Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Ba ngày nữa các biện pháp trừng phạt dầu mỏ Nga có hiệu lực
Đông Phong - 02/12/2022 12:52
 
Giới phân tích cảnh báo các biện pháp trừng phạt mà phương Tây nhằm vào dầu mỏ của Nga sẽ "thực sự gây xáo trộn" trên thị trường năng lượng nếu không thống nhất được mức giá trần.
Trạm tiếp nhận thuộc hệ thống đường ống Druzhba giữa Hungary và Nga tại Nhà máy lọc dầu Duna gần thị trấn Szazhalombatta, Hungary. Ảnh: AFP
Trạm tiếp nhận thuộc hệ thống đường ống dẫn Druzhba giữa Hungary và Nga ở gần thị trấn Szazhalombatta, Hungary. Ảnh: AFP

Tháng 6/2022, 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí sẽ cấm mua dầu thô của Nga từ ngày 5/12. EU cùng với Mỹ, Nhật Bản, Canada và Vương quốc Anh muốn cắt giảm đáng kể khoản chi nhập khẩu dầu mỏ từ Nga, với mục đích giảm nguồn thu của Nga sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, lệnh cấm hoàn toàn việc nhập khẩu dầu mỏ từ Nga sẽ khiến giá dầu thô tăng vọt và các nước G7 sẽ phải xem xét áp trần giá đối với dầu mỏ của Nga.

Theo Henning Gloystein, giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, lệnh cấm hoàn toàn đối với hàng nhập khẩu của Nga có thể "thực sự gây xáo trộn" trên thị trường năng lượng.

Trong vài ngày qua, các quốc gia EU đã tranh cãi về mức giá trần sao cho phù hợp. Phương án áp trần giá dầu là 62 USD/thùng đã được thảo luận vào đầu tuần này, nhưng Ba Lan, Estonia và Litva không nhất trí mà cho rằng, mức giá này vẫn quá cao để có thể kéo giảm nguồn thu dầu mỏ của Nga.

Ba Lan, Estonia và Litva nằm trong số những quốc gia có tiếng nói mạnh mẽ nhất trong việc thúc đẩy hành động trừng phạt Nga vì những hành động quân sự ở Ukraine.

Trả lời đài CNBC, ông Rob Jetten, Bộ trưởng Năng lượng Hà Lan cho biết việc áp giá trần dầu mỏ của Nga là "bước đi tiếp theo rất quan trọng".

"Nếu muốn các biện pháp trừng phạt hiệu quả, thực sự gây tổn hại cho Nga, thì chúng ta cần áp đặt cơ chế trần giá dầu. Vì vậy, hy vọng chúng ta có thể đồng tình với đề xuất này càng sớm càng tốt", Bộ trưởng Jetten nói.

Dầu mỏ Nga được giao dịch ở mức khoảng 66 USD/thùng trong ngày 30/11. Các quan chức Nga đã lên tiếng cảnh báo rằng việc áp mức giá trần là phản cạnh tranh và Moscow sẽ không bán dầu cho các quốc gia áp dụng giá trần.

Nga hy vọng các khách hàng lớn khác như Ấn Độ và Trung Quốc sẽ không đồng ý với việc áp trần giá dầu và sẽ tiếp tục mua dầu của Nga.

Tháng 9/2022, các nước G7 đã nhất trí chủ trương áp trần giá đối với dầu mỏ của Nga và từ đó tiến hành xem xét phương án cụ thể. Áp trần giá dầu có thể giúp các nước G7 mua dầu Nga với giá thấp hơn, đồng thời kéo giảm thu nhập từ dầu mỏ của Nga mà không làm tăng giá dầu thô trên toàn cầu.

thời điểm các nước G7 thông qua nhất trí áp trần giá dầu, Ủy viên năng lượng EU, bà Kadri Simson, cho biết bà hy vọng Trung Quốc và Ấn Độ cũng sẽ ủng hộ việc áp mức giá trần.

Nhưng thực tế, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều tăng cường nhập khẩu dầu mỏ Nga sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine do được hưởng mức chiết khấu. "Trung Quốc và Ấn Độ đóng vai trò rất quan trọng bởi họ mua phần lớn dầu mỏ của Nga", ông Jacob Kirkegaard, chuyên gia cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhận định.

"Tuy nhiên, họ (Trung Quốc và Ấn Độ - BTV) sẽ không cam kết áp dụng vì lý do chính trị, vì mức trần giá là chính sách do Mỹ hậu thuẫn và [vì] lý do thương mại, vì họ đã nhận được rất nhiều dầu giá rẻ từ Nga, vậy tại sao họ phải từ bỏ điều đó? Cho rằng họ sẽ tự nguyện tham gia là suy nghĩ ngây thơ vì Ukraine không quan trọng đến thế đối với họ", ông Jacob Kirkegaard nói.

Về phía Ấn Độ, Bộ trưởng Xăng dầu Shri Hardeep S Puri từng trả lời đài CNBC rằng ông có "trách nhiệm đạo đức" đối với người tiêu dùng nước mình. "Chúng tôi sẽ mua dầu từ Nga, chúng tôi sẽ mua từ bất cứ đâu", ông Shri Hardeep S Puri khẳng định.

Đến nay, ngày càng có nhiều nghi ngờ về tác động thực sự của các biện pháp hạn chế đối với nền kinh tế Nga.

Guntram Wolff, Giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức (DGAP), cho rằng: "Các biện pháp trừng phạt năng lượng đối với Nga đã đến quá muộn và quá rụt rè". "Đây chỉ là sự tiếp nối của một loạt các quyết định rụt rè đáng tiếc. Các biện pháp trừng phạt càng kéo dài và càng muộn thì Nga càng dễ lách chúng", Giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức nhấn mạnh.

Giá dầu được dự báo về mốc 100 USD/thùng trong quý IV/2022
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) dự báo giá dầu sẽ giảm 10 USD xuống còn 100 USD/thùng trong quý IV/2022.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư