số và chuyển đổi xanh) vẫn được thực thi để làm nền tảng xây dựng chiến lược phát triển. Các công trình xanh vẫn là phương tiện quan trọng để doanh nghiệp làm ra các sản phẩm tốt, đúng đắn, phù hợp xu hướng thế giới, lan tỏa tinh thần sống xanh cho cộng đồng, đóng góp vào chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia. Công ty Phúc Khang luôn thống nhất điều này trong quá trình hình thành và phát triển, cũng như trong giai đoạn khó khăn và từng bước phục hồi năm 2024.

Bên cạnh đó, những giải pháp liên quan đến chiến lược và về tài chính đã được áp dụng một cách chủ động và động bộ, như hợp tác với các đối tác bao gồm các ngân hàng, tổ chức tài chính và nhà đầu tư có cùng tầm nhìn về phát triển bền vững. Qua đây, Công ty Phúc Khang dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, có cơ hội để chia sẻ chi phí, công nghệ và kinh nghiệm trong triển khai các dự án bất động sản xanh.

“Với chiến lược ESG, Phúc Khang tiếp tục nâng tầm và tri thức hóa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thông qua những nỗ lực hợp tác với các đơn vị giáo dục, trường đại học hàng đầu để tổ chức các hội thảo chuyên sâu về công trình xanh, chính sách pháp luật, các giải pháp phát triển bền vững cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ký biên bản ghi nhớ (MOU) với Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM)…”, bà Thanh Mẫu cho biết.

Dự án Diamond Lotus Riverside do Công ty Phúc Khang phát triển

Năm 2025 sẽ là năm chuyển mình

CEO Lưu Thị Thanh Mẫu vừa phê duyệt bản kế hoạch chiến lược cho Công ty Phúc Khang trong năm 2025. Bà cho biết, năm 2025 sẽ là một năm chuyển mình của doanh nghiệp. Theo đó, trong năm khởi đầu cho một chu kỳ phát triển mới, mục tiêu của Công ty Phúc Khang không chỉ là tăng trưởng về doanh thu, mà còn tập trung vào bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng sống cho cộng đồng cư dân, tối ưu hóa các giải pháp bền vững, nâng cao giá trị thương hiệu.

“Chúng tôi vẫn kiên định với chiến lược quốc tế hóa nguồn lực cho doanh nghiệp thông qua việc hoạch định và hiện thực hóa các hoạt động xúc tiến thương mại, liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu; hợp tác với các đối tác chiến lược bao gồm các ngân hàng, tổ chức tài chính và nhà đầu tư có cùng tầm nhìn về phát triển bền vững”, bà Mẫu nói.

CEO của Công ty Phúc Khang giải thích thêm, trong xu hướng hiện nay và trong tương lai, bất động sản xanh sẽ chứng kiến làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) mạnh mẽ và đầy kỳ vọng giữa bối cảnh tăng trưởng bền vững và cam kết giảm phát thải carbon của các quốc gia và doanh nghiệp. Các dự án bất động sản xanh và carbon thấp không chỉ mang lại lợi ích về môi trường, mà còn tạo ra cơ hội đầu tư hấp dẫn trong dài hạn.

Công trình xanh tiếp tục là phương tiện quan trọng để Công ty Phúc Khang làm ra những sản phẩm tốt, phù hợp với xu hướng của thế giới, lan tỏa tinh thần sống xanh cho cộng đồng, đóng góp vào chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia và quốc tế. Trong năm 2025, Công ty sẽ tập trung hoàn thành đúng tiến độ những dự án ở vị trí tiềm năng, thừa hưởng ưu thế từ hạ tầng ngày một hoàn thiện.

Các luật mới được ban hành sẽ góp phần tạo điều kiện tốt hơn cho đà phục hồi của thị trường bất động sản nói chung và Công ty Phúc Khang nói riêng. Chiến lược ESG toàn diện, tuân thủ các mục tiêu phát triển bền vững tiếp tục được thực hiện để khẳng định xu thế hội nhập, cũng như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong định hướng quản trị bền vững - vì một môi trường xanh và một cộng đồng hạnh phúc.

Để chuẩn bị cho kế hoạch chuyển mình của doanh nghiệp, CEO Thanh Mẫu cho biết, các chương trình hợp tác với các trường đại học hàng đầu như Trường đại học Luật TP.HCM, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ là nền tảng giúp Phúc Khang tối ưu nguồn nhân lực chất lượng cao. Các khóa đào tạo được tổ chức trong năm 2024 là một phần quan trọng cho những bước tiến trong thời gian tới của Công ty Phúc Khang.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp tiếp tục thực thi 3 phương thức quản trị cho mục tiêu phát triển xanh bền vững. Đầu tiên là quản trị mục tiêu trong doanh nghiệp. Theo đó, khi làm việc với đối tác, khách hàng, hay làm việc trong nội bộ, tập thể doanh nghiệp đều thống nhất rằng, tiền nên là mục tiêu sau cùng, vì con người mới làm nên tiền, nếu không có đội ngũ chuẩn hóa, quốc tế hóa, thì doanh nghiệp sẽ thất bại. Thế nên, doanh nghiệp cần xây dựng tổ chức học tập, người lãnh đạo cũng phải học tập, có như thế thì lợi ích sẽ đến sau đó.

Thứ hai là quản trị tiêu chuẩn trong doanh nghiệp. Công ty Phúc Khang chuẩn bị và đặt mục tiêu làm tốt kỷ luật lao động và tính minh bạch, có sự thay đổi từ nội tại.

Cuối cùng là quản trị về mô hình phát triển. Thay vì ở trong nước ngồi chờ, Công ty Phúc Khang đã và sẽ tiếp tục chủ động đi tìm nguồn lực còn thiếu, tìm đòn bẩy giúp mình phát triển mạnh hơn như doanh nghiệp nước ngoài.

“Với tôi, năm 2025 sẽ là một năm vươn mình, bởi sẽ có cái bắt tay giữa Công ty Phúc Khang và một doanh nghiệp Nhật để phát triển dự án xanh tại TP.HCM”, bà Mẫu tiết lộ.

Hòa cùng làn sóng xanh toàn cầu

Là một doanh nghiệp bất động sản theo đuổi việc phát triển những công trình xanh, Công ty Phúc Khang có gặp khó khăn gì không?

Cái khó lớn nhất là Việt Nam chưa có bộ công cụ thống nhất đánh giá công trình xanh. Chi phí để thực hiện một dự án xanh tại Việt Nam lớn hơn từ 1,2% đến 10% so với một dự án thông thường. Trong khi đó, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ Nhà nước cho các chủ đầu tư thực hiện công trình xanh là không đáng kể.

Việc xây dựng các công trình xanh yêu cầu sử dụng các công nghệ, vật liệu thân thiện với môi trường và các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Điều này làm gia tăng áp lực tài chính với doanh nghiệp trong bối cảnh chi phí xây dựng tăng cao và khả năng huy động vốn khó khăn hơn.

Theo bà, xu hướng bất động sản xanh tại Việt Nam đang như thế nào và vì sao có ít doanh nghiệp theo đuổi mô hình này?

Ngành bất động sản Việt Nam đang hòa cùng làn sóng chuyển đổi xanh trên toàn cầu. Người dân có xu hướng tập trung vào giá trị không gian sống bền vững, môi trường sống xanh mát, trong lành. Những địa phương sở hữu những đặc điểm thiên nhiên sẵn có hoặc được đầu tư cảnh quan một cách bài bản trở thành điểm đến đáng sống của người dân.

Tuy nhiên, việc phát triển công trình xanh vẫn đang gặp nhiều thách thức. Chi phí cao và kỹ thuật công nghệ là rào cản lớn đối với chủ đầu tư khi ứng dụng công nghệ và vật liệu xanh. Không phải tất cả các doanh nghiệp xây dựng tại Việt Nam đều sở hữu công nghệ đạt chuẩn quốc tế để phát triển công trình xanh. Thiếu nhân lực chất lượng cao, chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế, xây dựng và vận hành công trình xanh ở cũng là một lý do quan trọng khiến việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam gặp khó khăn.

Ngoài ra, lý do ẩn sâu chính là nhận thức chưa đồng đều, không phải khách hàng ở mọi phân khúc thị trường đều sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm xanh. Cuối cùng, Nhà nước hiện chưa có quy định bắt buộc đối với các công trình xây dựng mới hoặc cải tạo phải đáp ứng tiêu chuẩn công trình xanh.

Bà đánh giá thế nào về thị trường bất động sản trong năm 2025?

Sau năm 2024 là năm bản lề chuyển giao giữa giai đoạn cũ và giai đoạn mới, năm 2025 được xem là khởi đầu cho một chu kỳ phát triển mới. Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi, duy trì đà tăng tại các thành phố lớn. Thị trường được kỳ vọng sẽ phát triển ổn định, bền vững hơn nhờ những yếu tố hỗ trợ như hành lang pháp lý rõ ràng, nhà đầu tư đã có nhiều kinh nghiệm qua các chu kỳ trước.

Riêng phân khúc bất động sản xanh có khả năng đạt được những bước tiến tích cực vào năm 2025, nhưng vẫn đối mặt với một số thách thức. Đặc biệt, số lượng công trình xanh có thể tăng gấp đôi so với hiện nay nhờ sự quan tâm ngày càng cao từ Chính phủ, nhà đầu tư và người dân.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư