Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Ba trụ cột nền tảng - động lực mới đưa Ninh Bình phát triển
Lã Quý Hưng - 01/09/2023 09:25
 
Trong niềm vui của Ngày Tết Độc lập, lấp lánh một Ninh Bình bứt phá vượt lên, tự cân đối ngân sách, tạo ra 3 trụ cột nền tảng phát triển nhanh và bền vững.

Trung tâm du lịch quốc gia và khu vực

Ninh Bình là vùng đất "địa linh nhân kiệt", nơi khai sinh nhà nước Đại Cồ Việt - nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Nằm ở phía Nam vùng Đồng bằng sông Hồng, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 90 km, với vị trí địa lý thuận lợi, Ninh Bình trở thành cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế - thương mại - du lịch và văn hóa giữa hai miền Nam - Bắc.

Ninh Bình đậm đặc di tích lịch sử văn hóa với 1.821 di tích, trong đó 3 di tích quốc gia đặc biệt, 281 di tích cấp quốc gia. Đây là quê hương của hát xẩm, hát chèo… và trên 260 lễ hội cùng văn hóa ẩm thực độc đáo.

Thiên nhiên đã ban tặng Ninh Bình nhiều cảnh quan tươi đẹp như Tam Cốc - Bích Động, Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, suối nước khoáng nóng Kênh Gà, biển Kim Sơn - Cồn Nổi, hồ Yên Thắng… Đặc biệt là Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới.

Lễ Hội Tràng An - Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới.

Năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (di sản hỗn hợp thứ 39 của thế giới và di sản hỗn hợp đầu tiên của Đông Nam Á) dựa trên 3 tiêu chí: Văn hóa, vẻ đẹp thẩm mỹ và địa chất địa mạo đã tạo thế và lực mới cho sự phát triển của du lịch Ninh Bình.

Ninh Bình đã lọt vào danh sách bình chọn của nhiều chuyên trang du lịch quốc tế uy tín. Năm 2020, Trips to Discover (Mỹ) điền tên Ninh Bình vào danh sách 14 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á. Năm 2022, Tạp chí Travel + Leisure (Mỹ) xếp Ninh Bình vào danh sách 12 địa điểm quay phim đẹp nhất châu Á. Năm 2023, Ninh Bình đoạt Giải thưởng Traveller Review Awards, là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới. Tạp chí Forbes bình chọn Ninh Bình là một trong 23 điểm đáng đến nhất thế giới. Mới đây nhất, Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) đã vinh danh Cúc Phương là Vườn Quốc gia hàng đầu châu Á. Đây là lần thứ 5 liên tiếp Vườn quốc gia Cúc Phương được vinh dự nhận giải thưởng danh giá này.

Những thập kỷ qua, Đảng bộ Ninh Bình đã ban hành nhiều nghị quyết phát triển tỉnh thành trung tâm du lịch của cả nước, đẩy mạnh thu hút đầu tư thực hiện Nghị Quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thủ tướng  Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Bộ GT-VT, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cùng doanh nghiệp Xuân Trường cắt bănh khánh thành cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn.

Đúng như khẳng định của bà Audrey Atoulay Tổng giám đốc UNESCO: “Nhờ có những chính sách phù hợp, cộng với việc thực hiện nghiêm Luật Di sản, kiên trì thực hiện Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; kết hợp xây dựng các chương trình, đề án phát triển du lịch bền vững, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, chủ thể của di sản, nên nhiều năm qua Tràng An luôn là điểm đến được nhiều người ưa thích, nhất là du khách nước ngoài. Từ đó, di sản này ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới”.

Ninh Bình cũng là nơi được chọn để tổ chức nhiều sự kiện, hội nghị quan trọng về du lịch, tâm linh và phát triển bền vững như Đại lễ Phật đản Vesak, Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972), Hội nghị quốc tế “Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam" diễn ra tại khách xá Bái Đính…

Ninh Bình trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu thế giới; nhóm 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước. Năm 2022, đón 3,7 triệu khách, doanh thu 3.450 tỷ đồng, tăng 3,7 lần so với năm 2021. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ninh Bình đón hơn 4,53 triệu lượt khách du lịch gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch đạt hơn 3.846 tỷ đồng, gấp 2,9 lần so với cùng kỳ và đạt 74,7% kế hoạch năm. Năm 2023, ngành du lịch tỉnh Ninh Bình dự kiến đón hơn 5,35 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt hơn 5.100 tỷ đồng.

Hệ thống cơ sở lưu trú tăng mạnh với trên 800 cơ sở. Điển hình như Khách sạn Legend, Khách sạn Hoàng Sơn, Khách sạn Bái Đính, Thung Nham resort, Tam Coc Garden… 20 khu, điểm du lịch quy mô quốc gia và quốc tế như Khu du lịch sinh thái Tràng An, Cố đô Hoa Lư, Tam Cốc - Bích Động, chùa Bái Đính…

Sân golf Tràng An.

Nghị quyết của Tỉnh ủy Ninh Bình về phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045 xác định, phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn, nằm trong nhóm 10 điểm đến du lịch hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đóng góp 10% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).

Công nghiệp xanh, sạch, công nghệ cao

Duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nhất là trong giai đoạn 2016 - 2020, công nghiệp Ninh Bình đóng góp lớn vào công cuộc phát triển kinh tế, tăng trưởng 22,6%/năm. Mới đây nhất, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 đạt 50.985,5 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Công nghiệp Ninh Bình chủ lực là phụ trợ, sản xuất và lắp ráp ô tô, sản xuất linh kiện điện tử, một trong 3 trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất cả nước, đóng góp lớn vào công cuộc phát triển kinh tế.

Khu công nghiệp Gián Khẩu - một trong 7 khu công nghiệp của tỉnh Ninh Bình.

Tiêu biểu như Liên doanh Ô tô Hyundai và Tập đoàn Thành Công với 8 dự án hoạt động hiệu quả. Trong đó, Công ty Sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam đóng góp 70% tổng thu ngân sách của tỉnh. Các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của tỉnh Ninh Bình là yếu tố quan trọng để Hyundai Thành Công lựa chọn đặt nhà máy sản xuất tại đây. Từ nhà máy đầu tiên đi vào hoạt động năm 2010, công suất ban đầu 40.000 xe/năm, sau đó mở rộng lên 80.000 xe/năm, đến nay, Công ty sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam vừa khánh thành thêm nhà máy thứ hai công suất 100.000 xe/năm tại Khu công nghiệp Gián Khẩu, huyện Gia Viễn.

Đến nay, Ninh Bình có 93 dự án FDI, với tổng mức đầu tư 1.578,82 triệu USD, như Dự án Nhà máy Sản xuất camera modul và linh kiện điện tử của Công ty TNHH Mcnex Vina, Dự án Nhà máy Sản xuất cần gạt nước xe ô tô của Công ty TNHH ADM 21, Dự án DNC AUTOMOTVE, Nhà máy Sản xuất dây cáp điện ô tô của Công ty TNHH Esmo Vina,...

Việc người dân "ly nông nhưng không ly hương" đang được Ninh Bình thực hiện mang lại những kết quả rất đáng khích lệ, chứ không chỉ là khẩu hiệu có tính định hướng. Giai đoạn tới, Ninh Bình hướng tới công nghiệp công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, hiệu quả sử dụng đất lớn, chú trọng công nghiệp phụ trợ, sản xuất và lắp ráp ô tô.

Sự quyết liệt, phương pháp xử lý công việc khoa học của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương như năm 2022, Ninh Bình là tỉnh đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất nước. Ninh Bình cũng là tỉnh bàn giao mặt bằng sớm nhất, tổ chức khánh thành sớm nhất dự án thành phần của đường cao tốc Bắc - Nam thời gian qua.

Nông thôn mới phát triển bền vững

Việc phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, mục đích cuối cùng là để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, do đó, người dân phải là chủ thể. Với nhận thức đó nên mọi chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội ở Ninh Bình luôn được người dân đồng thuận, góp sức và cũng chính người dân được thụ hưởng thành quả.

Dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 đi qua 3 huyện, TP. Ninh Bình, nối liền tỉnh Thanh Hoá.

Ninh Bình là tỉnh sớm đưa nội dung lấy ý kiến hài lòng của người dân vào tiêu chí đánh giá xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tạo hiệu ứng tốt. Đây cũng là kênh thông tin quan trọng để các cấp nắm bắt được chỉ tiêu nào người dân chưa hài lòng, từ đó đưa ra giải pháp, tiến độ xử lý, đảm bảo xây dựng nông thôn mới bền vững.

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, đến tháng 8/2022, 100% số xã ở Ninh Bình đã đạt chuẩn nông thôn mới, 30 xã đạt nông thôm mới nâng cao, 14 xã và 333 thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu. 7/8 huyện, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ninh Bình đặt mục tiêu trong năm 2023 có thêm 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Kim Sơn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 2 huyện Hoa Lư, Yên Khánh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hết năm 2023 tỉnh Ninh Bình đủ các điều kiện hoàn thiện hồ sơ xét công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Cơ sở hạ tầng, bức tranh nông thôn ở Ninh Bình có nhiều đổi thay tích cực. Trước hết, là những bước tiến rõ nét về sản xuất nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa, kết hợp thương mại dịch vụ và du lịch. Tỷ lệ cơ giới hóa phục vụ sản xuất tăng dần. Nhiều tổ hợp, hợp tác xã nông nghiệp đầu tư máy sấy, dần thay đổi thói quen phơi, hong; nhiều cánh đồng đã xuất hiện máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy cấy, dần thay thế sức người…

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao cho nông sản đạt các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng thị trường trong và ngoài nước. Lực lượng lao động chuyển dịch tích cực từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Hầu hết lao động trong độ tuổi được đào tạo đạt khá cao, như Hoa Lư (67%), Nho Quan và Yên Khánh (65%)...

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, Ninh Bình đã có 101 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó, 33sản phẩm đạt hạng 3 sao, 68 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Chương trình OCOP góp phần tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, lợi thế của vùng, miền, tạo ra nhiều việc làm, gia tăng giá trị và lợi ích cộng đồng. Nông thôn mới thực sự “đổi đời” các làng quê, một trong 3 trụ cột bền vững đưa Ninh Bình phát triển mạnh mẽ.

Trong không khí rộn ràng, phấn khởi, tự hào, dào dạt niềm vui của ngày Tết Độc lập, lấp lánh một Ninh Bình bứt phá vượt lên, tự cân đối ngân sách, tạo ra 3 trụ cột nền tảng đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững, thực hiện thành công mục tiêu trong Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Đến năm 2025, Ninh Bình trở thành tỉnh trung bình khá, đến năm 2030, thành tỉnh khá của Vùng đồng bằng sông Hồng, là trung tâm du lịch của cả nước. Tầm nhìn đến năm 2050, Ninh Bình là một trung tâm du lịch bền vững, chất lượng, năng lực cạnh tranh cao của cả nước và Đông Nam Á, là một cực tăng trưởng tiềm năng về công nghiệp và dịch vụ, một tỉnh phát triển khá toàn diện của Vùng đồng bằng sông Hồng, miền đất đáng sống, an toàn và thân thiện.

Phương án đầu tư cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua Ninh Bình và Hải Phòng
UBND tỉnh Ninh Bình, TP. Hải Phòng được đề xuất chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư